Ra thông tư quản lý blog: Không khả thi!

ảnh
Ra thông tư quản lý blog: Không khả thi!

Dư luận, cộng đồng mạng đang xôn xao về thông tư mới của Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) sẽ kiểm duyệt chặt chẽ những thông tin trên blog. Được biết NĐ 63/2007 NĐ-CP và 97/2008 NĐ-CP quy định cụ thể, đầy đủû những vi phạm, xử phạt đối với thông tin trên mạng. Vấn đề cấp thiết của nhà quản lý là làm sao để phát hiện ra vi phạm chứ không phải là ra thông tư thu hẹp trong phạm vi blog… Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lê Mạnh Hà (ảnh) xung quanh vấn đề này.

- Phóng viên: Thưa ông, nội dung trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog) đơn thuần mang tính cá nhân. Vậy các cơ quan chức năng làm thế nào để quản lý chuyện “riêng tư” trên mạng?

Ra thông tư quản lý blog: Không khả thi! ảnh 1

Ông LÊ MẠNH HÀ: Những thông tin trên mạng có tính ảo và không biên giới, người sử dụng có thể dùng tên giả, địa chỉ giả, hoặc đăng ký ở nước ngoài… nên rất khó để quản lý blog nói riêng và những thông tin trên mạng nói chung. Theo tôi, nên quản lý tốt những cái đã được cấp phép và rõ ràng như website có đăng ký, trò chơi trực tuyến… sau đó mới có thể nói đến quản lý cái chưa rõ ràng như blog. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới vẫn chưa đặt vấn đề quản lý blog. Hơn nữa, luật của chúng ta chưa thể xác định hết mối quan hệ giữa thế giới ảo như trong blog và con người thực.

Thêm nữa, việc làm rõ tính cá nhân về phương diện thông tin là rất khó. Quan trọng là người viết phải chịu trách nhiệm trước xã hội và pháp luật nếu nội dung mình đề cập trên blog nằm trong các hành vi bị cấm. Nghị định 63/2007/NĐ-CP, Nghị định 97/2008/NĐ-CP đã có những quy định như: chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam, kích động bạo lực…

- Dư luận đang bàn tán về thông tư mới của Bộ TT-TT về quản lý blog. Theo ông, thông tư này sẽ giúp quản lý được blog và người sử dụng?

Tôi mới chỉ nghe thông tin qua báo chí quản lý blog theo thông tư mới, nhưng tôi băn khoăn về tính khả thi của nó. Như đã nói ở trên, thông tin trên mạng nói chung và thông tin trên blog nói riêng mang tính không biên giới và tính ảo rất cao, do vậy việc quản lý blog qua một thông tư là khó khả thi.

- Như vậy, thông tư mới về quản lý blog là không cần thiết?

Hiện nay đã có những quy định rất cụ thể về việc cung cấp, trao đổi hoặc sử dụng thông tin trên mạng như Luật Công nghệ thông tin, Nghị định 63/2007/NĐ-CP và số 97/2008/NĐ-CP. Đã có khung xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy hành vi vi phạm. Luật đã có, chỉ cần căn cứ vào đó rồi cố gắng quản lý là đủ. Tôi nghĩ không cần phải ra thêm thông tư làm gì nữa.

Hai nghị định trên đã quy định rất đầy đủ về thông tin trên mạng. Thông tư mới thu hẹp phạm vi quản lý chỉ gói gọn xung quanh blog. Nếu người ta không gọi là blog nữa hoặc blog có thể đổi tên hoặc chuyển biến thành một dạng khác, khi đó thông tư quản lý nội dung gì? Còn nếu là hướng dẫn, định hướng thì cần xây dựng một kế hoạch tuyên truyền cụ thể để tác động lên nhận thức của blogger mà không cần phải ra một thông tư.

Việc phát hiện thông tin vi phạm pháp luật đăng tải trên mạng là trách nhiệm của cơ quan chức năng và đã có đầy đủ quy định. Cái cần thiết là phải hành động ngay và có các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và xử lý hơn là ban hành một thông tư giống như một chủ trương rất chung chung.

- Vậy theo ông hiện nay chúng ta vẫn khó quản lý được thông tin trên blog?

Không riêng gì thông tin trên blog, kể cả những trang web được cấp phép cũng khó quản lý xuể. Cái khó và công việc cần làm ngay là tìm cách để phát hiện ra những sai phạm. Sức mạnh của dư luận cũng là giải pháp hữu hiệu giúp nhà quản lý phát hiện những vi phạm. Cộng đồng mạng sẽ tẩy chay những thông tin đồi trụy, đi trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật; qua đó cơ quan quản lý có cơ sở ban đầu và điều tra, xác định chủ thể thực của blog ảo…

- Xin cảm ơn ông!

Tiêu Hà – Kiên Giang

Tin cùng chuyên mục