Báo động trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

Gia tăng trẻ “vô danh”
Báo động trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

Đã 3 lần cô hộ lý gọi tên và nhờ những người cùng phòng nhắn giúp nhưng sản phụ N.T.P. (ngụ ở Bình Dương) vẫn bặt tăm hơi. Đứa con nhỏ vừa sinh 2 ngày tuổi của sản phụ này đang khát sữa và khóc ngằn ngặt. Cô hộ lý thốt lên buồn bã: “Lại bỏ rơi con”. Nói rồi cô bế đứa trẻ về phòng y vụ để làm thủ tục vô thừa nhận… Tình trạng trên vẫn thường diễn ra tại BV phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương và đang có xu hướng gia tăng.

Trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc tại BV Phụ sản Hùng Vương TPHCM.

Trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc tại BV Phụ sản Hùng Vương TPHCM.

Gia tăng trẻ “vô danh”

Mới 7 giờ sáng nhưng Khoa Dưỡng nhi sơ sinh của BV Từ Dũ TPHCM đã rộn lên bởi tiếng khóc nức nở, tiếng ru dỗ dành. Một tay bón sữa cho đứa trẻ tầm 2 tuần tuổi, một tay vỗ về đứa trẻ trên nôi, cô hộ lý cười hiền: “Sáng nào tụi em cũng bận rộn với lũ trẻ như thế này. Thấy mà thương bởi chúng không còn hơi ấm người thân”.

Đã bao năm qua, BV Từ Dũ phải gồng gánh thêm chức phận “làm mẹ” cho không biết bao nhiêu trẻ bị bỏ rơi. Điều đáng nói, tình trạng này đang mỗi ngày một gia tăng. Nếu như cách đây 2 năm, khoa tiếp nhận chưa tới 200 cháu, đến năm 2009 phải làm thủ tục vô thừa nhận cho hơn 220 cháu và trong 6 tháng đầu năm 2010 vừa qua cũng tiếp nhận hơn 100 cháu.

Trong một cuộc trò chuyện cách đây chưa lâu, Tiến sĩ Ngô Minh Xuân, Khoa Dưỡng nhi sơ sinh BV Từ Dũ, không khỏi xót xa khi kể về hoàn cảnh của nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi. Không chỉ một số cháu bị dị tật bẩm sinh hay mẹ bị nhiễm HIV, mà ngay những cháu khỏe mạnh, khôi ngô cũng bị bỏ rơi bởi chính những bà mẹ sinh ra không muốn nuôi dưỡng.

“Mặc dù bệnh viện đã rất cẩn thận trong việc lưu giữ hồ sơ sản phụ nhưng thực tế một số sản phụ khi vào sinh nở đã cố tình khai sai địa chỉ nên rất khó để liên hệ với người thân khi trẻ bị bỏ rơi”, một lãnh đạo bệnh viện cho biết.

Khoa sơ sinh dành cho trẻ bị bỏ rơi của BV Phụ sản Hùng Vương TPHCM cũng đã quá tải từ 2 năm qua. Không chỉ phải đầu tư thêm giường mà ngay cả lồng kín để ấp cho trẻ bị mắc bệnh vàng da, trẻ sinh non cũng được bệnh viện tăng cường. Nếu như năm 2008 tại BV Hùng Vương có 42 trường hợp trẻ bị vô thừa nhận thì năm 2009 đã có hơn 80 trẻ.

Tại Khoa Phụ sản BV Đại học Y-Dược và nhiều bệnh viện tuyến quận huyện khác cũng đang gia tăng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Khoa Phụ sản, Đại học Y-Dược, băn khoăn khi số lượng 30 trẻ bị bỏ rơi năm 2008 đã tăng lên gần gấp đôi trong 2009.

Theo ghi nhận, tại phòng khám sản, hộ sinh tư nhân ở các khu công nghiệp tại Bình Dương, các quận Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức của TPHCM, tình trạng trẻ bị bỏ rơi cũng diễn ra khá phổ biến.

Theo một bác sĩ sản khoa ở quận Tân Phú, khi trẻ bị bỏ rơi, bệnh viện đều báo cho chính quyền phường, sau đó báo cáo lên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Ngoài bệnh viện, một số sản phụ có ý định bỏ rơi con cũng chọn các nhà chùa để “nhờ”… nuôi hộ.

Gánh nặng xã hội

Báo cáo tình hình thực hiện Đề án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2005-2010 tại TPHCM ngày 20-8 vừa qua cho thấy, hiện toàn TP có 2.028 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt được nhận trợ cấp thường xuyên. Trong đó, trẻ không có điều kiện ở với gia đình được tiếp nhận nuôi dưỡng tại 6 trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTB-XH là 1.390 trẻ.

Ngoài ra, tại TP có 58 cơ sở bảo trợ xã hội do cá nhân, tổ chức chăm sóc 860 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi. Theo UBND TPHCM, trẻ em bị bỏ rơi có chiều hướng gia tăng hàng năm, bình quân mỗi năm có trên 1.000 em bị bỏ rơi. Năm 2007 có 1.385 em; năm 2008 có 1.372 em; năm 2009 có 1.416 em và 6 tháng đầu năm 2010 đã tiếp nhận gần 750 em, hầu hết là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại các bệnh viện.

Vào TPHCM làm công nhân may đã 2 năm, chị T.N.Y. (quê Hà Tĩnh) quen biết và yêu đương với một nam công nhân cùng công ty. Lúc đầu là những hành động quan tâm gần gũi, sau đó họ góp gạo nấu cơm chung.

Rồi chuyện gì đến phải đến, Y. có thai mà không hề hay biết. Vốn dĩ chỉ học hết lớp 7, đồng lương lại còm cõi, Y. không thể hiểu được hệ quả của việc mang thai ngoài ý muốn. Đến khi Y. đến phòng khám phụ khoa để “giải quyết” thì đã muộn, thai nhi hơn 4 tháng tuổi.

Vậy là sau khi sinh nở, Y. quyết định bỏ rơi đứa trẻ… Đó là một trong nhiều trường hợp mà BV Phụ sản Hùng Vương TPHCM ghi nhận được trong thời gian qua.

Một y tá làm việc tại một phòng khám sản trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết, từ đầu năm đến nay đã đỡ sinh cho hàng chục ca và có 2 ca là công nhân ở KCX Tân Thuận sinh xong bỏ con lại, trốn mất dạng. Sau khi chăm sóc được đủ tháng, phòng khám đã làm thủ tục và nhờ Sở LĐTB-XH TPHCM giúp đỡ vào trại mồ côi… Đó là một thực trạng hiện đang nở rộ trong giới công nhân mà nói như một bác sĩ sản khoa thì môi trường, điều kiện sống khiến công nhân nữ dễ bị lạm dụng, có thai ngoài ý muốn.

Nói về nguyên nhân của tình trạng bỏ rơi trẻ sơ sinh, một lãnh đạo của BV Từ Dũ lo lắng bởi những tác động của xã hội không chỉ khiến một bộ phận phụ nữ vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ con như trước đây, mà nay hiện tượng học sinh - sinh viên yêu đương sớm rồi lỡ có thai, đẻ con rồi bỏ rơi cũng gia tăng. Cùng với đó, những phụ nữ nhiễm HIV nhưng mang thai, khi sinh ra không muốn nuôi con nên cũng bỏ lại cho bệnh viện… Chính tình trạng trẻ sơ sinh bỏ rơi tăng cao khiến các bệnh viện phải gồng gánh, trong khi trợ cấp của Nhà nước còn khá eo hẹp.

“Chưa tính đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, nếu trẻ sinh non hoặc mắc chứng bệnh võng mạc phải mổ, chi phí mỗi ca cả chục triệu đồng, bệnh viện cũng phải lo liệu”, một lãnh đạo BV Hùng Vương cho biết.

Hiện tại, những trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện được chăm sóc cẩn thận, sau 30 ngày không ai đến nhận mà trẻ có sức khỏe bình thường, đạt cân nặng từ 2,5 kg trở lên sẽ được chuyển danh sách sang Sở LĐTB-XH TPHCM. Sở sẽ căn cứ vào tình trạng các trẻ, lập danh sách đưa các cháu vào các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi do sở quản lý. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tạo thêm một gánh nặng cho xã hội.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục