3 kịch bản kinh tế năm 2020 do VEPR xây dựng

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 3 kịch bản kinh tế Việt Nam trong năm 2020, dựa trên khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới.

Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ, chụp trước ngày 1-4-2020. Ảnh: TRẦN VŨ
Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ, chụp trước ngày 1-4-2020. Ảnh: TRẦN VŨ

Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 1 năm 2020 vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (VEPR) công bố ngày 13-4, trong một cuộc tọa đàm trực tuyến.  

Trước đó, trong bối cảnh có nhiều biến động lớn liên tiếp như vậy, cơ quan thống kê quốc gia cho biết kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng ở mức 3,82% trong quý 1, thấp nhất trong vòng 11 năm gần đây, đồng thời giá tiêu dùng có khuynh hướng tăng do giá thực phẩm và nhu yếu phẩm tăng.

Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng VEPR nhận định: “Con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thật của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây”.

Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng VEPR, 3 kịch bản kinh tế cho năm 2020 đã được nhóm chuyên gia VEPR xây dựng dựa trên 3 kịch bản về khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới.

Kịch bản 1 là bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn còn dè dặt và dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý 2-2020.

Kịch bản 2 là bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 3-2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 3-2020.

Cuối cùng, ở kịch bản 3, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau quý 4-2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu từ 2 quý cuối năm 2021.

“Trong bất kỳ kịch bản nào ở thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch. Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vác-xin hoặc thuốc đặc trị trên thế giới”, chuyên gia VEPR nhấn mạnh.

Hiến kế cho Chính phủ, nhóm chuyên gia VEPR đề xuất xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau tuỳ thuộc cấp độ về bệnh dịch (chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”). Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động (có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh "ngăn sông cấm chợ" cực đoan ở một số địa phương).

Trong khi đề nghị ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội, TS Phạm Thế Anh lưu ý, chưa nên vội vã khuyến khích tín dụng. Ưu đãi vốn vay phải đảm bảo phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy đầu tư công đi kèm tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%.

Trong dài hạn, các chuyên gia VEPR cho rằng cần có những chính sách dài hơi hơn; từng bước xây dựng “đệm tài khóa” để phòng  chống những cú sốc kiểu Covid-19; đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào EU, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc).

Tại cuộc toạ đàm, nhiều ý kiến chuyên gia trong đó có TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng VEPR nhấn mạnh tuyệt đối cần tránh việc thay đổi chính sách đột ngột, bất nhất khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động, dở khóc dở cười. Chính sách xuất khẩu gạo vừa qua là một ví dụ.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng thẳng thắn cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần đón nhận mức tăng trưởng âm trong kịch bản xấu. Ông Hiếu chỉ đưa ra hai kịch bản, trong đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 6 thì kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục dần vào đầu quý 3, nhưng phải mất 6 tháng đến 1 năm để hồi phục về nhịp độ bình thường vào 2 quý sau của năm 2021.

Nếu đến tháng 6 chưa kiểm soát được dịch bệnh thì khó có thể nói được điều gì và Việt Nam có thể chấp nhận mức tăng trưởng âm đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Ngoài các đối tượng dễ tổn thương đã được nhắc đến nhiều, ông Nguyễn Trí Hiếu còn bày tỏ lo lắng về tính thanh khoản của nhiều ngân hàng.

“Nợ xấu sẽ tăng, có thể lên tới hơn 20%. Chúng ta hy vọng vào điều tốt hơn, nhưng phải chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất”, chuyên gia này nhận định.

Tin cùng chuyên mục