Tình hình Ai Cập chưa yên sau “Mùa xuân Arập” đã bùng lên thành bạo động chính trị sau một phiên tòa hôm 26-1 xét xử bạo động trong trận đấu bóng đá khiến Tổng thống nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 3 thành phố dọc kênh đào Suez.
Bạo động bất chấp giới nghiêm
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi ngày 27-1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 3 thành phố trên kênh đào Suez, nơi hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội cầm quyền theo sau phán quyết của tòa án buộc tội tử hình với 21 người liên quan đến vụ bạo động một trong trận bóng đá vào năm 2012.
Vào ngày 1-2-2012, bạo loạn trong trận đấu giữa đội Cairo Al-Ahly và Al-Masry đã làm 73 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Hàng trăm người vẫn tiếp tục biểu tình ở Port Said, Suez và Ismailia bất chấp lệnh giới nghiêm bắt đầu lúc 9 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau kéo dài trong 30 ngày. Đã có 49 người chết trong các cuộc biểu tình, hầu hết ở Port Said.
Theo Reuters, cảnh sát đã bắn hơi cay vào hàng chục thanh niên ném đá vào họ gần Quảng trường Tahrir, Cairo, nơi đối thủ của ông Morsi đã cắm trại trong nhiều tuần để phản đối ông và các thành viên quân đội Ai Cập, những người mà họ nói đã phản bội cuộc cách mạng lật đổ Hosni Mubarak hai năm trước đây. “Chúng tôi muốn chấm dứt tình trạng hiện nay do nhóm Anh em Hồi giáo cầm quyền”, ông Ibrahim Eissa, một trong những người biểu tình nói.
Về phần mình, Tổng thống Morsi khẳng định: “Việc bảo vệ quốc gia là trách nhiệm của tất cả mọi người. Chúng tôi sẽ đối đầu với bất kỳ mối đe dọa an ninh quốc gia nào thông qua sức mạnh của luật pháp”. Tổng thống Morsi kêu gọi mở cuộc đối thoại quốc gia, theo đó sẽ mời các đồng minh Hồi giáo tự do, cánh tả và các nhóm đối lập, cá nhân để thảo luận về cuộc khủng hoảng.
Phe đối lập chính, liên minh Mặt trận cứu quốc, cho biết sẽ thảo luận về đề nghị này. Tuy nhiên, họ không mong đợi nhiều về kết quả tích cực. Ông Mohamed ElBaradei, người sáng lập đảng Hiến pháp thuộc lực lượng đối lập nói: “Trừ khi Tổng thống chịu trách nhiệm trước các sự kiện đẫm máu và cam kết thành lập chính phủ cứu quốc cùng ủy ban sửa đổi hiến pháp, còn bất kỳ cuộc đối thoại nào sẽ là một sự lãng phí thời gian”.
Phía lực lượng Anh em Hồi giáo cầm quyền kêu gọi Tổng thống Morsi nên hành động mạnh hơn nhằm áp đặt thêm các biện pháp an ninh để ngăn chặn bạo lực.
Bình mới rượu cũ
Một số nhóm đối lập đã kêu gọi cuộc biểu tình vào ngày 28-1, đánh dấu kỷ niệm năm thứ hai của một trong những ngày đẫm máu nhất trong cuộc cách mạng nổ ra vào ngày 25-1-2011 dẫn đến sự ra đi của ông Hosni Mubarak. Nhiều tổ chức quốc tế cho biết những gì đang được áp dụng tại Ai Cập hiện nay giống với những gì từng áp dụng trong suốt 30 năm cầm quyền của ông Mubarak.
Tại Cairo, cảnh sát vẫn còn căm ghét người Ai Cập biểu tình vốn có từ thời Mubarak. Một lần nữa, họ sẽ có quyền bắt giữ người bị nghi ngờ. Tổng thống Morsi khẳng định những ai phạm tội sẽ phải đối mặt với công lý càng sớm càng tốt. Ông Morsi cho biết thêm đã chỉ đạo Bộ Nội vụ giám sát các lực lượng an ninh để chống lại những kẻ tấn công các tổ chức quốc gia.
Nhiều tờ báo tại Ai Cập cho rằng ông Morsi thay thế ông Mubarak và cũng không khác gì ông Mubarak, chỉ khác chăng ông được một tổ chức Hồi giáo có thế lực ủng hộ. Theo thống kê của các nhà hoạt động tại Ai Cập, chỉ trong 200 ngày cầm quyền, số đơn kiện Tổng thống Morsi cao gấp 4 lần con số dành cho ông Mubarak trong suốt 30 năm cầm quyền.
KHÁNH MINH tổng hợp