Ai chịu trách nhiệm vụ nạn nhân tử vong do cần cẩu rơi tời trên đường Lê Văn Lương?

Liên quan tới vụ rơi thanh tời xuống đường Lê Văn Lương (Hà nội) khiến một cô gái tử vong tại chỗ, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, hành vi này có dấu hiệu phạm tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người" được quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.

Ai chịu trách nhiệm vụ nạn nhân tử vong do cần cẩu rơi tời trên đường Lê Văn Lương?

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh sự việc rơi thanh tời xuống đường của một tòa nhà đang xây dựng trên đường Lê Văn Lương khiến 1 người chết, 1 người bị thương, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình. Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường. Nhà thầu phải tổ chức các biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình.

Ai chịu trách nhiệm vụ nạn nhân tử vong do cần cẩu rơi tời trên đường Lê Văn Lương? ảnh 1 Vụ rơi thanh tời sắt khiến 1 người đi đường tử vong tại chỗ tối ngày 27-9 trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội)
“Để tổ chức thi công, nhà thầu sẽ có bộ phận quản lý an toàn lao động để hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường. Khi phát hiện vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý theo quy định nội bộ của nhà thầu; quyết định việc tạm dừng thi công xây dựng đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường”, luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.

Cũng theo luật sư Thơm, người phụ trách an toàn lao động công trình này đã vi phạm Điều 6 Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30-3-2017 của Bộ Xây dựng.

Lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình trong vụ việc này là lỗi vô ý được quy định tại khoản 2 điều 11 Bộ luật Hình sự 2015: “Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ việc này sẽ như thế nào?,  luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, căn cứ Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015, bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, trước tiên nhà thầu thi công của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình sẽ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị nạn theo quy định tại các điều 591 Bộ luật Dân sự; Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

“Sự cố thanh tời sắt trên trong hệ thống giàn giáo tại công trường xây dựng bất ngờ rơi xuống đường, trúng 1 người đi xe máy đang lưu thông bị tử vong tại chỗ một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng nhà cao tầng tại Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như tại các thành phố trên cả nước nói chung. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các sự cố trong thời gian qua do sự chủ quan, thiếu cẩn trọng, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không có bao che các lan can công trình, lắp đặt biển báo biển cấm, lưới chống vật rơi ở những nơi nguy hiểm nhiều người qua lại…”, luật sư Thơm lo ngại.

Liên quan tới vụ việc gây chết người trên đường Lê Văn Lương, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội xác định địa điểm xảy ra tai nạn là công trình xây dựng Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai (có địa chỉ tại số 7/10/16 Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Công trình được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 36/GPXD ngày 26/6/2013 với quy mô 16 tầng + 2 tầng hầm. Hiện công trình đã thi công xong phần thô và đang trong quá trình thi công hoàn thiện, lắp kính mặt ngoài tòa nhà.

Trong thời gian chiều tối ngày 27-9, một số công nhân được phân công lắp kính mặt ngoài tầng 5,6,7 của tòa nhà, khi lắp kính đến tầng 7, các công nhân thấy đến giờ nghỉ nên điều khiển để sàn thao tác xuống tầng 6 cho mọi người xuống thì bất ngờ cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng rơi từ tầng 16 xuống mặt đường Lê Văn Lương trúng vào đầu chị Dương Thị H. (SN 1987, quê ở Bắc Ninh) đang điều khiển xe máy BKS: 99R - 169.., khiến chị này tử vong tại chỗ.

Bên cạnh đó, sàn chuyên dụng Gondola này cũng rơi trúng vào phần cẳng tay của ông Nguyễn Hùng C. (SN 1956, trú tại Minh Khai, Hà Nội) đang điều khiển xe máy BKS: 30K 402... lưu thông trên đường Lê Văn Lương hướng đi Láng Hạ, khiến ông Cường bị thương phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định do bộ phận giữ của hệ thống sàn treo Gondola phục vụ việc thi công hạng mục vách kính tại công trình bị bật khỏi vị trí và rơi xuống đường giao thông.

Tin cùng chuyên mục