10 năm xảy ra vụ khủng bố 11-9 - Vẫn còn ray rứt, bất an

Sống cùng mất mát
10 năm xảy ra vụ khủng bố 11-9 - Vẫn còn ray rứt, bất an

Gần 3.000 lá cờ với từng ấy tên của những nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9 được dựng trang trọng ở quận Manhattan, New York. Tại Đài tưởng niệm quốc gia 11-9 được xây đúng tại nơi từng là tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới, từ 6 giờ sáng đến 16 giờ chiều 11-9, những giây phút mặc niệm lần lượt diễn ra…

Người dân Mỹ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới. Ảnh: AFP

Người dân Mỹ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới. Ảnh: AFP

Sống cùng mất mát

Lần đầu tiên Tổng thống Obama và người tiền nhiệm G.Bush cùng có mặt tại Đài tưởng niệm quốc gia 11-9 để dành phút mặc niệm cho các nạn nhân. Đúng 8 giờ 46, tất cả cúi đầu xúc động tưởng nhớ thời khắc chiếc máy bay American 11 lao thẳng vào tòa tháp đôi phía Bắc của Trung tâm Thương mại thế giới tại quận Manhattan.

Trước đó, giữa khuôn viên rộng 600ha của công viên quốc gia tại thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania, tên của 40 người có mặt trên chuyến bay United Airlines Flight 93 (bay từ Newark, New Jersey, tới San Francisco ngày 11-9-2001) đã được xướng lên. Họ là 40 hành khách và phi hành đoàn đã giằng co đến những giây cuối cùng để ngăn bọn khủng bố tấn công vào Trụ sở Quốc hội Mỹ. Buổi lễ kéo dài trong 2 giờ với sự tham gia của hơn 4.000 người, trong đó có cựu Tổng thống G.Bush, B.Clinton và Phó Tổng thống Joe Biden.

Gần 3.000 nạn nhân vĩnh viễn ra đi không chỉ là công dân Mỹ. Họ đến từ 90 quốc gia khác nhau. 10 năm qua đi, vết thương trong lòng những người thân ở lại vẫn còn âm ỉ. Mỗi ngày của bà Pathmawathy Navaratnam, sống ở Kuala Lumpur (Malaysia) bắt đầu với câu “Chào con!” trước di ảnh cậu con trai Vijayashanker Paramsothy (23 tuổi) thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 11-9. Bà chia sẻ: “Tôi vẫn không chấp nhận ý nghĩ con mình đã ra đi. Tôi vẫn sống, nhưng dường như tất cả đã khép lại”.

Lời chia sẻ từ đáy lòng

Cuộc thăm dò gần đây cho biết, 97% công dân Mỹ được hỏi họ đang làm gì khi hay tin về vụ tấn công ngày 11-9 đều nhớ rất rõ khoảnh khắc ấy. Chia sẻ trên tờ New York Times, nhiều bạn đọc là công dân Mỹ kể lại những lời chân thành. Ý kiến của một độc giả: “Bài học đầu tiên mà chúng tôi học được là chính phủ đã khiến người dân thất vọng. Họ không làm tròn nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ người dân”.

Một chia sẻ khác: “Cay đắng để nhận ra rằng từ hệ thống truyền thông, tư pháp, tài chính của chúng ta đều có vấn đề, chịu sự chi phối quá lớn của những nhóm lợi ích. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng chúng tôi không thể biết hết được sự thật”. Một độc giả ở Toronto, Canada viết: “Sau ngày 11-9, người Mỹ hiểu rằng nhiều người rất ghét họ và cũng nhận ra tàu chiến, vũ khí hạng nặng không giải quyết được xung đột. Người Mỹ ngày nay nên quên đi việc “hôm nay mua, ngày mai trả tiền”, họ phải nỗ lực nhiều hơn cho tương lai của bản thân. Cân bằng ngân sách từ gia đình đến thành phố, chính phủ là điều quan trọng nhất lúc này”.

Hậu quả như vết dầu loang

Nhà báo, đồng thời là nhà kinh tế học người Mỹ Thomas Friedman (tác giả của quyển Thế giới phẳng) đã có bài viết Chiến tranh lạnh đăng trên New York Times. Ông viết, sau sự kiện 11-9, chính quyền của cựu Tổng thống G.Bush đã lấy đây là cái cớ để giảm thuế, tiến hành hai cuộc chiến tranh (ở Afghanistan và Iraq) và tạo ra một chương trình trợ giá tốn kém để cung cấp thuốc men cho người già trên 65 tuổi... khiến nợ quốc gia của Mỹ tăng gần 5.000 tỷ USD trong 2 nhiệm kỳ 8 năm của ông Bush. Con số này hiện nay lên đến 14.700 tỷ USD.

Theo CBS, dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ đã tốn khoảng 2.300 tỷ USD và con số này có thể lên tới 4.000 tỷ USD. Riêng số tiền chi cho 2 cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq là 1.300 tỷ USD. 

Nhật báo Le Monde của Pháp cũng nhận định, tiến hành chiến tranh bên ngoài nước Mỹ đã biến nước này từ một đất nước có thặng dư 86 tỷ USD thành con nợ khổng lồ. Tờ Liberation (Pháp) có bài Ngọn cờ rủ của Mỹ cho rằng, Mỹ hiện đang bị chia rẽ nghiêm trọng về chính trị và đe dọa nghiêm trọng đối với các vấn đề an ninh trong nước.

Ngày 9-9, LHQ đã tổ chức lễ tưởng niệm 10 năm ngày xảy ra các vụ khủng bố ngày 11-9. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon một lần nữa hối thúc cộng đồng quốc tế ký Công ước toàn diện toàn cầu chống khủng bố.

Theo AFP, đúng ngày 11-9, một chiếc xe đánh bom đã tấn công vào một khu căn cứ ở quận Sayed Abad, miền Trung Afghanistan khiến ít nhất 2 người Afghanistan thiệt mạng, hơn 100 người bị thương, gồm 77 lính NATO, trong đó số lính Mỹ là 50 người. Lực lượng Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công trên và tuyên bố đây là hành động tấn công nhân kỷ niệm 10 năm ngày 11-9.

Như Quỳnh

Thông tin liên quan:

>> Nước Mỹ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố kinh hoàng 11-9

Tin cùng chuyên mục