Gỡ nút thắt bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV

Người nhiễm HIV… chới với
Gỡ nút thắt bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo tạo điều kiện để từ năm 2017, 100% người nhiễm HIV phải được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến nay mới có khoảng 40% người nhiễm HIV có BHYT và được chi trả trong quá trình điều trị tiếp cận với thuốc dự phòng chống miễn dịch ARV.

Đây thực sự là một khó khăn cho người nhiễm HIV, khi Việt Nam không còn được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức và quỹ phòng chống HIV như trước năm 2016 và tiến tới cắt đứt hoàn toàn trong thời gian tới.

Tư vấn dùng thuốc ARV tại một trung tâm y tế dự phòng quận của TPHCM

Người nhiễm HIV… chới với

Với số người nhiễm mới HIV ngày càng tăng, trong khi các nguồn viện trợ bị cắt giảm và tiến tới “đứt” hoàn toàn trong năm 2017, việc chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, một trong những “phao cứu sinh” mà Bộ Y tế cũng như các bộ, ngành liên quan khởi xướng là khuyến khích chuyển bệnh nhân HIV/AIDS sang điều trị diện BHYT. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT quá thấp.

Theo Sở Y tế TPHCM, từ khi triển khai hoạt động tư vấn BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS tại các cơ sở điều trị ARV, đến nay cũng mới chỉ được gần 50% bệnh nhân có thẻ BHYT. Thế nhưng, ngay số người có BHYT thì cũng mới chỉ một số ít sử dụng thẻ, bởi sợ “lộ” bí mật cá nhân khi làm thủ tục chuyển viện!

Cũng theo Sở Y tế, việc theo dõi điều trị dự phòng cho người bệnh HIV được giao cho Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM, nhưng hiện 24 phòng khám ngoại trú trực thuộc TTYTDP quận, huyện chưa có chức năng khám chữa bệnh. TP triển khai chương trình thí điểm BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS tại TTYTDP quận 8 và Thủ Đức. Tuy nhiên, số bệnh nhân tham gia chưa nhiều…

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết sở dĩ tỷ lệ BHYT cho người nhiễm HIV còn thấp vì họ không có điều kiện mua thẻ BHYT; nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú và việc làm ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của Nhà nước; hoặc do người bệnh lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn tham gia BHYT...

Bị cắt “phao cứu sinh”

Với tính chất đặc thù và “nhạy cảm”, những người nhiễm HIV lâu nay chỉ được khu trú điều trị tại các cơ sở chuyên biệt, tập trung chủ yếu ở các cơ sở điều trị thuốc ARV. Tuy nhiên, hiện các cơ sở điều trị ARV cũng quá tải.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, đến nay toàn TPHCM đã phát hiện 41.000 người nhiễm HIV, trong đó gần 28.000 người được chăm sóc điều trị. Tính đến cuối 2015, TPHCM có 33 cơ sở điều trị ARV nhằm giảm bớt gánh nặng bệnh tật cũng như chi phí cho người bệnh. Mặt khác, với sự cắt giảm nguồn viện trợ, việc cấp phát thuốc điều trị ARV kháng virus HIV không còn miễn phí như trước, mà nay bệnh nhân sẽ phải chi trả phần lớn chi phí điều trị. Ước tính một bệnh nhân mỗi ngày sẽ phải chi trả từ 12.000 - 24.000 đồng. “Đa số là gia đình nghèo, khả năng chi trả cho các dịch vụ trên còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị liên tục, khó khống chế được tình trạng kháng thuốc”, ông Hưng chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, GS-TS Nguyễn Thanh Long, hiện Việt Nam đang đặt mục tiêu tới năm 2020 là 90-90-90 mà Liên hiệp quốc đề ra là đạt 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, các chỉ tiêu hiện tại còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90. Trong khi đó, công tác phòng chống HIV/AIDS đang gặp nhiều khó khăn do khoảng 80% kinh phí từ các nguồn viện trợ nhưng đang bị cắt giảm.

Dự kiến năm 2017, viện trợ sẽ bị cắt hoàn toàn, ngân sách chống dịch không đảm bảo khiến phòng chống HIV/AIDS gặp nhiều thách thức. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, ước tính mỗi năm số tiền chi trả cho loại thuốc ARV khoảng 420 tỷ đồng là con số không nhỏ, nếu cắt viện trợ, gánh nặng chỉ còn đè lên vai người bệnh.

Thực tế, BHYT được xem là “phao cứu sinh” giúp bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS, giảm bớt chi phí trong điều trị, duy trì sự sống, đặc biệt là khi các nguồn lực tài trợ từ các dự án quốc tế bị cắt giảm.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh việc ngành y tế các địa phương kiện toàn hệ thống phòng khám và điều trị ngoại trú để đảm bảo thanh toán điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân có thẻ BHYT, đồng thời xây dựng kế hoạch thí điểm thanh toán tập trung thuốc ARV từ Quỹ BHYT, phải tạo điều kiện để 100% người nhiễm HIV/AIDS được mua thẻ BHYT. “Sẽ cho phép các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mua BHYT theo cá nhân, không mua theo hộ gia đình. Hình thức và quyền lợi thẻ BHYT của người bệnh HIV cũng không có sự khác biệt so với những thẻ BHYT khác”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết. Ngoài ra, các cấp, ngành cần phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT; chính quyền các tỉnh nên hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV hoặc thành lập Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV, qua đó huy động kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV; sở y tế các tỉnh, thành phải tạo điều kiện cho các cơ sở điều trị HIV/AIDS ký hợp đồng với BHYT.

 Theo Bộ Y tế, trong 10 tháng của năm 2016, cả nước phát hiện 8.059 người mới nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS gần 5.300 người và gần 1.600 người tử vong do AIDS. Ước tính, cả năm 2016 có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện, 6.500 người chuyển sang AIDS và khoảng 2.000 người tử vong.

Toàn quốc hiện có 145/385 cơ sở được kiện toàn về chuyên môn điều trị HIV/AIDS (chiếm 37,6%), trong đó chỉ có 72/385 cơ sở đã thanh toán BHYT (chiếm 18,7%).

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục