Có nên xử phạt người đội nón bảo hiểm giả?

Đảm bảo chất lượng?
Có nên xử phạt người đội nón bảo hiểm giả?

Phải xử lý cả 3 đối tượng sản xuất, kinh doanh, sử dụng nón bảo hiểm (NBH) giả, đó là nội dung tại Thông tư liên bộ gồm các bộ: GTVT, Công thương, Công an, Khoa học - Công nghệ và cũng là vấn đề được bàn kỹ trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1-7 tới đây. Liệu mục tiêu “xóa sổ” NBH giả và giảm nguy cơ tử vong và chấn thương sọ não do tai nạn giao thông có thể đạt được như mong muốn?

“Ma trận” nón bảo hiểm đang bủa vây người tiêu dùng. Ảnh: Kim Ngân

“Ma trận” nón bảo hiểm đang bủa vây người tiêu dùng. Ảnh: Kim Ngân

Quyết liệt xử lý

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong những ngày vừa qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội và Hải Phòng đã triển khai thí điểm việc kiểm tra xử lý tình trạng kinh doanh NBH trên địa bàn. Kết quả ban đầu cho thấy, tại cả 2 thành phố này gần như 100% các điểm bán NBH đều có vi phạm, số lượng NBH giả chiếm tới 2/3 lượng nón bày bán. Lực lượng QLTT của 2 thành phố cũng đã thu giữ một số lượng lớn NBH giả. Đại diện cơ quan QLTT Hà Nội cho biết, phần lớn các nón bị thu giữ đều không có tem nhãn của nhà sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ, dấu hợp quy CR. Loại nón này được bày bán rất rẻ, chỉ với giá 20.000 - 50.000 đồng/chiếc, nhưng chỉ cần thế, người bán đã có lợi nhuận trên 50%.

Tại các điểm chuyên kinh doanh NBH ở Hà Nội như các cửa hàng trên phố Chùa Bộc, Phố Huế… việc bày bán NBH đã không còn công khai như trước, các chủ cửa hàng đều dè dặt khi được hỏi về NBH. Tuy nhiên, chưa thể nói việc bán NBH giả đã bị đẩy lùi bởi chỉ cần trao đổi thăm dò vài câu là người mua vẫn có thể mua được NBH giả. Ở nhiều cửa hàng nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội, người dân vẫn có thể mua được NBH giả do cả người bán và người mua đều tin rằng các cơ quan chức năng chưa “sờ” tới các ngóc ngách của thị trường. Mặc dù vậy, triệt tận gốc NBH giả vẫn đang được các cơ quan chức năng quyết tâm làm bằng được trong thời gian tới.

Theo chỉ thị của Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ KHCN đều phải có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra, xử lý nhằm chấm dứt tình trạng NBH giả tràn lan trên thị trường. Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát thị trường, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương), cho biết: “Bộ Công thương sẽ chỉ đạo và có kế hoạch với những văn bản pháp luật đầy đủ để triển khai, kiểm tra, kiểm soát những hộ kinh doanh, những nhà sản xuất NBH. Tất cả phải đạt đúng theo quy định của pháp luật như: phải có giấy phép kinh doanh, phải được Tổng cục Đo lường chất lượng cấp. Nếu cơ sở nào không đủ những quy định đó sẽ bị xử lý và đăng trên phương tiện đại chúng. Từ ngày 15-3 tới sẽ tổng kiểm tra, xử lý NBH giả trên toàn quốc”.

Nón bảo hiểm thật giả khó lường. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Nón bảo hiểm thật giả khó lường. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Đảm bảo chất lượng?

Luật Giao thông đường bộ 2008 và các NĐ 34, NĐ 71 mới chỉ quy định xử phạt hành vi không đội NBH và đội NBH nhưng không cài quai đúng quy cách chứ chưa có xử phạt hành vi đội NBH giả. Tuy khẳng định chưa xử phạt ngay nhưng với quan điểm đội NBH giả vẫn là vi phạm và cần phải xử phạt, dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt vừa bổ sung thêm hành vi này. Theo đó, NBH giả ở đây được xác định một cách đơn giản hơn, dễ nhận biết hơn chứ không đi sâu vào các yếu tố kỹ thuật như trước, đó là NBH phải có đủ 3 bộ phận gồm lớp vỏ nhựa, lớp giảm xung chấn và quai cài.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, việc xác định 3 bộ phận một cách đơn giản như vậy nhằm tránh việc tranh cãi NBH thật giả giữa cơ quan chức năng và người dân và cũng là để xác định hành vi vi phạm một cách nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, chỉ với 3 bộ phận cấu thành như vậy chưa phản ánh được chất lượng thật của NBH và nếu chỉ để xác định hành vi để dễ xử phạt thì có nên không? Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cũng cho rằng: “Đề xuất của Bộ GTVT không có ý nghĩa gì, dù có đủ 3 lớp hay không cũng không chứng minh được là NBH đó có đủ chất lượng hay không. Không chứng minh được thì lại gây rắc rối, nên theo tôi là không cần chẻ nhỏ hành vi như vậy, dễ gây rối lòng dân”. Ông Hùng cũng cho rằng NBH không đạt chất lượng là việc của các cơ quan chức năng vậy thì không nên đưa vấn đề xử phạt người đội NBH giả vào Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Nhiều ý kiến cũng đồng tình việc các cơ quan chức năng hãy tập trung vào xử lý triệt để việc sản xuất, kinh doanh NBH giả, kém chất lượng và xử lý mạnh hành vi không đội NBH hoặc cài quai không đúng quy cách như luật đã có.

Bích Quyên


* Ngày 12-3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TPHCM cùng cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất Trí Liễu (242/29 An Dương Vương, phường 16, quận 8) do ông Đỗ Hữu Trí làm chủ làm nhái nón Sơn. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ hàng trăm nón bảo hiểm nhái Nón Sơn cùng nhiều vỏ nón, khuôn đúc… Ông Trí cho biết, sản phẩm nhái được bán tại các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM với giá 90.000 đồng/chiếc (giá Nón Sơn chính hãng từ 350.000 - 500.000 đồng/chiếc).

T.Hồng

Tin cùng chuyên mục