
Ngày 28-7, Phái đoàn Ủy ban châu Âu (EC) tại Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp báo để thông tin nhanh về đề xuất mức áp thuế chống bán phá giá mới đối với giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Ông Nicolas Provencal, Quyền Trưởng phái đoàn EC tại Việt Nam cho biết:

Điều đầu tiên chúng tôi muốn thông báo là giải pháp chúng ta đã thảo luận về một hệ thống thuế trả chậm đã không được xem xét bởi vì giải pháp này có những khó khăn về mặt pháp lý cũng như vấn đề trong thực tế nên đã không được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ.
EU hiện đang xem xét một khả năng mới có thể, đó là áp dụng thuế bán phá giá 10% đối với các sản phẩm giày mũ da của Việt Nam. Tuy nhiên, đây chưa phải là đề xuất chính thức của Ủy ban châu Âu và sẽ không được EC thông qua, ít nhất từ nay đến tháng 10.
Đề xuất này đang trong quá trình tham vấn với các nước thành viên EU cũng như các bên liên quan, trong đó có Bộ Thương mại Việt Nam và Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso).
- Phóng viên: Đề nghị cho biết rõ thêm mức thuế đề xuất mới áp dụng (10% đối với Việt Nam) bao gồm những loại mặt hàng giày nào?
- Ông NICOLAS PROVENCAL: Kế hoạch mới của chúng tôi là đề xuất mức thuế chống phá giá 10% cho mặt hàng giày mũ da, trong đó có cả giày trẻ em. Trên thực tế vẫn có sự nhầm lẫn giữa giày phụ nữ và giày trẻ em, ví dụ như giày trẻ em cỡ 38 thì đã tương đương với giày phụ nữ rồi. Mặt khác, mức thuế 10% theo đề xuất mới đã thấp hơn rất nhiều so với mức thuế sơ bộ 16,8%.
- Vì sao giải pháp về một hệ thống thuế trả chậm lại không được các thành viên EC ủng hộ?
- Nếu chấp thuận cơ chế này thì hệ thống quản lý sẽ rất phức tạp, EC sẽ phải thành lập một bộ máy riêng để đếm từng đôi giày và cơ chế này không hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mặt khác, một số nước thành viên của EU cũng không đồng ý với cơ chế này.
- Theo nhận định của Lefaso, mức thuế 10% này vẫn cao và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến người lao động Việt Nam trong ngành da giày. EC có bình luận gì về nhận định này?
- Một trong những nguyên tắc trong điều tra chống bán phá giá của EC là phải đảm bảo ngay cả khi áp thuế chống bán phá giá rồi thì giá của sản phẩm nhập khẩu đó vẫn không đắt hơn sản phẩm tương tự sản xuất tại thị trường EU. Nếu so sánh tính cạnh tranh về giá với các sản phẩm tương tự của Trung Quốc có thể thấy biên độ chênh lệch về thuế giữa hai nước đã giãn ra.
Nếu mức thuế sơ bộ trước đây là 16,8% (đối với Việt Nam) và trên 19% (đối với Trung Quốc) thì hiện nay, mức thuế đề xuất mới là 10% và 16,5%. Ngoài ra, sản phẩm giày dép của Việt Nam còn được hưởng mức thuế ưu đãi tối huệ quốc nên khi cộng lại Việt Nam sẽ có mức thuế thấp hơn Trung Quốc ít nhất là 10%. Vì vậy, so với Trung Quốc, hàng giày da của Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh về giá.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về lộ trình thực hiện mức thuế mới này?
- Hiện nay, đề xuất này vẫn đang tiếp tục được thảo luận và tham vấn với các bên liên quan để trình Ủy ban châu Âu thông qua vào tháng 9 tới. Nếu được thông qua, mức thuế này sẽ có thời hạn áp dụng là 5 năm.
- Xin cám ơn!
Ông PHAN THẾ RUỆ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại: |
ĐINH LAN