Cùng “chia lửa” vượt khó

Trong lúc phải đối mặt khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn luôn giữ được hòa khí, tạo môi trường làm việc sôi nổi. Thậm chí, với quyết tâm dù khó khăn nhưng không để người lao động giảm thu nhập, mất việc, nhiều DN không sa thải công nhân (CN) và có nhiều giải pháp tăng lương cho người lao động.
Cùng “chia lửa” vượt khó

Trong lúc phải đối mặt khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn luôn giữ được hòa khí, tạo môi trường làm việc sôi nổi. Thậm chí, với quyết tâm dù khó khăn nhưng không để người lao động giảm thu nhập, mất việc, nhiều DN không sa thải công nhân (CN) và có nhiều giải pháp tăng lương cho người lao động.

        Ai cũng được thưởng

Trong khi nhiều công ty khác không tăng ca thì CN Công ty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu) vẫn có việc làm thêm đều đều. DN đã quyết định, dù khó khăn đầu ra nhưng vẫn sản xuất, thành phẩm sẽ để đó bán dần. Biết rằng như thế vốn đọng, song quan trọng là tạo được công ăn việc làm cho CN. Công đoàn cũng đề xuất lãnh đạo DN chọn CN lành nghề có hoàn cảnh khó khăn để làm thêm ngày chủ nhật. Làm ngày chủ nhật, thay vì thưởng phần trăm lương cơ bản, DN lại thưởng theo ngày công, làm 4 giờ tính một ngày công. Có CN, riêng ngày chủ nhật đã rinh đến 3 công và khoản thu nhập làm thêm ấy được DN tính luôn để đóng bảo hiểm xã hội. Được đóng bảo hiểm xã hội với mức lương cao, CN rất phấn khởi vì sau này sẽ được hưởng lương hưu cao.

Công nhân tại Nhà lưu trú công nhân KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè TPHCM).

Công nhân tại Nhà lưu trú công nhân KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè TPHCM).

Ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch Công đoàn Công ty Toàn Thắng cho biết: “Ở DN, ai cũng được thưởng, thưởng quanh năm suốt tháng”. Bí quyết để CN nào cũng được thưởng là công đoàn “chẻ” nhỏ đối tượng đề cử thưởng (theo nhóm CN làm theo thời gian, nhóm CN làm theo sản phẩm…). CN nào tiết kiệm được thời gian, tăng năng suất… đều được thưởng. Khi CN ở nhóm nào cũng được thưởng hết rồi thì còn sót lại bộ phận quản lý. Lấy lý do nếu không thưởng cho nhân viên quản lý - những người lao động đã có công đôn đốc, coi sóc cho hoạt động sản xuất vượt mức đề ra - sẽ mất đi tính công bằng, công đoàn công ty lại thuyết phục ban giám đốc: Thưởng từ 1-5 triệu đồng/năm. Mỗi CN thêm 1 tuổi nghề sẽ được thưởng thêm 50.000 đồng/tháng (ngoài tăng lương theo quy định). Trước tình hình giá cả biến động, công ty hỗ trợ thêm mỗi CN 200.000 đồng tiền nhà trọ, gần 100.000 đồng tiền ăn sáng… Nhờ sự linh hoạt, khéo léo của công đoàn, CN Công ty Toàn Thắng thu nhập tăng dần và nhiều CN thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh 2.000 CN ở trong khu lưu trú, hơn 2.000 CN Công ty Nissei Electric Việt Nam thuê trọ bên ngoài cũng được DN chia lửa bằng cách hỗ trợ tiền thuê nhà từ 200.000 - 300.000 đồng/người/tháng. Theo ông Phạm Văn Hiền (Công đoàn các KCX-KCN TP), chỉ tính riêng KCN Bình Chiểu và KCX Linh Trung 1, Linh Trung 2, đã có 22 công ty hỗ trợ tiền nhà trọ cho CN với mức từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng/người/tháng.

        Đón đầu thử thách

Cùng tình cảnh như các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hai năm trở lại đây, Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Nguyên Cát (quận 10), gặp khó. DN phải cạnh tranh gay gắt hơn, đơn hàng thiếu, đối tác nợ dây dưa kéo dài chưa thu hồi được… Trước tình hình đó, công đoàn và lãnh đạo công ty đã tổ chức hội nghị người lao động hàng tuần, mong được CN chia sẻ tình cảnh. “Nếu là giám đốc công ty, anh sẽ làm gì?”, ông Hoàng Văn Liễn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nguyên Cát, đặt ra mục tiêu cho mỗi nhân viên. Ban chấp hành Công đoàn vận động nhân viên đưa ra sáng kiến, hiến kế để DN tồn tại, vượt khó. Ai có khả năng tìm được việc làm, hợp đồng cho công ty, công ty đều sắp xếp cho nghỉ làm việc ở trụ sở, công trình để đi giao dịch. Khó khăn trong thu hồi tiền, ban giám đốc và công đoàn ngồi lại, bóc tách khoản nợ thành các phần: Chi phí nhân công, chi phí nguyên vật liệu, chi phí khác… Phần nào là giá trị nhân công thì giao cho bộ phận thu hồi phải đòi bằng được để chi trả lại cho CN. “Nhờ thế, DN có việc lai rai và đến nay vẫn cố gắng chưa sa thải một CN nào”, ông Hoàng Văn Liễn chia sẻ.

Ông Hà Phước Đức, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Viễn Thông A, cho biết, do các chuỗi siêu thị trải dài trên toàn quốc nên cùng với tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại trực tiếp, công ty còn lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của người lao động qua diễn đàn trực tuyến nội bộ. Nhờ đón đầu thử thách và giải quyết ngay từ đầu các khó khăn, mâu thuẫn nên ai nấy đều vui vẻ làm việc. Để CN an tâm sản xuất, Công ty TNHH nhựa Phước Thành (quận 5), đã xây dựng 3 dãy nhà lưu trú (15 phòng dành cho người có gia đình, 25 phòng dành cho người độc thân) và dụng cụ thể dục thể thao phục vụ giải trí cho CN thư giãn sau giờ làm việc; tổ chức bếp ăn tập thể đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn cho CN.

Theo bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cùng với việc DN tạo thu nhập đủ sống cho CN, có môi trường làm việc thân thiện, người lao động cũng chia sẻ những khó khăn với DN, có sáng kiến góp phần thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đó là nền tảng để quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục