Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL - Do thiếu vắc xin?

Tái phát vì không tiêm phòng
Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL - Do thiếu vắc xin?

Dịch cúm gia cầm đang tái phát trở lại tại Hậu Giang, Kiên Giang. Lo ngại nhất là nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng khi vùng ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, là điều kiện tốt cho vịt chạy đồng mà các địa phương rất khó kiểm soát; cũng là điều kiện cho virus cúm H5N1 có điều kiện phát tán.

Mùa thu hoạch lúa cũng là mùa nuôi vịt chạy đồng với nguy cơ lây lan dịch bệnh khó kiểm soát. Ảnh: H.Trang

Mùa thu hoạch lúa cũng là mùa nuôi vịt chạy đồng với nguy cơ lây lan dịch bệnh khó kiểm soát. Ảnh: H.Trang

Tái phát vì không tiêm phòng

Tại Kiên Giang, dịch cúm gia cầm vừa tái phát trên đàn gà 559 con của trại giống nông nghiệp tại thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất. Đầu năm 2013, tỉnh Kiên Giang đã ghi nhận 1 trường hợp tại huyện Giồng Riềng tử vong vì cúm gia cầm H5N1.

Trong khi đó, tại Hậu Giang, cúm gia cầm tái phát trên đàn gà của gia đình ông Võ Văn Buôl, ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp. 600 trong tổng số 1.070 con gà bị mắc cúm chết. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang đã tiêu hủy toàn bộ các đàn gia cầm mắc bệnh, đồng thời tiêu độc khử trùng, vệ sinh toàn bộ khu vực xung quanh.

Tuy nhiên vấn đề lo ngại nhất hiện nay là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch cúm gia cầm tái phát là do không được tiêm phòng. Tình trạng gia cầm không được tiêm phòng đang diễn ra phổ biến ở ĐBSCL khi dịch cúm gia cầm tạm lắng trong thời gian khá dài.

Ông Võ Văn Buôl cho biết: “Khi mua gà về nuôi đã báo cho cơ quan thú y địa phương để tiêm phòng nhưng được trả lời là không có vắc xin. Điều này đã được lãnh đạo ngành thú y tỉnh Hậu Giang thừa nhận do thiếu hụt nguồn vắc xin từ giữa tháng 11-2012 đến đầu tháng 2-2013 nên trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện điểm phát dịch cúm gia cầm nói trên”.

Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết, trước tình trạng này, để phòng ngừa, ngăn chặn khả năng bùng phát dịch trên diện rộng, tỉnh Hậu Giang quyết định trích kinh phí mua 3 triệu liều vắc xin khẩn cấp tiêm phòng đàn gà, vịt trên địa bàn. Ngay tại ổ dịch xuất hiện ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, ngành thú y phối hợp với chính quyền địa phương tiêu độc, khử trùng và tiêm phòng bao vây đồng thời ngăn chặn tình trạng phát tán gà vịt từ vùng dịch ra ngoài. Lo ngại nhất hiện nay là đàn vịt chạy đồng trên các ruộng lúa vừa thu hoạch.

Theo kế hoạch, đến cuối tháng 3, đàn gia cầm của tỉnh Hậu Giang gồm 3 triệu con vịt và 200.000 con gà sẽ được tiêm phòng cúm gia cầm.

Ngành thú y Bạc Liêu phun thuốc khử trùng chuồng trại. Ảnh: T.Đạt

Ngành thú y Bạc Liêu phun thuốc khử trùng chuồng trại. Ảnh: T.Đạt

Có thiếu vắc xin?

Ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Cần Thơ lo ngại: Địa phương hiện có đàn vịt khoảng 1,5 triệu con, tuy nhiên, từ trước tết, TP Cần Thơ đã hết vắc xin tiêm phòng cho đàn gia cầm do nguồn cung từ Cục Thú y không còn. Trước đây, việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm thực hiện theo dự án của Chính phủ nên các địa phương được cung ứng miễn phí. Nay hết dự án rồi thì không còn nguồn nữa, các địa phương khác trong vùng cũng cùng chung hoàn cảnh và phải tự lo kinh phí.

“Chúng tôi đang lập kế hoạch xin ngân sách mua 6 - 8 triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho đàn gia cầm của thành phố. Lo ngại nhất hiện nay là tình trạng vịt chạy đồng giữa các địa phương qua lại với nhau, nguy cơ bùng phát lây lan dịch là có thật”, ông Hậu lo lắng.

Bà Trường Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VII khẳng định: Hiện tại tình hình tái phát dịch cúm gia cầm đang trong tầm kiểm soát, không phát sinh ổ dịch mới. Số liệu thống kê vào cuối năm 2012 thì 10 tỉnh thành ở ĐBSCL thuộc quản lý của cơ quan vùng VII (trừ Long An, Tiền Giang, Bến Tre) hiện có hơn 42 triệu con gia cầm; trong đó 23,7 triệu con vịt và đàn gà trên 17 triệu con.

Thực tế nhu cầu tiêm vắc xin cúm gia cầm là cần thiết để kiểm soát dịch bệnh. Việc tiêm phòng thời gian qua rất hiệu quả và dịch tái phát trên gia cầm không được tiêm phòng. Về lâu dài, Cục Thú y đang soạn thảo chiến lược quốc gia phòng chống cúm gia cầm.

Đối với tình trạng hiện nay nhiều địa phương trong vùng thiếu vắc xin tiêm phòng cúm gia cầm, bà Dung cho biết: “Hiện tại Cục Thú y có nguồn vắc xin dự phòng để khống chế ổ dịch và sẵn sàng cung ứng cho các địa phương khi bệnh cúm gia cầm tái phát. Tuy nhiên, theo tinh thần công văn 192 ngày 15-1-2013 của Bộ NN-PTNT, đối với việc tiêm phòng vắc xin định kỳ thì ngân sách các địa phương phải tự cân đối.

Hiện nay, lực lượng thú y cùng chính quyền các địa phương tập trung quản lý, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là không được giấu dịch mà phải báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, hiệu quả. Thực tế, vừa qua, tại Hậu Giang, dịch bệnh xảy ra ngày 3-2 nhưng đến ngày 19-2 mới báo cơ quan chức năng. Còn tại Kiên Giang, dịch tái phát ngày 18-2 nhưng ngày 24-2 mới báo cáo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cúm gia cầm có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.

Bình Đại


Quảng Trị: Khẩn cấp dập dịch heo tai xanh

(SGGP).- Ngày 4-3, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản về việc trích hơn 1,2 tỷ đồng từ quỹ dự phòng cho Chi cục Thú y tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch heo tai xanh. Hiện Quảng Trị có gần 800 con heo mắc bệnh, đã tiêu hủy gần 200 con tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hướng Hóa. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh heo tai xanh.

Theo đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y. Sở NN- PTNT Thừa Thiên - Huế  chỉ đạo Chi cục Thú y chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư hóa chất cần thiết và trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch hiệu quả…

Cùng ngày, Sở NN-PTNT cho biết, diễn biến dịch heo tai xanh trên địa bàn Quảng Nam có dấu hiệu chững lại, như: huyện Nông Sơn đã qua 14 ngày không có phát sinh thêm heo mắc bệnh tai xanh, huyện Điện Bàn đã qua 8 ngày không có thêm heo mắc bệnh tai xanh… Tính đến nay, dịch heo tai xanh xuất hiện ở 37 xã, thuộc 7 huyện của tỉnh Quảng Nam là: Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên và Tiên Phước. Tổng số heo mắc bệnh lên đến 4.428 con, trong đó số đã chết là 668 con, số tiêu hủy bắt buộc là 869 con, số đang còn theo dõi bệnh là 833 con, số khỏi về triệu chứng lâm sàng là 2.697 con.

Theo quy định, các địa phương chỉ được công bố hết dịch khi qua 21 ngày không có heo mắc bệnh mới.

V.Thắng - L.Ngọc - N.Khôi

Tin cùng chuyên mục