Tâm tình của con người đã vời vợi đi xa...

Tâm tình của con người đã vời vợi đi xa...

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện quê xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nhưng trong cuộc đời hơn 80 năm của ông lại có nhiều kỷ niệm gắn với TPHCM. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (5-2-1913), cùng điểm lại những “cột mốc” ấy.

Năm 1937, lần đầu BS Nguyễn Khắc Viện vào Sài Gòn, lên tàu thủy sang Pháp du học - chuyến đi quyết định xoay chuyển cả cuộc đời, từ một công tử con quan Phủ Doãn Thừa Thiên (Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm) trở thành nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa nổi tiếng.

Sau 26 năm ở Pháp, năm 1963, ông trở về nước nhưng ít ai biết từ nhiều năm trước ông đã nối “đường dây” về với miền Nam. Năm 1948, khi vừa thoát khỏi “cửa tử” sau nhiều ca mổ cắt 6 xương sườn và hơn 1 lá phổi, tại Khu điều dưỡng Saint Hilaire, BS Nguyễn Khắc Viện viết bài nghiên cứu Giáo dục hoạt động. Ông đã dành “tác phẩm đầu tay” này gửi về Nam bộ, vì ở đây Giáo sư Hoàng Xuân Nhị - người bạn đồng hương cùng lứa, sang Pháp du học trước ông 1 năm, về nước tham gia kháng chiến từ năm 1946, được Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ cử phụ trách tờ “Le Voix du Maquis”, rồi Giám đốc Nha Giáo dục Nam bộ. Những năm gần đây, nhiều thầy giáo, nhiều nhà nghiên cứu mạnh mẽ lên tiếng phê phán lối học thụ động, hạn chế sức sáng tạo của học sinh. Đó chính là vấn đề BS Nguyễn Khắc Viện đã nêu lên từ hơn nửa thế kỷ trước. Tiếc rằng, do điều kiện chiến tranh và những hạn chế khác, từ năm 1974, Giáo dục hoạt động mới được công bố rộng rãi (in trong sách Ngây thơ - NXB Phụ nữ, 1974 - và tái bản nhiều lần trong các tác phẩm về văn hóa-giáo dục của BS Nguyễn Khắc Viện).

Một việc thầm lặng khác của BS Nguyễn Khắc Viện cũng còn ít người biết. Gần đây, qua lời kể của BS Trần Hữu Nghiệp chúng ta mới hay khoảng năm 1956-1957 - lúc đó BS Nguyễn Khắc Viện vừa được cử làm Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, ông đã giúp ngành y tế Nam bộ khắc phục được một khó khăn không nhỏ. Thời kỳ đó, kẻ địch bắt được cán bộ, chiến sĩ cách mạng thường dùng súng lục cực nhỏ bắn vào bụng hoặc dùng dùi nhỏ đâm thủng ruột, rồi thả cho về - như vậy sẽ không có bằng chứng để tố cáo với Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp định Genève; nhưng với thủ đoạn dã man này, nhiều anh chị em bị viêm phúc mạc cho đến chết. Muốn cứu chữa phải đại phẫu thuật, mổ khâu lại chỗ ruột thủng nhưng bác sĩ, máy móc thiếu thốn. Thế là một lớp đào tạo y tá phẫu thuật cho các tỉnh Nam bộ cấp tốc được mở với tài liệu học tập là các bản vẽ Quene sắp lớp (Planches Quene) do BS Nguyễn Khắc Viện gửi từ Paris về bằng máy bay qua đường Phnôm Pênh…

Cũng nhằm hỗ trợ cho cuộc chiến đấu của bà con miền Nam - lần này là sự ủng hộ về công tác tuyên truyền đối ngoại - ngay trong thời gian BS Nguyễn Khắc Viện chuẩn bị rời Paris về Hà Nội (do bị chính quyền Pháp trục xuất), ông đã tập hợp nhiều nguồn tư liệu, viết cuốn sách bằng tiếng Pháp với bút danh Nguyễn Kiên Le Sud - Vietnam depuis dien-bien-phu - Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ (NXB Francois Maspero). Sách xuất bản năm 1963 nên cũng có thể gọi đây là “món quà” quý nhất mà BS Nguyễn Khắc Viện mang về nước, trước hết dành tặng đồng bào miền Nam đang giữa cuộc chiến đấu quyết liệt vì độc lập và tự do của Tổ quốc.

Đến năm 1964, khi BS Nguyễn Khắc Viện sáng lập tạp chí Etude Vietnamiennes (Nghiên cứu Việt Nam) thì số đầu tiên ông lại dành toàn bộ để viết về tình hình miền Nam Việt Nam. Theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu, 20 năm sau, bộ tạp chí này trở thành nguồn tài liệu tham khảo về Việt Nam vào loại có giá trị nhất.

Một “cột mốc” có tính riêng tư nhưng lại khá đặc biệt: Nô-en năm 1967, khi đã trên 50 tuổi, BS Nguyễn Khắc Viện lần đầu tiên… cưới vợ! Phu nhân là bà Nguyễn Thị Nhất, quê Bình Định nhưng cả gia đình đã thành dân Sài Gòn từ lâu; bà Nhất cũng đi du học Pháp, quen biết BS Nguyễn Khắc Viện từ hơn 20 năm trước nhưng bà về nước từ năm 1955…

Miền Nam và Sài Gòn được BS Nguyễn Khắc Viện quan tâm đặc biệt như thế nên sau ngày đất nước thống nhất, dù chỉ thở với chưa đầy một lá phổi, ông liên tục có những chuyến đi dài ngày vào TPHCM và các tỉnh Nam bộ để sau đó công bố nhiều bài viết quan trọng trên nhiều tờ báo lớn trong nước và quốc tế. Việc phổ biến phương pháp Dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện và hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em (gọi tắt là “N-T”) - một tổ chức khoa học phi chính phủ đầu tiên thành lập ở Việt Nam - đều sớm được thực hiện tại TPHCM.

20 năm trước, đúng vào dịp BS Nguyễn Khắc Viện tròn 80 tuổi, Viện Hàn lâm Pháp trao tặng ông giải thưởng lớn trong cộng đồng Pháp ngữ (“Grand Prix de la Francophonie”) với giá trị 400.000 francs. Tin này cũng được một tờ báo ở TPHCM đăng đầu tiên.

Trong cuộc đời BS Nguyễn Khắc Viện, không ít sự việc, không ít công trình đã bắt đầu từ TPHCM. Và sau khi ông qua đời, TPHCM là nơi đầu tiên có tên đường mang tên Nguyễn Khắc Viện tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Một mùa xuân nữa lại đến. Có lẽ cũng nên nhắc lại mùa xuân 1996, lần cuối cùng BS Nguyễn Khắc Viện vào TPHCM; hình như linh cảm được thời khắc bước sang cõi khác của mình, ông đã khai bút bằng 3 bài thơ tại căn nhà nhỏ ở phố Phan Đăng Lưu, nơi hàng năm ông vẫn thường vào “trốn rét” và đón mùa xuân ấm áp phương Nam. Trong 3 bài thơ ấy, 1 bài ông nhắn về quê hương bên sông Phố với giọng điệu tha thiết:… “Các O ơi! Xin dành một thoáng tâm tình / Cho một con người đã vời vợi đi xa…” và mong ước lối sống đẹp “Của trời chung chia sẻ cho từng người” sẽ chiến thắng sự tham lam, vị kỷ đang sinh sôi, biến tướng diễn ra khắp hành tinh.

Trung Sơn

Tin cùng chuyên mục