
Vừa qua tại TP Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc và Báo Văn hiến Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Khương Hữu Dụng (1-1-1907 – 1-1-2007).

Nhà thơ Khương Hữu Dụng.
Nhà thơ Khương Hữu Dụng là tác giả của những tập thơ: “Kinh nhật tụng của người chiến sĩ” (NXB Thanh niên cứu quốc Trung bộ ở Huế in năm 1946 và LK5 in lại năm 1951), “Từ đêm 19” (năm 1951), Những tiếng thân yêu, Quả nhỏ, Bi bô, Tuyển tập Khương Hữu Dụng, Thơ Khương Hữu Dụng.
Khương Hữu Dụng cũng là dịch giả của hàng chục tập thơ Đường, thơ Đỗ Phủ, thơ Tống, thơ Lục Du, thơ Nguyễn Du, thơ Thời Tây Sơn, thơ Ninh Tốn, thơ Ngô Thời Nhậm, thơ Cao Bá Quát, thơ Nguyễn Khuyến, thơ Đặng Huy Trứ, thơ Hồ Chủ tịch và Nhật ký trong tù.
Tới dự lễ tưởng niệm có các vị đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng, Hội VHNT Đà Nẵng, Sở VHTT Đà Nẵng và rất đông văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và nhà báo ở Đà Nẵng, đặc biệt là sự có mặt của các giáo sư đầu ngành như GS Vũ Khiêu, GS Trần Văn Khê, GS Hoàng Chương… và con cháu nhà thơ Khương Hữu Dụng.
Sau bài phát biểu của nhà thơ Thanh Thảo về con người và sự nghiệp của nhà thơ Khương Hữu Dụng, GS Vũ Khiêu đã nói về những kỷ niệm sâu sắc của mình với nhà thơ Khương Hữu Dụng, đồng thời đánh giá rất cao những bài thơ yêu nước của ông và coi Khương Hữu Dụng là nhà thơ tiên phong trong phong trào kháng chiến chống Pháp.
Nhà văn Lê Thành Chơn đề cập đến tác dụng to lớn của bài “Kinh nhật tụng của người chiến sĩ” đối với bộ đội và nhân dân Nam bộ. Anh cho biết bài thơ dài 104 câu này còn gọi là bài “Kinh” ở miền Nam được truyền tụng sâu rộng trong nhân dân.
Bà Khương Minh Ngọc, con gái của nhà thơ, đã nói về tấm lòng nhân đức, bao dung của ông Khương Hữu Dụng đối với gia đình cũng như đối với mọi người trong xã hội, nên ai cũng thương yêu và quý trọng ông.
Về phần tôi, xin được nói thêm một chút về lòng yêu nghệ thuật, đặc biệt là tuồng (hát bội) của nhà thơ Khương Hữu Dụng, một người sinh ra trên đất tuồng ở xứ Quảng, nên ông rất vui khi biết ngành tuồng phục hồi được những vở tuồng truyền thống có giá trị. Ngược lại, ông cũng rất day dứt băn khoăn khi thấy xuất hiện ngày càng nhiều những vở tuồng mất bản sắc và mất chất tuồng.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Khương Hữu Dụng, mong sao chúng ta nhớ mãi một cây đại thụ trong làng thơ cách mạng Việt Nam.
TRƯƠNG HOÀNG