Theo đó, kết quả khảo sát lấy ý kiến 1.000 người là công nhân, chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ cho thấy chi phí cơ bản nhất của công nhân là chi tiêu cho việc thuê nhà trọ hoặc phòng trọ. Khảo sát cho thấy chi tiêu dành cho nhà ở của công nhân dao động trong khoảng 10-15% so với tổng thu nhập.
Tỷ lệ này thấp hơn mức tiêu chuẩn là không quá 30% chi tiêu cho nhà ở trong tổng thu nhập. Phần lớn người lao động thuê phòng trọ, chiếm tỉ lệ 83,3%; hình thức ở khu lưu trú chiếm 15%; chỉ 1,7% người lao động dám thuê nhà trọ, bởi chi phí cao.
Kết quả khát sát cũng cho thấy, phần lớn công nhân thuê các nhà trọ tự phát xung quanh nơi làm việc, số lượng công nhân được tiếp cận với nhà lưu trú do Nhà nước đầu tư còn khá thấp và mới chỉ tập trung vào các khu chế xuất, chưa mở rộng ra các khu vực có đông công nhân lao động sinh sống.
Ngoài ra, để giảm chi phí thuê trọ, đa phần công nhân chưa lập gia đình có xu hướng ở ghép để chia sẻ chi phí thuê phòng trọ và các loại chi phí khác như điện, nước, truyền hình hoặc Internet….
Qua khảo sát, công nhân cũng đề xuất chính quyền, đoàn thể quan tâm phát triển nhà ở xã hội để công nhân có nơi ở, ổn định cuộc sống; có chính sách bình ổn giá thuê, giảm giá nhà trọ, để giảm áp lực chi tiêu cho người thuê; ổn định hoặc giảm giá điện, nước sinh hoạt. Ngoài ra các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, tăng cường các hoạt động văn hóa quanh khu nhà trọ cũng được công nhân đề xuất quan tâm.
Đây là khảo sát nhằm đánh giá thực trạng đời sống thực tế của công nhân ở các khu nhà trọ trên địa bàn TPHCM. Đây sẽ là cơ sở để các đơn vị liên quan đề ra các chương trình, giải pháp hỗ trợ công nhân nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo nhu cầu và ổn định tối thiểu cho người lao động trong việc lưu trú.