20 năm Hồng Công trở về Trung Quốc: Thành tựu và thách thức

Ngày 1-7, tại Quảng trường Kim Tử Kinh trên đảo Hồng Công, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự lễ thượng cờ kỷ niệm 20 năm ngày Anh chính thức trao trả Hồng Công về cho Trung Quốc.
Một trong các hoạt động chào mừng 20 năm Anh trao trả Hồng Công cho Trung Quốc
Một trong các hoạt động chào mừng 20 năm Anh trao trả Hồng Công cho Trung Quốc
Lằn ranh đỏ

Ngay sau khi lễ thượng cờ kết thúc, tân Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Công Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng các thành viên chính quyền mới đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức. An ninh được thắt chặt tại địa điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm ở khu vực cảng Hồng Công, cũng chính là nơi hai thập kỷ trước từng diễn ra buổi lễ trao trả hòn đảo này về cho Trung Quốc.

Trước đó, trong ngày 30-6, Chủ tịch Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm các binh sĩ đóng quân tại Hồng Công và có buổi tiệc chiêu đãi cùng các quan chức Hồng Công. Phát biểu tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định cam kết của chính quyền trung ương Trung Quốc đối với chính sách “Một nhà nước, hai chế độ”.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hồng Công kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sự kiện này, chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Công đã điều động hàng ngàn cảnh sát, triển khai công tác đảm bảo an ninh tại nơi ăn nghỉ và những nơi diễn ra hoạt động của ông Tập Cận Bình cùng phái đoàn tùy tùng.

Theo Reuters, trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ thách thức nào đối với quyền lực của Chính phủ Trung Quốc. “Bất kỳ nỗ lực nào gây nguy hại cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, thách thức quyền lực của chính quyền trung ương và cơ quan Luật cơ bản của chính quyền Hồng Công hoặc sử dụng Hồng Công để thực hiện các hoạt động thâm nhập và phá hoại chống lại đại lục là một hành động vượt qua lằn ranh đỏ và hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông Tập Cận Bình nói.

Luật cơ bản Hồng Công có nói, Đặc khu hành chính Hồng Công được đảm bảo quyền tự do “ít nhất 50 năm” sau năm 1997. Trong bài phát biểu của mình, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Công Lâm Trịnh Nguyệt Nga phát biểu bằng tiếng Quan Thoại thay vì tiếng Quảng Đông được sử dụng rộng rãi ở Hồng Công, cho biết, bà muốn tạo ra một xã hội hài hòa và tìm kiếm nguồn cung cấp đất mới ở thành phố, nơi mà giá nhà ở tăng vọt.

Gia tăng khoảng cách giàu nghèo


Tạp chí Diplomat đánh giá, việc áp dụng chính sách “Một nước, hai chế độ” đã mang đến cho Hồng Công những lợi thế cạnh tranh trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Luật pháp, thị trường tự do cùng tính quốc tế của Hồng Công vẫn được bảo đảm và tăng cường. Chính quyền Hồng Công cùng với giới chức Trung Quốc đại lục đã thúc đẩy những mối liên hệ chặt chẽ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, thay đổi trong giáo dục và tăng cường quan hệ kinh tế. 

Kể từ khi trở về với Trung Quốc đại lục, Khu hành chính đặc biệt Hồng Công với hơn 7,4 triệu dân đã đón nhận nhiều cơ hội cũng như đối mặt với không ít thách thức mới. Tăng trưởng GDP của Hồng Công tương đối ổn định, với mức tăng trung bình 3,2%/năm kể từ năm 1997, hiện đã tương đương với mức tăng trưởng của Thâm Quyến hay Quảng Châu. Hoạt động giao thương với Trung Quốc đại lục đã tăng từ mức tương đương 1/3 tổng giá trị xuất - nhập khẩu của Hồng Công lên trên 1/2. Vị trí địa lý thuận lợi cùng với lợi thế cảng biển và mức thuế nhập khẩu 0% là điều kiện để Hồng Công tận dụng được ưu thế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Hồng Công cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Kinh tế Hồng Công trở nên phụ thuộc hơn vào Trung Quốc đại lục, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, rủi ro tài chính gia tăng chắc chắn sẽ tác động tới đà phát triển kinh tế của Hồng Công. Dù bùng nổ về tài chính, thương mại và du lịch, song Hồng Công đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo cũng như tỷ lệ thất nghiệp. Hồng Công cũng lọt vào danh sách những địa điểm sinh sống đắt đỏ nhất thế giới. Giá nhà đất đã tăng từ mức trung bình gần 8.300USD/m² vào năm 1997 lên mức hơn 15.000USD/m² hiện nay.

Tin cùng chuyên mục