* Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT sẽ tránh tình trạng “học vẹt”
(SGGP).- Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TPHCM trình UBNDTP về tuyển sinh đầu cấp lớp 1, 6, 10, năm học 2011-2012, TPHCM sẽ có thêm 2 quận tuyển sinh vào lớp 10 theo phương án xét tuyển là quận Bình Tân và quận 6.
Như vậy, TPHCM sẽ có 9 quận huyện thực hiện xét tuyển vào lớp 10 là huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, quận 9, Thủ Đức, quận 2, quận Bình Tân và quận 6. Ngoài ra, những quận huyện còn lại sẽ thi tuyển vào lớp 10 với 3 môn: ngữ văn, toán và môn thứ 3 (sẽ công bố sau).
Tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 không có gì thay đổi so với mọi năm. Tuyển sinh vào lớp 1 huy động 100% trẻ 6 tuổi đang cư trú trên địa bàn quận huyện vào học lớp 1. Không nhận HS học sớm tuổi và không nhận học sinh trái tuyến ngoài quận, huyện. Phấn đấu thực hiện sĩ số lớp 35 HS/lớp. Các trường không được vận động, quyên góp và thu các khoản thu ngoài quy định (như sổ vàng). Tuyển sinh lớp 6: Học sinh trong độ tuổi quy định đã hoàn thành chương trình bậc tiểu học trên địa bàn quận, huyện được vào học lớp 6 ở các hệ trường trên địa bàn nơi thường trú. HS có nguyện vọng học trường ngoài công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên nào thì đăng ký học tại trường ấy để trường xét tuyển.
Chiều 7-4, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT họp báo thường kỳ về công tác quý 1. Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, cấu trúc đề thi năm nay giống năm trước. Trừ môn ngoại ngữ, các môn đều có 2 phần cho thí sinh lựa chọn. “Thí sinh cần đặc biệt lưu ý, nếu làm cả 2 phần sẽ không được tính điểm”, ông Nghĩa nói. Trong các đề thi, số câu hỏi đánh giá khả năng vận dụng kiến thức chiếm ít nhất 50%. Điều này yêu cầu thí sinh phải học hiểu, tránh tình trạng học vẹt. Ông Nghĩa cũng khẳng định, đề thi tốt nghiệp sẽ sát chương trình lớp 12, trong đó Bộ GD-ĐT chủ trương năm nay tiếp tục ra đề mở để chống học vẹt. Năm nay cũng sẽ tiếp tục tổ chức thi cụm và chấm chéo.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học phổ thông cũng cho biết, bộ đã yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường hoàn thành chương trình lớp 12 đúng kế hoạch và không cắt xén. Liên quan đến việc có nên tổ chức thi thử tốt nghiệp, thi thử đại học hay không, ông Chuẩn nói: “Thi thử là quyền của các địa phương, tuy nhiên nên có sự đồng thuận của học sinh và phụ huynh. Cũng không nên thi thử nhiều vì gây áp lực và tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc”.
L.LINH - PH.THẢO