Trở ngại của bằng cấp

Tình trạng thạc sĩ thất nghiệp ngày càng phổ biến cho thấy bằng cấp nhiều khi không giải quyết được vấn đề, thậm chí, có khi bằng cấp còn là trở ngại cho chủ nhân tiếp cận công việc phù hợp.

Một trong những nguyên nhân khiến “đầu ra” ế ẩm là bởi ngay ở “đầu vào”, nhiều người học thạc sĩ đã bị chệch hướng. Trên 50% sinh viên mới tốt nghiệp có bằng cấp nhưng thiếu kiến thức thực tế, thiếu kỹ năng mềm. Để né thất nghiệp hoặc thất nghiệp tạm thời, nhiều cử nhân tiếp tục đi sưu tập bằng cấp với quan niệm có bằng cấp cao hơn thì dễ dàng có việc.

Học tập là nhu cầu suốt đời và theo đuổi việc học là quyết định luôn được hoan nghênh. Nhưng nhiều người có định hướng rõ ràng, có công việc phù hợp rồi mới học lên thạc sĩ để nâng cao, trau dồi trình độ, giúp ích cho những việc đang và sẽ làm. Với kiến thức lý thuyết đã có vốn chưa được sử dụng, giờ lại tích hợp thêm khối lượng kiến thức lý thuyết chuyên sâu chưa biết khi nào mới được sử dụng, liệu việc tiếp tục dùi mài trên ghế nhà trường có phù hợp? Thay vì lăn xả vào thực tế, rèn luyện các kỹ năng làm việc, việc tiếp tục, kể cả vay công mượn nợ, để học thạc sĩ liệu có phải là một sự lãng phí? Trong khi đó, trong thời buổi khó khăn, các đơn vị tuyển dụng cần người vừa có chuyên môn vừa có kinh nghiệm, có kỹ năng. Đơn vị tuyển dụng chẳng dại gì tạo thêm gánh nặng tài chính cho mình khi tuyển một thạc sĩ chưa có kinh nghiệm làm việc để phải trả lương tối thiểu (theo hệ số lương) cao hơn một lao động khác có trình độ thấp hơn song có khả năng đảm bảo được năng suất và hiệu quả công việc.

Cùng với đòi hỏi rà soát lại chất lượng đào tạo thạc sĩ, tình trạng thạc sĩ thất nghiệp cũng đặt ra yêu cầu cần có lời giải thỏa đáng hơn trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Sự khắc nghiệt của thị trường lao động với biểu hiện không ít thạc sĩ thất nghiệp, hy vọng sẽ là liều thuốc giải đối với tâm lý sính bằng cấp đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục