
Trong không khí kỷ niệm 32 năm ngày giải phóng miền Nam, nhắc lại “cái thuở ban đầu” ấy, các nghệ sĩ thành phố không quên một số mẩu chuyện như những dấu ấn đẹp trong cuộc hội ngộ 30-4 giữa Sài Gòn.
- NSND Diệp Lang:
Nhớ mãi cảnh xe tăng đụng cổng Dinh Độc Lập

Khi nhắc đến ngày 30-4-1975 lịch sử, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tôi có một kỷ niệm sâu sắc mà chắc ít có người nào tận mắt chứng kiến được. Đó là vào sáng 30-4-1975, từ trong trại lính, tôi chở nghệ sĩ Trần Quang về nhà, sau đó tôi trở về rạp hát Hưng Đạo, ngồi nói chuyện với tác giả Hà Triều. Đến khoảng 10 giờ, tôi nghe mấy anh em nói: “Trưa nay mấy ổng vô!”.
Tôi lấy chiếc xe Honda Dame của mình chở tác giả Hà Triều tới Nhà thờ Đức Bà, bất ngờ thấy đoàn xe tăng từ hướng Thảo Cầm viên chạy thẳng về cổng Dinh Độc Lập và chiếc xe tăng đầu tiên “tông” thẳng, đánh sập cổng Dinh Độc Lập, liền thấy một anh bộ đội tay cầm cờ nhanh nhẹn nhảy xuống, chạy thẳng vô trong Dinh Độc Lập... Sau đó, tôi và anh Hà Triều trở về nhà, chỉ ít lâu sau nhân dân cả Sài Gòn cùng nhau “đổ” ra đường mừng chiến thắng của dân tộc. Có thể nói, đó là thời khắc hết sức thiêng liêng, dù sau mấy mươi năm rồi, tôi vẫn còn nhớ mãi!
- NSND Thế Anh:
Quá mong gặp “Nửa đất nước trong đêm”

Chúng tôi đón nhận thông tin miền Nam giải phóng khi đang trên đường vào tới Huế. Đoàn kịch của Nhà hát kịch Việt Nam được lệnh lên đường đi B phục vụ chiến trường với gần 40 cán bộ, nghệ sĩ. Những người được chọn lên đường mang trong mình niềm kiêu hãnh xen lẫn nỗi lo lắng. Vậy mà, sau đó chỉ 2, 3 tháng, khi đoàn còn đang rong ruổi trên đường thì tin chiến thắng đã ùa tới.
Còn nhớ ngày nào đất nước bị chia cắt, vào đến Vĩnh Linh chỉ có thể đứng bên này ngó qua bên kia, thế mà giờ đây non sông thành một dải nối liền Bắc – Nam. Đó là nỗi niềm mà tác giả Ngô Y Linh thể hiện trong vở kịch “Nửa đất nước trong đêm” và chúng tôi ai cũng thấm thía. Xúc động lắm chứ. Chúng tôi cảm thấy ghen tỵ với các đoàn làm phim, họ được bám sát các đơn vị bộ đội và họ được có mặt đúng vào giây phút lịch sử tại Sài Gòn, chứng kiến sự kiện trọng đại của ngày 30-4. Đoàn kịch thì chỉ có thể đi sau... Sài Gòn giải phóng, chúng tôi được lệnh quay trở về khi chưa hoàn tất chặng đường tiến vào Sài Gòn.
- Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm:
Đẹp quá anh bộ đội đeo khăn quàng đỏ dạy thiếu nhi hát!

Khi Sài Gòn giải phóng, tôi còn dạy vẽ ở trường mỹ thuật. Đối với văn nghệ sĩ Sài Gòn ngày ấy, cách mạng vẫn là cái gì đó còn mới mẻ, lạ lẫm. Một ấn tượng khó quên của ngày ấy khi tôi bắt gặp cảnh một anh bộ đội đeo khăn quàng đỏ, hết sức nhiệt tình dạy thiếu nhi hát ở khuôn viên Bảo tàng Lịch sử (gần bên Thảo Cầm viên bây giờ). Bức vẽ “Sinh hoạt mới bên nền văn hóa cũ” lấy cảm xúc từ hình ảnh này. Nó đánh dấu một nhận thức thật mới trong sáng tác.
Bức tranh sau đó được tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên của tôi. Rồi sau đó, chúng tôi gặp họa sĩ Diệp Minh Châu, Nguyễn Phi Hoanh, Thanh Châu, Bình Đẳng… Cũng từ đấy, con đường nghệ thuật của tôi được khơi dậy. Tôi được đi khắp mọi miền đất nước, thành công rộng mở nhờ ý nghĩa lớn lao, thiêng liêng của những từ ngữ tưởng như thật đơn giản hòa bình, độc lập, tự do của ngày 30-4.
Nhóm PV VHVN