5 xu hướng chủ đạo của bán lẻ trong tương lai

Trong tương lai, hình thức bán lẻ đa kênh, thanh toán không chạm hoặc phát triển siêu thị mini sẽ là những xu hướng chính mà các nhà bán lẻ hướng tới để thích ứng với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng Việt. 
Bán lẻ hiện đại với xu hướng thanh toán không chạm
Bán lẻ hiện đại với xu hướng thanh toán không chạm

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), chỉ trong 7 tháng đầu năm nay có tới 8.102 doanh nghiệp bán buôn - bán lẻ trên cả nước đang chờ giải thể vì kinh doanh thua lỗ. Còn theo đánh giá của CBRE Việt Nam, có tới 38% nhà bán lẻ phải tạm ngưng mở rộng trong năm 2020, 11% tập trung củng cố cửa hàng hiện tại hoặc buộc dời ngày khai trương sang năm 2021. 

Dù vậy, trong một báo cáo nghiên cứu về thị trường bán lẻ được Vietnam Report công bố gần đây cho thấy vẫn có những tín hiệu tích cực xuất hiện ở các lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian qua do doanh nghiệp nhanh chóng chuyển mình thích ứng. Cụ thể, các nhà bán lẻ thích ứng với bán hàng thương mại điện tử, có dịch vụ hậu mãi tốt cho khách hàng cùng sản phẩm đảm bảo chất lượng thì vẫn “sống khỏe” bất chấp dịch bệnh. Từ đó, Vietnam Report chỉ ra trong tương lai sẽ có 5 xu hướng chủ đạo của ngành bán lẻ hiện đại mà doanh nghiệp bán lẻ cần nắm bắt để thích ứng như: bán hàng đa kênh (Omnichannel); mua bán, sáp nhập (M&A); xu thế thanh toán không chạm; đầu tư cho thẻ tích điểm và khách hàng thân thiết; phát triển siêu thị mini. 

Đầu tiên, với bán hàng đa kênh. Nhiều nghiên cứu thị trường cùng các báo cáo từ những trang thương mại điện tử đã cho thấy, trong đợt dịch vừa qua, 3 kênh mà người tiêu dùng lựa chọn mua nhu yếu phẩm nhiều nhất là cửa hàng online (59,8%); cửa hàng tiện lợi (54,9%) và trung tâm thương mại, siêu thị (50,9%). Với nhóm không phải nhu yếu phẩm, việc đến tận cửa hàng để mua sắm cũng giảm đáng kể trong khi các kênh trực tuyến đều tăng trưởng mạnh, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử. Thực tế để đáp ứng xu hướng này, các nhà bán lẻ truyền thống đã nhanh chóng phát triển mô hình bán hàng online, đặt hàng qua điện thoại và kéo khách hàng tăng trở lại. Đơn cử như Saigon Co.op. Ngay khi xảy ra dịch bệnh và giãn cách xã hội được áp dụng trên diện rộng, Saigon Co.op đã triển khai bán hàng qua điện thoại, bán hàng online, đồng thời tung ra kênh bán hàng tương tác trên ứng dụng thương mại điện tử là App Saigon Co.op. 

Xu hướng thứ 2 là mua bán, sáp nhập (M&A). Trên thực tế, 2019 là năm mà số lượng các vụ M&A đạt kỷ lục, bao gồm thương vụ Saigon Co.op tiếp nhận 18 cửa hàng của chuỗi Auchan, hay Vingroup chuyển nhượng Vincommerce cho Tập đoàn Masan. Theo Vietnam Report, hoạt động M&A giúp cả hai bên tham gia đều có lợi và có thể M&A trong lĩnh vực bán lẻ sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. 

Cùng với 2 xu hướng kể trên, công nghệ không chạm cũng sẽ là một điểm nhấn của ngành bán lẻ trong tương lai, bởi 60,6% người tiêu dùng có xu hướng giảm sử dụng tiền mặt trong một khảo sát gần đây. Chưa kể, có tới 59,6% người dùng dần sử dụng internet banking nhiều hơn và con số này của ví điện tử là 57,7%. Chính vì thế, các nhà bán lẻ không nên bỏ qua xu hướng này để có những chiến lược tiếp cận khách hàng phù hợp. 

Xu hướng thứ 4 chính là chính sách hậu mãi cho khách hàng. Theo đó, thẻ tích điểm và khách hàng thân thiết là một trong số các chính sách mà các nhà bán lẻ cung cấp. Hiện nay, trong các phân khúc, siêu thị đang dẫn đầu về tỷ lệ khách hàng làm thẻ tích điểm, vượt lên trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và siêu thị điện máy. Ở xu hướng này có thể đánh giá hệ thống siêu thị Co.opmart đang làm khá tốt khi liên tục có những chương trình tích điểm, tặng điểm thưởng cho khách hàng. Điều đặc biệt là dù đã được trả thưởng thường xuyên nhưng khách hàng vẫn được hưởng thêm những quyền lợi khác khi mua hàng như giảm giá, tặng quà vào các ngày sinh nhật và cuối năm. 

Chị Nguyễn Mai Ka (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, 7 năm nay chị là khách hàng thân thiết của Co.opmart Bình Triệu nên được nhà bán lẻ này chăm sóc khá kỹ lưỡng. Cụ thể là khi mua đủ số điểm tích thưởng là 500 điểm chị sẽ được 1 phiếu quà tặng trị giá 100.000 đồng; được tặng phiếu giảm giá 15% vào dịp sinh nhật; tặng quà tết… “Cũng vì họ chăm sóc khách hàng tốt nên tôi đã chọn lựa đây là điểm mua sắm thường xuyên của gia đình”, chị Mai Ka chia sẻ. 

Bên cạnh các xu hướng trên, điểm nhấn đáng chú ý thứ 5 của ngành bán lẻ Việt Nam chính là phát triển siêu thị mini. Theo Vietnam Report, 6 tháng đầu năm nay, lượng siêu thị mini ở khu vực đô thị cấp 2 và cấp 3 tăng trưởng rất nhanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Những cửa hàng này có cơ sở vật chất tiện nghi, dịch vụ khách hàng tốt, mở cửa 24/24 giờ, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... nên đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đây là xu thế mới của bán lẻ và doanh nghiệp cũng cần nắm bắt để có chiến lược phát triển phù hợp.

Tin cùng chuyên mục