10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2011

Năm 2011, hoạt động trong lĩnh vực KH-CN diễn ra khá sôi động với nhiều dự án, chương trình trọng điểm của quốc gia được thực hiện. Tất nhiên có những thành công, thành tựu đáng ghi nhận song cũng còn nhiều việc cần nhiều nỗ lực hơn. Báo SGGP bình chọn 10 sự kiện KH-CN trong năm qua với kỳ vọng KH-CN sẽ chắp cánh cho đất nước vững bước đi lên.
10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2011

Năm 2011, hoạt động trong lĩnh vực KH-CN diễn ra khá sôi động với nhiều dự án, chương trình trọng điểm của quốc gia được thực hiện. Tất nhiên có những thành công, thành tựu đáng ghi nhận song cũng còn nhiều việc cần nhiều nỗ lực hơn. Báo SGGP bình chọn 10 sự kiện KH-CN trong năm qua với kỳ vọng KH-CN sẽ chắp cánh cho đất nước vững bước đi lên.

1- Thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

Ngày 5-8, Thủ tướng ban hành Quyết định 1342 về việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trực thuộc Bộ KH-CN. Nguồn vốn này do ngân sách nhà nước về hoạt động KH-CN cấp hàng năm. Quỹ hoạt động theo hình thức một tổ chức tài chính nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận để thực hiện các hoạt động hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Theo quyết định của Thủ tướng, quỹ được phép sử dụng đến 50% vốn ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các hoạt động hỗ trợ công nghệ. Quyết định này hỗ trợ đắc lực cho công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta trong thời gian tới.

2- Thu hồi dự án công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam

Tháng 11-2011, UBND TPHCM quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Công viên Phần mềm Thủ Thiêm của chủ đầu tư là Công ty TNHH TA Associates Việt Nam. Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc những doanh nghiệp muốn mượn những ưu đãi dành cho đầu tư công nghệ cao của Chính phủ vào những hoạt động không đúng mục đích đề ra. Sau lễ khởi công dự án hoành tráng vào ngày 19-7-2008, dự án công viên phần mềm được coi là lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỷ USD, dự kiến tạo việc làm cho 40.000 công nhân trong giai đoạn xây dựng và 70.000 chuyên viên, kỹ sư CNTT, gần như không nhúc nhích…

3- Báo động an toàn thông tin mạng

Theo Hiệp hội An toàn thông tin phía Nam, tính đến cuối tháng 12-2011, hơn 300 website nước ta có đuôi .gov.vn đã bị tấn công, chưa kể các vụ tập kích khác trên mạng xã hội, thiết bị di động… Điều đáng nói là các tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao thường nhắm vào các tổ chức, doanh nghiệp quan trọng nhằm do thám, lấy cắp bí mật công nghệ, thông tin thương mại.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, trong năm 2011, số lần tấn công trên mạng đã tăng gấp 3 lần so với năm trước. Tốc độ phát triển mã độc trên internet đang có xu hướng tăng nhanh (khoảng 3,5 giây/mã độc) và giới hacker có thêm nhiều thủ đoạn tinh vi. Các tổ chức tội phạm hoặc các tổ chức cực đoan sử dụng công nghệ cao, trong đó đặc biệt là sử dụng internet như một công cụ tấn công vào các tổ chức, cơ quan, thậm chí chính phủ và quốc gia nhằm gây tổn thất về kinh tế, xã hội.

Kỹ sư Bkav phân loại virus trên mạng.Ảnh: T.Ba

Kỹ sư Bkav phân loại virus trên mạng.Ảnh: T.Ba

4- FPT chế tạo camera cho vệ tinh Nhật Bản

Trong dự án vệ tinh số 2 của Nhật Bản có tên gọi RISESAT, Viện Nghiên cứu công nghệ FPT đã tham gia chế tạo phần điện tử điều khiển camera quan sát trái đất có độ phân giải 5m/pixel. Theo các chuyên gia viễn thám, bên cạnh việc chụp ảnh những địa điểm cần quan tâm, ảnh của RISESAT có thể ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp như theo dõi sự phát triển của cây trồng hay theo dõi biến đổi của rừng, phát hiện những vụ chặt phá rừng... Cũng trong dịp này, FPT đã thử nghiệm thành công test rung cho vệ tinh nhỏ F1, đánh dấu bước thành công quan trọng trong việc tham gia chế tạo vệ tinh của Việt Nam.

5- Chưa xây dựng được nghị định quản lý internet

Năm 2011 được kỳ vọng sẽ có nghị định mới về quản lý internet để theo kịp bản chất của internet là phát triển không biên giới, nhất là những nội dung được phát triển, chạy trên nền internet… Tiêu biểu nhất vào ngày 24-10, Bộ TT-TT đã tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý internet, đồng thời lấy ý kiến để xây dựng nghị định mới. Đã thấy rõ Nghị định 97 gây nhiều tranh cãi, phản ứng trái chiều và sau thời gian triển khai, đến nay những nội dung quy định trong nghị định đã thật sự bộc lộ nhiều bất hợp lý. Và đến hội thảo khá quy mô nói trên, dự thảo nghị định mới được Bộ TT-TT đưa ra lấy ý kiến, đã bị nhiều đại biểu cho rằng không khác gì mấy so với văn bản cũ, vẫn chỉ loay hoay tìm cách quản lý tiệm internet, game online là chủ yếu. Trong khi đó, rất nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý internet không được đề cập kỹ càng.

6- Đề án Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, sự kiện tiêu biểu nhất trong năm là Đề án Khoa học xã hội “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ” được Bộ KH-CN nghiệm thu cấp Nhà nước và đạt loại xuất sắc. Đây là đề án do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì, được triển khai từ cuối năm 2007. Với nội dung nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử và các đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hóa vùng đất Nam bộ Việt Nam từ khi hình thành đến nay. Đề án bao gồm 11 đề tài nghiên cứu có ý nghĩa trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

7- Tiến đến công nghệ 4G

Sáng 12-5-2011, tại Hà Nội, Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đưa ra chương trình thử nghiệm công nghệ 4G dành cho khách hàng tại Hà Nội và TPHCM sau 7 tháng cấp phép. Viettel đã trình diễn thử nghiệm 5 dịch vụ đặc trưng và phổ biến nhất của mạng 4G dựa trên nền tảng tốc độ download/upload cao là Video Streaming, LiveTV, HD Video Call, Video Conference, VoD - TVoD. Công nghệ 4G sẽ cho phép truyền tải các dữ liệu cực nhanh, âm thanh chất lượng cao và hình ảnh sắc nét theo chuẩn HD cao nhất, đem đến cho người dùng những trải nghiệm tức thời và khác biệt. Trước đó, vào tháng 10-2010, Bộ TT-TT đã cấp 5 giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G cho các doanh nghiệp: Viettel, VNPT, CMC, FPT và VTC.

8- Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32-bit 

Trong tháng 11, tại TPHCM, Bộ KH-CN đã công bố Dự án Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế mạch (ICDREC) làm chủ nhiệm đề tài, Bộ KH-CN ủy quyền cho ĐH Quốc gia TPHCM làm chủ đầu tư. Dự án trên có tổng kinh phí đầu tư 145,756 tỷ đồng, trong đó 124,825 tỷ đồng từ ngân sách Bộ KH-CN và 20,931 tỷ đồng được đầu tư từ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS). Đây là dự án có kinh phí lớn nhất trong 50 năm qua do Bộ KH-CN đầu tư. Dự án được thực hiện trong 4 năm nhằm thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32-bit công suất thấp có tính cạnh tranh cao (dựa trên chip VN 1632) và các lõi IP có liên quan, từ đó tiếp tục thiết kế và sản xuất chip RFID HF và UHF, đầu đọc RFID cũng như một số hệ thống ứng dụng sử dụng chip RFID.

Dự án Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32-bit được đánh giá cao vì có sự đầu tư lớn của doanh nghiệp.

Dự án Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32-bit được đánh giá cao vì có sự đầu tư lớn của doanh nghiệp.

9- Hơn 600 triệu USD xây Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

Ngày 16-11, tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Viện công nghệ vũ trụ - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đại diện Viện Công nghệ vũ trụ cho biết, Chính phủ đã cho phép viện thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với tổng kinh phí đầu tư hơn 600 triệu USD. Dự án bắt đầu được triển khai cuối năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có diện tích 9ha, được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội, là nơi nghiên cứu và sản xuất các vệ tinh nhỏ phục vụ nhu cầu dự báo thời tiết, quan trắc, thăm dò, thu phát sóng truyền thanh - truyền hình, tìm kiếm cứu nạn… trong nước.

Dự án được Chính phủ giao cho viện thực hiện với sự hỗ trợ thiết kế, xây dựng của Nhật Bản. Để chuẩn bị thực hiện đề án, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập Trung tâm Vệ tinh quốc gia - đơn vị sẽ tiếp nhận, quản lý và thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

10- Khởi động khoa học dịch vụ tại TPHCM

Tại các nước phát triển, tỷ lệ đóng góp cho GDP của ngành dịch vụ là hơn 70%, ở TPHCM là 57%. Đó là lý do để Sở KH-CN TPHCM triển khai đề án “Phát triển khoa học dịch vụ tại TPHCM giai đoạn 2010 – 2020” từ đầu năm 2011. Mục tiêu của TPHCM là sẽ có khoảng 400 người được đào tạo tốt nghiệp ngành khoa học dịch vụ trong vòng 5 năm tới. Năm 2011, TP tham gia hiệp hội khoa học dịch vụ thế giới, bước đầu tiên là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này và triển khai ở ngành dịch vụ trước tiên. Trong năm qua, Sở KH-CN đã kết hợp với IBM đưa khoa học dịch vụ vào một số trường đại học…

BAN KHOA GIÁO

Tin cùng chuyên mục