Dài cổ chờ sổ đỏ - Bài 2: Rắc rối mua nhà tái định cư

Khá nhiều trường hợp không thể cấp mới hoặc cấp đổi giấy chủ quyền khi mua nhà tái định cư. Cho dù pháp luật về nhà ở không cấm việc mua bán, thị trường vẫn có giao dịch nhưng khi cấp giấy lại là đoạn trường trần ai…
Dài cổ chờ sổ đỏ - Bài 2: Rắc rối mua nhà tái định cư

Khá nhiều trường hợp không thể cấp mới hoặc cấp đổi giấy chủ quyền khi mua nhà tái định cư. Cho dù pháp luật về nhà ở không cấm việc mua bán, thị trường vẫn có giao dịch nhưng khi cấp giấy lại là đoạn trường trần ai…

Cụm chung cư H1, 2, 3, 4 trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh có nhiều căn hộ chưa được cấp giấy chủ quyền.

15 năm nhà vắng chủ (!?)

Cụm chung cư 5 tầng nhỏ nhắn nằm lẩn khuất trong khu dân cư nhiều cây xanh mát mắt, mặc dù xây dựng khoảng 17 năm nhưng màu sơn vàng bên ngoài đã bong tróc cũ kỹ, loang lổ nét rêu phong. Khu nhà này thuộc dự án chung cư H1, 2, 3, 4 dọc trục đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cấp giấy chủ quyền.

Anh Vũ Anh Tuấn, chủ nhân căn hộ 406, lốc H2, bức xúc pha lẫn thất vọng khi nói về chủ quyền căn nhà, éo le như số phận gia đình anh. Tháng 8-1996, Công ty Quản lý phát triển nhà Bình Thạnh đã bán cho ông Nguyễn Anh Vũ căn nhà trên thông qua hợp đồng mua nhà trả góp, thuộc diện tái định cư với giá 13,75 lượng vàng SJC. Năm 1999 căn nhà được chuyển nhượng cho anh Tuấn với giá 27 lượng vàng, chủ nhân đứng tên hợp đồng mua nhà xuất cảnh sang Mỹ, để nỗi khổ cho người ở lại. Mỗi lần anh Tuấn lên phường hỏi giấy chủ quyền thì chỉ sang công ty, công ty trả lời chờ thành phố, bởi nhà tái định cư không được sang nhượng. Cứ như thế chờ đợi trong mỏi mòn.

Trước đây gia đình anh Tuấn ở chung với cha mẹ thường trú tại số 232 Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh. Khu vực này đã bị giải tỏa để làm dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm, chỉ còn hộ khẩu trên giấy tờ. “Tôi cần chứng thực giấy tờ phải quay về phường cũ và công an giục chuyển hộ khẩu nhưng nhà mình không có giấy chủ quyền làm sao nhập hộ khẩu được? Hiện nay tôi chỉ có tạm trú KT2, không biết làm sao vì không thể liên lạc được với gia đình ông Vũ. Bây giờ tôi có bán cũng không ai dám mua, lúc đầu mua đâu nghĩ đến tình trạng này, chẳng lẽ bó tay?”, anh Vũ Anh Tuấn than vãn.

 

* Trở lại trường hợp nhà của ông Dũng suốt 20 năm “đường ngay lối thẳng” đi làm giấy chủ quyền nhà nhưng vẫn chưa được (nêu trong bài 1), giữa tuần rồi khi làm việc với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Thạnh, một nhân viên của văn phòng đề nghị gia chủ nộp hồ sơ… lại từ đầu để nghiên cứu, nếu các hộ xung quanh đã được cấp giấy chủ quyền thì sẽ xem xét cấp cho ông Dũng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 2 căn nhà sát vách căn hộ (20/12A Đinh Bộ Lĩnh, phường 24) của ông Dũng đều đã có giấy chủ quyền.

 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên, tổ trưởng tổ dân phố 84, chung cư H2 cho biết, trong tổng số 68 căn hộ còn khoảng 20 hộ chưa có giấy chủ quyền, nguyên nhân là không trả hết tiền, đặc biệt là không tìm ra chủ cũ. Có trường hợp căn hộ đứng tên người nước ngoài, bây giờ không biết tìm ở đâu, ví dụ như căn 302, tên Amach!

Khu dân cư An Sương, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 có 65,7ha do Công ty TNHH MTV Phát triển và kinh doanh nhà làm chủ đầu tư đã thành hình hài sau 13 năm triển khai. Đường sá thông thoáng, nhà chung cư thấp tầng, cao tầng cũng như nhiều dãy nhà phố hiện đại mọc lên.

Tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn còn 11ha chưa đền bù xong, nằm trong diện điểm nóng về giấy chủ quyền, đặc biệt những trường hợp mua lại suất tái định cư thật khó để hoàn tất giấy chủ quyền. Chị H. mua lại suất tái định cư nền đất năm 2007, sau đó cất nhà lên theo quy hoạch khá khang trang.

Tháng 5 vừa rồi, quận 12 cấp giấy chủ quyền nhà đất cho chủ nhân tái định cư. Sau đó chị H. tiến hành cấp đổi sang tên chính thức của mình, nhưng khó khăn bắt đầu từ đây. Chủ cũ có 9 nhân khẩu, giấy chủ quyền lại đứng tên “Hộ ông…”, như vậy khi làm thủ tục công chứng sang tên phải đủ 9 người có mặt. Cái khổ hiện nay, trong ngần ấy gia đình lại có người mất tích, không biết làm sao để thực hiện. Nhà thì mình ở, cầm sổ đỏ trên tay, bỏ vào tủ khóa cẩn thận nhưng lại không phải của mình. Vậy là thủ tục sang tên bị ngưng lại.

Nằm phía sau lưng nhà chị H., cụ G. như rưng rưng nước mắt khi kể về lai lịch căn nhà của mình. Cụ cũng mua lại nền đất tái định cư, nhưng từ khi bắt đầu xây nhà, người chủ trên danh nghĩa đã rất nhiều lần “xin tiền”: lúc thì giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu đang cầm cố xin tiền chuộc, ký giấy tờ gì đó đều phải cho tiền. Còn nay khi giấy chủ quyền đã có, cụ G. kể rằng, chủ nhân tái định cư nói “đang nghĩ giá nào mới ký sang tên”.

“Trong khu vực này, dọc các đường DN 8, DN 9, DN 10, có nhiều trường hợp éo le như vậy. Có hộ gia đình 4 người, nhưng lại có đứa con đi du học, đành phải chờ về đủ người mới đi công chứng, lúc đó thủ tục sang tên mới hoàn tất. 52 sổ đã có nhưng sang tên không được”, một nhân viên Công ty TNHH MTV Phát triển và kinh doanh nhà đưa chúng tôi đến nhà dân, nhận xét.

Chờ hướng dẫn?

Đối với diện “vắng chủ”, ông Hồ Ngọc Minh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh cho biết, hiện nay công ty đang có 200 trường hợp như vậy rơi vào tình trạng bế tắc. Cách nay hơn hai tháng, ngày 11-6, báo cáo với HĐND TPHCM về việc thực hiện Nghị quyết 16 về quy hoạch và quản lý quy hoạch tại quận Bình Thạnh, lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh đề xuất cấp giấy chủ quyền nhà, đất cho người mua suất tái định cư. Bởi vì quận còn khoảng 600 trường hợp mua bán suất tái định cư chưa được cấp giấy chủ quyền mặc dù đã đóng xong tiền mua nhà, đất cho chủ đầu tư.

Ngày 21-8, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Thạnh, cho biết đang chờ hướng dẫn của thành phố!

Ông Mai Văn Hữu, Giám đốc Ban Quản lý dự án khu dân cư An Sương cho biết, khó khăn trong việc cấp giấy không chỉ đối với người mua lại nền đất tái định cư mà ngay cả 130 căn chung cư thuộc diện tái định cư chỉ mới cấp được 4 căn, số còn lại không cấp được vì chủ nhà đã bán cho người khác, quận chỉ cấp cho chính chủ, chứ không cấp cho “F1, F2…”.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường nhận xét, vướng mắc này thuộc về chính sách trong vấn đề giải quyết nhà tái định cư. Xuất phát từ chủ trương nhà tái định cư là một hình thức Nhà nước bán rẻ cho một số đối tượng với mong muốn tạo điều kiện nhà ở cho người tái định cư và muốn họ được hưởng phần chênh lệch lợi nhuận đó. Nhưng thực tế người tái định cư lại bán đi vì nhiều khó khăn, dẫn đến rắc rối sau này.

Trước đây thành phố có hẳn một văn bản không cho phép chuyển nhượng suất tái định cư, nên muốn tháo gỡ thành phố phải có văn bản khác. UBND TP đã nắm vấn đề này, đã nhiều lần họp tìm giải pháp. Nói chung, cần một chủ trương để giải quyết, sau đó sẽ áp vào từng trường hợp cụ thể mới xử lý được. Dạng nhà tái định cư “bán lúa non”, vừa rồi theo thống kê tại các quận huyện, xảy ra nhiều nhất là quận Bình Thạnh, kế đó là quận 12 và lẻ tẻ ở một số quận huyện khác…

LƯƠNG THIỆN

- Bài 1: Nợ như chúa Chổm

Tin cùng chuyên mục