Thương nhớ cô Năm Bi

Nghe tin cô Năm Bi (Hồ Thị Bi) qua đời, tôi không khỏi đột ngột. Vì cách đây không lâu, ban liên lạc họ Hồ tại TPHCM đến thăm cô ở phòng đặc biệt Bệnh viện Nguyễn Trãi, cô vẫn còn nhận biết được tôi nhưng không thể nói được. Trên mình cô, chằng chịt nhiều thứ máy móc hỗ trợ.

Khi ra về, mọi người cảm thấy sẽ phải xa cô, một con người nhân hậu nhưng rất đặc biệt với những chiến công mà hầu như ai cũng biết, được Bác Hồ phong tặng là “Nữ kiệt miền Đông”. Một niềm vinh hạnh lớn cho đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Bi.

Tên thật của cô Năm Bi là Hồ Thị Hoa, sinh năm 1916 trong một gia đình nghèo của vùng đất nổi tiếng: 18 thôn Vườn Trầu – Hóc Môn – Bà Điểm. Mồ côi cha từ nhỏ, phải đi ở đợ lấy tiền nuôi mẹ, cô Năm trải qua những năm tháng đầy nước mắt. Cô sớm giác ngộ cách mạng và trở thành đảng viên Đảng CSVN từ năm 20 tuổi. Từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, Hồ Thị Bi đã nổi danh với tài đánh giặc và lòng gan dạ, chỉ huy tiểu đoàn Việt Nam mới (trong đó có cả lính Âu – Phi theo ta), làm thất điên bát đảo quân thù. Người phụ nữ xinh đẹp, Trưởng ban công tác số 12 Biệt động thành, kiêm Đại đội trưởng Đại đội 2804 ở Hóc Môn rồi Tiểu đoàn phó, Trung đoàn 312, cô Năm đã linh hoạt chiến đấu kết hợp với binh vận, cướp đồn, gây kinh hoàng cho quân giặc trong vùng.

Rất nhiều người từng nghe đến chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ở đó từ năm 1951, Hồ Thị Bi phụ trách một đội quân đầu tiên xuyên rừng, đối mặt với thú dữ, bệnh tật, đi xây dựng căn cứ nơi hẻo lánh xa xôi nhằm thực hiện nhiệm vụ do 2 đồng chí Lê Duẩn và Trần Văn Trà giao phó. Chính Hồ Thị Bi cũng là người đã chấp hành mệnh lệnh của Đảng đi mở đường Nam Trường Sơn để thông ra miền Bắc từ năm 1951.

Ra miền Bắc, niềm vinh dự và thiêng liêng nhất là được gặp Bác Hồ, được kể chuyện chiến đấu của đồng bào miền Nam cho Bác Hồ nghe. Cô Năm cảm động vô cùng mỗi lần được gặp Bác. Nhất là năm 1965, khi được Người giao chăm sóc Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua miền Nam ra thăm miền Bắc. Lúc này thiếu tá Hồ Thị Bi là nữ quân nhân có cấp bậc quân hàm cao nhất trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 37 tuổi, vượt Trường Sơn ra Bắc, năm 57 tuổi (1973), cô Năm lại vượt Trường Sơn trở lại chiến trường miền Nam. Cô lo rất chu đáo công tác chính sách hậu phương quân đội từ miền Bắc tới miền Đông Nam bộ, đến độ người ta đặt tên cho cô là “Bà Năm chính sách”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hồ Thị Bi giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh TPHCM. Chiến tranh 30 năm tồn đọng lại một khối lượng công tác chính sách hết sức nặng nề. Cô Năm cần mẫn, chu đáo giải quyết các trường hợp cho quân nhân và gia đình. Lúc đó, tôi là trợ lý tuyên huấn của phòng chính trị nên hàng ngày vẫn gặp cô Năm. Cô còn khỏe và hồn hậu. Biết tôi là nhà văn, nhà báo, cô hay gợi ý cho tôi đi gặp các nhân chứng để viết chuyện người tốt việc tốt. Đặc biệt, mỗi khi cô ký giấy vẫn là chữ Bi rời ra như con số 131. Cô nói với tôi hồi ở Hóc Môn, bọn giặc vẫn treo giải lấy đầu “bà Một ba mốt”. Bây giờ tôi mới hiểu ra lịch sử chữ ký của cô.

Mấy năm nay, trong các lễ hội, ta đã quen với việc không thấy cô Năm Bi xuất hiện trông bộ quân phục với quân hàm đại tá và ngôi sao anh hùng đỏ chói trên ngực. Cô lâm bệnh ngày càng nặng và rất yếu phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Khi tôi viết những dòng này thì cô Năm đã ra đi, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho bao người về một người con ưu tú, xuất sắc trong lịch sử đấu tranh oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Xin được gửi đến cô Năm Bi những dòng thương nhớ này như nén tâm nhang vĩnh biệt một huyền thoại của thành phố anh hùng. 

HỒ SĨ THÀNH

Nhiều đoàn đại biểu đến viếng Anh hùng Hồ Thị Bi

Đến 17 giờ ngày 13-10, tại Nhà tang lễ TPHCM, nhiều đoàn đại biểu của Trung ương, TPHCM và nhiều tập thể, cá nhân đã đến viếng anh hùng Hồ Thị Bi, trong đó có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu Đảng bộ Tư lệnh Quân khu 7 do Thiếu tướng Trần Văn Hùng, Phó Chính ủy dẫn đầu; đoàn Văn phòng Trung ương Đảng; đoàn ĐBQH TPHCM do đồng chí Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TP làm trưởng đoàn; gia đình Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải… Do đang công tác nước ngoài, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và gia đình đã gửi vòng hoa viếng.

Trong sổ tang, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà xúc động viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tá Hồ Thị Bi, cô Năm Bi, “Nữ kiệt miền Đông”, người con ưu tú của Mười tám thôn Vườn Trầu, người đảng viên trọn cuộc đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân… Kính mong đồng chí yên tâm về cõi vĩnh hằng, chúng tôi- những người nối tiếp, nguyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó”.

H. HIỆP

Tin cùng chuyên mục