Tập trung xử lý bất động sản tồn kho

Ngày 18-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo TPHCM về những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản (BĐS) gắn với xử lý nợ xấu.
Tập trung xử lý bất động sản tồn kho

Ngày 18-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo TPHCM về những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản (BĐS) gắn với xử lý nợ xấu.

  • Tồn kho 14.490 căn hộ

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, kết quả khảo sát có nhiều dự án tạm dừng, chậm triển khai, hàng tồn kho tăng dẫn đến nợ xấu gia tăng. Dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS khoảng 4.145 tỷ đồng. Hàng tồn kho ước 14.490 căn hộ chung cư với giá trị khoảng 24.500 tỷ đồng, đa số căn hộ có diện tích lớn, trên 10.000 căn từ 60m² - 90m²/căn, không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân. Giá nhà ở quá cao so với thu nhập bình quân của đại đa số các tầng lớp dân cư. Về văn phòng cho thuê, thành phố tồn đọng 15.300m².

Đầu tư ồ ạt vào địa ốc nhưng bán và cho thuê rất khó khiến hàng tồn kho lớn, có nguy cơ dẫn đến bong bóng bất động sản nổ tung. Ảnh: C. Thăng (ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Đầu tư ồ ạt vào địa ốc nhưng bán và cho thuê rất khó khiến hàng tồn kho lớn, có nguy cơ dẫn đến bong bóng bất động sản nổ tung. Ảnh: C. Thăng (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Nhằm xử lý hàng tồn kho, trong thẩm quyền của mình, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp điều chỉnh cơ cấu phù hợp với khả năng thanh toán của thị trường. Đối với dự án chung cư đã xây xong nhưng chưa bán, chủ đầu tư được lập phương án điều chỉnh lại diện tích căn hộ, giảm diện tích. Dự án nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai hoặc xây dựng dở dang sẽ điều chỉnh để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, nhà ở cho công nhân. Về mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết thành phố đã thuận chủ trương mua lại 500 căn nhà ở xã hội với giá trị 340 tỷ đồng, mua 15.441 căn hộ chung cư, nền đất với giá trị 9.552 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố đã có chủ trương cho vay tối đa 400 triệu đồng/trường hợp với lãi suất 7,5%, thời gian cho vay tối đa 15 năm. Tính đến nay, đã có 1.152 trường hợp vay với tổng số tiền giải ngân 347,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết tại Hà Nội có doanh nghiệp đầu tiên trả lại dự án 200ha vì không đủ khả năng thực hiện; nhiều chủ đầu tư chủ động liên hệ cơ quan chức năng chuyển sang dự án nhà ở xã hội.

  • Giải pháp xử lý nợ xấu

"Vừa qua nghe NHNN báo cáo con số 400.000 tỷ đồng nợ xấu, tự ngân hàng tái cơ cấu 200.000 tỷ đồng, nợ xấu còn lại khoảng 200.000 tỷ đồng, 70% là BĐS có tài sản thế chấp, vì vậy giải quyết được nợ xấu BĐS coi như cơ bản giải quyết nợ xấu của nền kinh tế"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Xem BĐS như “tội đồ” của nền kinh tế, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình khá gay gắt: BĐS xì hơi là tất yếu, một lượng vốn lớn chúng ta đổ vào thị trường BĐS, không hiệu quả dẫn đến lạm phát. Ông Bình cho biết, NHNN đã có dự thảo xử lý nợ xấu. Theo đó, giải quyết khó khăn trước mắt nhưng phải theo hướng phát triển bền vững trong tương lai, lập lại trật tự BĐS. Trong dự thảo xử lý nợ xấu trình Chính phủ, sẽ xử lý 100.000 - 150.000 tỷ đồng, nhằm tạo thanh khoản cho ngân hàng và có thêm vốn cho sản xuất kinh doanh thời gian tới. “Tôi chỉ đạo các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, không chia lợi nhuận, thậm chí âm nếu có nợ xấu. Nếu năm nay trích 90.000 tỷ đồng, chúng tôi xử lý 30.000 - 40.000 tỷ đồng, được xấp xỉ 2% nợ xấu. Nợ đọng chính quyền địa phương 90.000 tỷ đồng, chúng tôi xử lý trong 3 năm, mỗi năm trả lại cho hệ thống 30.000 tỷ đồng, giảm thêm được hơn 1% nữa. Xử lý nợ xấu không phải không làm được và sẽ xử lý nhanh từ quý 1-2013. Riêng đối với BĐS, NHNN sẽ ưu tiên cho người mua nhà, dành khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng dân vay, thời gian 5 - 10 năm, với lãi suất các ngân hàng thương mại cho vay cỡ 7% - 8%. Nhưng phải có người mua nhà thật vay chứ không cho công ty xây dựng vay. Cứ ngân hàng thương mại nào giải ngân 1 đồng thuộc đối tượng như thế báo lên, NHNN sẽ cấp lại 1 đồng lãi suất 6%. Ngoài ra, sẽ cho vay các dự án dở dang với điều kiện phải bán được nhà” - ông Bình nói. Thống đốc dự báo: “Từ nay đến năm 2015, tình hình kinh tế chưa thể “hồng hào” để có một thị trường sôi động như trước đây”.

Dưới góc nhìn khác, ông Trần Du Lịch, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nói: “Chúng ta không có khả năng phá băng BĐS, chỉ làm ấm thôi, tránh lạm phát trở lại”. Theo đó nên tập trung tín dụng cho người mua nhà với căn nhà giá bán dưới 1 tỷ đồng. Đối với vướng mắc BĐS nên “làm một luật để sửa nhiều luật”, tập hợp lại còn một luật để trình Quốc hội. Ông Lịch lưu ý rằng, bên cạnh “cứu” BĐS phải “tự dọn dẹp những công ty lôm côm, dễ dãi, tay không bắt giặc”.

Đối với nhiều ý kiến tập trung phát triển, lãi suất ưu đãi cho nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặt nghi vấn: Cần phải nghiên cứu kỹ, nếu lỡ cầu ảo thì sao?

  • “Tháo” tồn kho BĐS

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý với các giải pháp của TPHCM và các bộ. Trước mắt, khó khăn lớn nhất của nền kinh tế là nợ xấu, hàng tồn kho, BĐS ứ đọng. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, BĐS tồn đọng quá lớn, tại Hà Nội theo Bộ Xây dựng cộng lại tất cả dự án đủ để ở đến… năm 2050! Do đó, phải tháo gỡ cho sản xuất, tập trung giải quyết nợ xấu ngay từ đầu năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu TPHCM nói riêng và các địa phương nói chung trước hết phải xem xét lại công tác quy hoạch, điểm yếu nhất hiện nay; phải có chiến lược, định hướng cụ thể phát triển thị trường BĐS. Quan tâm xây dựng nhà ở cho người nghèo, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho người có công, công nhân viên chức, nhà ở tái định cư… Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp BĐS; loại bỏ doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực tài chính. Tập trung cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phải hạ giá cắt lỗ...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, các ngân hàng thương mại tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu liên quan đến BĐS theo hướng cơ cấu lại nợ, đối với 70% nợ xấu có thế chấp thì bán tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro... Đối với NHNN, sớm hoàn thiện đề án xử lý nợ xấu, trong tháng 1-2013 bắt đầu triển khai.

“Phân lô bán nền” trở lại?

Các bộ ngành cũng đề xuất cho phép bán nền nhà, nhằm xử lý “tồn kho” 1,6 triệu m². Bên lề hội nghị, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói, trước đây các văn bản pháp luật - đặc biệt Luật Đất đai yêu cầu xây xong nhà mới được bán. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, cần phải linh hoạt cho phép bán nền đất các dự án đã xong hạ tầng, đương nhiên phải xa nơi trung tâm.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục