Ngành dược ì ạch, giá thuốc leo thang

LTS:
Ngành dược ì ạch, giá thuốc leo thang

LTS: Từ vị thuốc Xuyên Tâm Liên được xem như một tân dược đầu tiên do doanh nghiệp trong nước sản xuất trị “bách bệnh” hồi còn thời bao cấp cách nay mấy chục năm, đến nay ngành dược nước nhà đã có nhiều bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, hiện năng lực sản xuất cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu phòng và chữa bệnh cho người dân. Đáng nói hơn, với 90% nguyên liệu nhập khẩu, ngành dược Việt Nam vẫn chủ yếu ở dạng “nấu cao, đóng gói”. Đó cũng là nguyên do lý giải vì sao thuốc cứ mãi tăng giá!

Bài 1: Ăn xổi ở thì

Trong vai người bệnh bị nhức đầu, sổ mũi do cảm cúm, chúng tôi ghé một loạt nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (khu vực chợ Tân Định, quận 1, TPHCM) để hỏi mua thuốc. Nhân viên nhà thuốc L.C. niềm nở: “Có rất nhiều loại thuốc trị cảm cúm, thích loại nào em bán loại đó”. Nói rồi, cô nhân viên đưa ra gần chục loại thuốc sản xuất trong nước.

Các công ty dược trong nước đã sản xuất được một số loại thuốc thay thế thuốc ngoại. Ảnh: Cao Thăng

Các công ty dược trong nước đã sản xuất được một số loại thuốc thay thế thuốc ngoại. Ảnh: Cao Thăng

Cùng mẹ, khác tên

Lâu nay, nhiều người mắc các bệnh cảm cúm, nhức đầu cứ luôn nghĩ đến các loại như Panadol, Paracetamol, Decolgen bởi đó là những loại thuốc được quảng cáo nhiều. Thực ra, thị trường thuốc có tới hàng chục loại có tác dụng điều trị tương tự như vậy và đều được sản xuất trong nước. Một chủ nhà thuốc thổ lộ: “Mấy trình dược viên tiếp thị miết cái thuốc cảm cúm. Thấy mà phát ốm. Chắc thuốc này dễ sản xuất quá hay sao mà mấy công ty dược cứ sản xuất xoành xoạch”. Để minh chứng, chủ nhà thuốc đưa ra một loạt nào là Cenflu của liên doanh Công ty Dược liệu Trung ương III, Grippostad của Công ty Dược Stada Việt Nam, Biviflu của Công ty Dược phẩm BV Pharma, Ameflu của Công ty Dược OPV, Panadol của Công ty Sanofi-Synthelabo Việt Nam… Quả là hoa cả mắt khi trước mặt chúng tôi là hàng loạt thuốc trị cảm cúm mà không biết chọn loại nào đạt hiệu quả cao. Cô bán thuốc cho biết, mỗi loại có mỗi giá khác nhau và chênh lệch rất nhiều. Nhưng đừng có nghĩ, thuốc đắt tiền hơn sẽ tốt hơn.

Ghé qua Trung tâm Dược sỉ (đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM), dò hỏi xem thị trường thuốc nội ra sao, một chủ quầy không giấu giếm: “Cạnh tranh khốc liệt lắm. Nhưng thật lạ là giá vẫn không giảm. Thế mới chết”. Theo các chủ quầy thuốc bán sỉ, mức lãi khi bán buôn thuốc nội thường không nhiều như thuốc nhập ngoại nhưng phải luôn “ôm hàng” để phòng khi khách có nhu cầu. Tuy nhiên, do có nhiều loại thuốc sản xuất trong nước trùng nhau về hoạt chất, về tác dụng điều trị nên thường các nhà thuốc chọn kinh doanh 1 - 2 loại. Một nhân viên Công ty Dược Trường Đức cho biết: “Nhiều loại thuốc nội khác nhau về tên gọi thương mại, còn chỉ định phòng và điều trị y chang. Người ta gọi là cùng mẹ, khác tên”. Ngoài thuốc trị cảm cúm, các loại thuốc kháng sinh, vitamin C, thuốc trị ho… cũng được nhiều công ty dược trong nước đua nhau sản xuất. Chẳng hạn kháng sinh có tới vài trăm loại như Amoxicilin, Ampicillin của Công ty CP Hóa dược phẩm Mekophar; Ampicillin của Công ty Xuất nhập khẩu y tế Domesco Đồng Tháp; Amoxycilin, Amoxividi, Cefaclor… của Công ty CP Dược phẩm Trung ương Vidipha. Giám đốc một công ty dược phẩm ngậm ngùi nói: “Hầu như công ty dược trong nước nào cũng sản xuất thuốc kháng sinh và trùng nhau về hoạt chất, công dụng. Thậm chí có công ty sản xuất tới vài chục loại kháng sinh”.

Thấy người ăn khoai, vác mai đi đào

Dù mới ra đời và đi vào hoạt động được 2 năm qua nhưng Công ty CP Dược phẩm S. ở quận 7, TPHCM sản xuất một loạt thuốc tim mạch, vitamin C, thuốc giảm đau - hạ sốt. Dù có công nghệ đạt GMP-WHO nhưng công ty này cũng chỉ sản xuất các loại thuốc thông thường chẳng khác gì các công ty đã có thâm niên hàng chục năm. Một lãnh đạo công ty thừa nhận: “Cứ nghiên cứu thị trường bán chạy loại nào thì sản xuất loại đó, chứ ngồi nghiên cứu để sản xuất được các loại biệt dược thì biết bao giờ có sản phẩm”. Hay như Công ty Dược B. có nhà máy tận Bình Dương mới sản xuất được gần 2 năm qua cũng không thoát khỏi tình trạng chung là đi vào sản xuất những loại thuốc mà thị trường trong nước đang cần.

Đóng gói, vô bao thuốc tại Nhà máy Dược phẩm Vidipha. Ảnh: Tường Lâm

Đóng gói, vô bao thuốc tại Nhà máy Dược phẩm Vidipha. Ảnh: Tường Lâm

Thực tế cho thấy, phần lớn công ty dược trong nước đều “nhìn nhau” mà sản xuất. Giám đốc một công ty dược phẩm trung ương bày tỏ: “Hễ thấy công ty nào có sản phẩm bán chạy thì 1-2 tháng sau thế nào cũng vài ba công ty dược khác sản xuất thuốc đó. Chỉ có điều tên gọi khác”. Tuy nhiên, hầu hết những loại thuốc sản xuất theo kiểu đó vẫn là thuốc thông thường, dễ nhập khẩu nguyên liệu và công nghệ sản xuất đơn giản. Chính vì vậy mà không chỉ làm cho thị trường dược phẩm sản xuất trong nước “đạp” lên nhau mà còn làm khó cho chính các bệnh viện.

BS Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, từng than thở: “Có những thuốc mà có tới hàng trăm loại khác nhau khiến bệnh viện không biết đâu mà lần! Điều đó dẫn đến tình trạng ở mỗi bệnh viện, bệnh nhân lại chịu mỗi giá thuốc khác nhau dù loại thuốc, chất lượng thuốc không có gì khác nhau”. Chưa hết, nhiều lãnh đạo bệnh viện không khỏi đau đầu vì đến kỳ đấu thầu thuốc cung ứng cho bệnh viện thì không ít công ty dược trong nước chào hàng cùng một loại. Trong khi những tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng thuốc, yếu tố lý tính đều tương tự nhau nên không biết lựa chọn thế nào. Đó là chưa kể cùng một loại thuốc nhưng giá cả chênh nhau một trời một vực.

Lý giải hiện tượng trên, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ví von: Đó là tình trạng “thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào”. PGS Phong Lan dẫn chứng năm 2009, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp tới 87 số đăng ký thuốc cho cùng hoạt chất Cefuroxime (một loại kháng sinh), 98 số đăng ký cho hoạt chất Cefixim và hàng chục số đăng ký cho các loại thuốc cùng hoạt chất khác như Amlodipin, Azithromycin, Metformin… Theo đánh giá của các chuyên gia dược học, việc sản xuất dàn trải và cạnh tranh bằng những loại thuốc thông thường của nhiều công ty dược trong nước chẳng khác nào “ăn xổi ở thì”. Trong khi đáng lý ra các doanh nghiệp cần nghiên cứu, sản xuất sản phẩm cạnh tranh với các thuốc cùng loại của các hãng dược nước ngoài. Không ít doanh nghiệp dược trong nước thừa nhận, nhiều mặt hàng thuốc trong nước sản xuất được nhưng vẫn chưa cạnh tranh nổi với thuốc ngoại cùng hoạt chất.

Theo Bộ Y tế, năm 2009, tổng trị giá tiền thuốc sử dụng 1,696 tỷ USD (tăng 18,97% so với năm 2008), tiền thuốc bình quân đầu người 19,77 USD (tăng 20,18% so với năm 2008). Dự báo tiền thuốc sử dụng tăng gấp đôi sau 5 năm (năm 2014: 33,8 USD/người). Thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 2 tỷ USD vào năm 2011 và tốc độ tăng trưởng 17%-19% mỗi năm. Theo đánh giá mới đây, hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI) của Anh, vào năm 2013, kim ngạch nhập khẩu thuốc sẽ vượt 1,37 tỷ USD, so với con số 923 triệu USD trong năm 2008. BMI dự báo, trong 5 năm tới thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ là mảnh đất giàu tiềm năng cho các công ty nước ngoài.

Tường Lâm


Bài 2: Sản xuất kiểu... nấu cao!

Mỗi năm ngành dược trong nước nhập khẩu hàng ngàn tấn nguyên liệu từ nước ngoài, đồng nghĩa thất thoát một lượng lớn ngoại tệ. Theo Cục Quản lý dược, với 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, ngành dược Việt Nam lệ thuộc phần lớn vào nước ngoài. Giá trị nhập khẩu thuốc của Việt Nam năm 2010 xấp xỉ 1,2 tỷ USD, trong đó phần nguyên liệu lên tới gần 300 triệu USD.

  • Bế tắc nguyên liệu

Được đánh giá là công ty sản xuất thuốc kháng sinh hàng đầu trong cả nước nhưng Công ty CP Dược phẩm MEKOPHAR cũng không khỏi lận đận do thị trường nguyên liệu liên tục biến động trong những năm gần đây.

Theo DS Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc MEKOPHAR, từ năm 2004 công ty đã nâng công suất nhà máy lên 400 tấn/năm để phục vụ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, do cạnh tranh về giá cả hàng ngoại nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc, sản lượng tiêu thụ trong nước không lên cao được và chưa đáp ứng nhu cầu. Chẳng hạn tổng sản lượng kháng sinh Amox năm 2009 là 100,6 tấn trong khi nhu cầu trong nước về nguyên liệu Amoxicillin là 489,344 tấn. Tương tự là Ampi với nguyên liệu là Ampicillin.

Sản xuất thuốc tại Việt Nam luôn thiếu nguyên liệu đầu vào, dù nguồn tài nguyên rất phong phú. Ảnh: Kim Ngân

Sản xuất thuốc tại Việt Nam luôn thiếu nguyên liệu đầu vào, dù nguồn tài nguyên rất phong phú. Ảnh: Kim Ngân

Cùng hoàn cảnh, nhiều công ty dược khác trong các năm qua, nhất là năm 2010 hết sức thụ động trước thị trường nguyên liệu. Là một doanh nghiệp dược lớn về sản xuất cũng như nhập khẩu, Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex đang cung ứng khá nhiều loại thuốc cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, đứng trước tình trạng ngoại tệ quy đổi tăng cao cũng như các nguyên liệu đầu vào tăng giá, công ty không khỏi băn khoăn.

Dược sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Vimedimex, cho biết đã “bể” không ít hợp đồng sản xuất thuốc do bế tắc nguyên liệu đầu vào. Điều đáng nói, theo các doanh nghiệp dược, giá nguyên liệu nhập khẩu liên tục được đối tác thay đổi tăng cao. Thậm chí một số doanh nghiệp dược không thể mua nổi nguyên liệu và đành “treo” xưởng sản xuất. Lãnh đạo một công ty dược trong nước cho biết hiện phần lớn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu. Kể cả tá dược cũng nhập khẩu.

Theo các chuyên gia dược liệu, đến nay, đánh giá chung cho thấy công nghiệp hóa dược Việt Nam còn yếu và chậm phát triển, hầu hết sản phẩm thuốc, hóa chất cho công nghiệp hóa dược phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trị giá nhập khẩu thuốc và nguyên liệu của Việt Nam gia tăng qua mỗi năm - theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2009 lên tới 1,17 tỷ USD, trong đó phần nguyên liệu lên tới 267 triệu USD. Năm 2010 xấp xỉ 1,2 tỷ USD, trong đó nguyên liệu gần 300 triệu USD.

Trong khi đó, khả năng phát triển nguồn dược liệu trong nước gần như giậm chân tại chỗ. Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã thống kê được trên 3.000 loài cây trong rừng tự nhiên có thể sử dụng làm thuốc. Không chỉ một số cây dược liệu chữa được bệnh thông thường mà có thể nghiên cứu, phát triển thành những loại thuốc có tác dụng chữa các bệnh nan y. Tuy nhiên, hiện ngoài rất ít công ty dược phẩm trong nước đầu tư phát triển manh mún vùng nguyên liệu để “tự cung tự cấp” một phần như Vimedimex, Imexpharm, còn lại hầu như trông chờ vào nguyên liệu nhập khẩu.

  • Nấu cao... đóng gói

Thực tế cho thấy, hầu hết công ty sản xuất dược trong nước hiện rất ngại, nếu không nói là sợ đánh giá tương đương sinh học. Theo các chuyên gia, không phải chỉ sợ tốn kém mà sợ chất lượng thuốc không tương đương thuốc gốc thì thật… ê mặt.

Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm SAVIPHARM, phát biểu trong một hội nghị gần đây rằng các doanh nghiệp dược trong nước có những bước phát triển mạnh trong đầu tư sản xuất thuốc, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng xu thế mô hình bệnh tật và xu hướng sử dụng thuốc đã có nhiều thay đổi, trong khi hầu như nguồn nguyên liệu đều phụ thuộc vào nước ngoài.

PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng khẳng định trình độ công nghiệp dược Việt Nam vẫn “lép vế” so với các nước. “Lâu nay nói là công nghiệp dược nhưng thực tế nhiều công ty hiện vẫn dùng công nghệ lạc hậu và không khác gì nấu cao thuốc”, một chuyên gia dược học thẳng thắn.

Với hơn 180 công ty sản xuất thuốc trong nước, nhưng theo danh sách của Cục Quản lý dược hiện chỉ mới 98 công ty đạt chuẩn Thực hành tốt sản xuất (GMP-WHO). Như vậy, gần 50% công ty sản xuất thuốc trong nước còn lại vẫn trong tình trạng… khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Nếu thực sự làm một cuộc điều tra cặn kẽ, không ít công ty dược hiện chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đã tinh chế từ nước ngoài về rồi xử lý qua các khâu cô đặc hoặc hóa lỏng và đóng vỉ, chai. Còn nghiên cứu sản xuất thuốc mới gần như đếm trên đầu ngón tay.

Theo PGS-TS Lê Văn Truyền, trong giai đoạn 2001 - 2009, Việt Nam chỉ có 13 bằng độc quyền sáng chế thuốc, trong khi nước ngoài có tới 1.198 bằng độc quyền sáng chế được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Mặc dù doanh số thuốc nội địa đã có tăng nhờ mức độ tiêu thụ tăng lên và đã đạt trên 700 triệu USD vào năm 2010 (tăng 4 lần so với năm 2001), nhưng chưa thể khẳng định rằng ngành dược trong nước đã phát triển vượt bậc. Bằng chứng cả năm 2010, ngành dược trong nước có gần 9.000 số đăng ký thuốc thì thuốc nhập ngoại cũng đăng ký con số tương đương.

Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO), Việt Nam đang đứng ở mức 2-3 trong tổng số 5 mức phát triển công nghiệp dược, tức chỉ mới dừng lại đóng gói bán thành phẩm nhập khẩu, gia công; công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập. Còn theo phân loại mức phát triển công nghiệp dược của WHO, Việt Nam đang đứng ở mức 2,5-3 trong tổng số 4 mức: sản xuất được một số thuốc generic, đa số phải nhập khẩu, có công nghiệp dược nội địa sản xuất generic, xuất khẩu được một số dược phẩm.

TƯỜNG LÂM


Bài 3: Xa lắm... công nghiệp dược

Theo chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam, đến năm 2010, ngành dược phải đáp ứng tối thiểu 60% nhu cầu sử dụng thuốc. Thế nhưng, thống kê mới nhất của Bộ Y tế, chỉ tiêu đó chỉ đạt khoảng 50%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với chi phí y tế lên tới 6,2% GDP, Việt Nam được liệt vào danh sách những nước đang phát triển có “đầu tư” cho y tế ngang ngửa các nước phát triển. Vậy nhưng, hơn 40% chi phí khám chữa bệnh lại dành cho thuốc.

Thuốc nội vẫn yếu thế so với thuốc ngoại. Ảnh: Tg.LÂM

Thuốc nội vẫn yếu thế so với thuốc ngoại. Ảnh: Tg.LÂM

“Trâu chậm uống nước đục”

Với thâm niên gần 30 năm hoạt động, nhiều công ty dược phẩm tại TPHCM vẫn chủ trương sản xuất những loại thuốc truyền thống điều trị những bệnh thông thường. Dù rằng TPHCM có tới 20 công ty dược đạt chuẩn GMP-WHO nhưng việc tiếp cận các loại thuốc generic (thuốc vừa hết bảo hộ độc quyền) còn rất chậm. Từ khi Chiến lược Phát triển ngành dược Việt Nam được đưa ra cách đây 10 năm,  đến nay nhiều chuyên gia vẫn nhận định ngành dược nước nhà chủ yếu sản xuất thuốc điều trị các bệnh thông thường với các dạng bào chế đơn giản trên 80%.

Chính vì thế mà qua thống kê của Cục Quản lý dược trong các năm 2009, 2010, tỷ lệ các thuốc sản xuất trong nước bị đình chỉ lưu hành, buộc thu hồi luôn cao hơn nhiều so với thuốc nhập ngoại. Thậm chí có thời điểm như tháng 1 và 2-2011, Cục Quản lý dược và Sở Y tế TPHCM ban hành không dưới 10 quyết định thu hồi các loại thuốc kém chất lượng do các công ty trong nước sản xuất. Tại Hội nghị Định hướng đầu tư trong lĩnh vực dược vào cuối năm 2010, Thứ trưởng Cao Minh Quang cho rằng công nghiệp hóa dược ở Việt Nam còn yếu và chậm phát triển nên hầu hết phải nhập ngoại. Mặc dù có gần 300 đơn vị sản xuất nhưng đa số là các hộ cá thể, điều kiện trang thiết bị còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả điều trị của thuốc.

Theo TS Lê Hậu, Khoa dược Đại học Y dược TPHCM, với điều kiện nước ta, chưa nhất thiết chú trọng đến nghiên cứu phát minh ra những loại thuốc mới, bởi chi phí rất cao. Ngành dược Việt Nam chỉ cần tập trung sản xuất thuốc generic, chi phí thấp cũng đủ “xài” cho nhu cầu điều trị trong nước. Còn nếu khá hơn, nên ứng dụng các kỹ thuật mới để tăng tính khả dụng của các dạng thuốc có sẵn. Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện mỗi năm có khoảng 25-30 hoạt chất hết bản quyền với trị giá hàng chục tỷ USD được các nước trên thế giới đổ xô vào khai thác. Tuy nhiên, khi các công ty dược Việt Nam tiếp cận được và mày mò sản xuất thì các hãng dược của Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc đã tung hàng loạt ra thị trường. Quả là “trâu chậm uống nước đục”.

Rào cản niềm tin

Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen (TPHCM) đã nghiên cứu từ 5 năm qua và vừa sản xuất thành công các loại thuốc đặc trị viêm gan mạn tính siêu vi B, C có tên Pegnano. Mặc dù là công ty dược duy nhất trong cả nước sản xuất được thuốc trị viêm gan và có giá rẻ bằng 1/3 giá thuốc nhập ngoại cùng loại nhưng sản phẩm của công ty vẫn chưa được tín nhiệm rộng rãi. Giám đốc công ty Hồ Nhân cho biết thuốc vào bệnh viện rất khó vì chưa được cho đấu thầu. Còn bác sĩ vẫn ngại kê toa vì chưa tin tưởng hẳn vào chất lượng của thuốc.

Thực tế lâu nay phần lớn các bác sĩ kê toa thuốc ngoại nhập không phải vì thuốc sản xuất trong nước không có mà do bác sĩ không tự tin vào chất lượng thuốc nội, hoặc do được hưởng hoa hồng kê toa nhiều hơn. Tuy nhiên, nói như dược sĩ Trần Đình Khoa, Giám đốc Kinh doanh Công ty Dược Sapharco, thách thức lớn nhất vẫn là tâm lý… sính ngoại. “Phần lớn thuốc được bán qua kê toa của bác sĩ. Nếu bác sĩ cứ kê thuốc ngoại thì làm sao kích cầu được thuốc nội. Hơn nữa tâm lý của người dân cũng muốn xài thuốc ngoại” - dược sĩ Khoa trần tình.

Tại cuộc họp về chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” mới đây, dược sĩ Lương Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Dược Boston Pharma cho biết, cần tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục cấp số đăng ký thuốc cũng như các thủ tục hành chính khác để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và kinh phí. Đồng thời, tạo điều kiện cho các bệnh viện, bác sĩ tiếp cận các nhà máy dược trong nước để họ tin tưởng vào công nghệ, chất lượng thuốc trong nước sản xuất được.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp dược phẩm trong nước cũng thừa nhận hiện rất khó xoay chuyển ý thức của các bác sĩ điều trị. Do đó, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, các doanh nghiệp dược cần phải chứng minh thuốc sản xuất trong nước tương đương về chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là tương đương về mặt sinh học cũng như tác dụng điều trị so với thuốc ngoại nhập. Có vậy, bác sĩ mới tin mà kê đơn! Hơn nữa, không ít mặt hàng thuốc trong nước sản xuất chất lượng tốt nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với thuốc ngoại cùng hoạt chất. Đáng lý ra nếu hoạt chất nào trong nước sản xuất được thuốc, thậm chí sản xuất được nhiều rồi thì nên có những hàng rào kỹ thuật để hạn chế những thuốc ngoại nhập có hoạt chất tương tự”.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục