Giám sát đảng viên và tổ chức Đảng

Ai được quyền?

Chương VII và Chương VIII, Điều lệ Đảng quy định công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng. Vậy nội dung, phương thức và cơ chế nào để tiến hành giám sát? Đảng giám sát có chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan pháp luật, của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể xã hội? Đó là những nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị công tác kiểm tra Đảng do Vụ khu vực VII, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương tổ chức mới đây.

  • Đảng viên cấp dưới có được quyền giám sát cấp trên?

Trả lời câu hỏi này, đại diện UBKT Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương cho rằng: “Giám sát là theo dõi trực tiếp, thường xuyên, liên tục của tổ chức Đảng cấp trên đối với đảng viên và tổ chức Đảng cấp dưới; của tổ chức Đảng cấp dưới đối với đảng viên và tổ chức Đảng cấp trên trong việc thực hiện cương lĩnh chính trị, đường lối chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Phương án 2 của dự thảo hướng dẫn không trao quyền giám sát cho đảng viên là không đúng vì người dân và các đoàn thể xã hội còn được quyền giám sát, không lẽ đảng viên lại không có cái quyền này?”. Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Lên nói: “Đảng viên cũng là công dân, nên đảng viên phải được quyền giám sát. Đối với tổ chức Đảng cũng vậy, đã giám sát thì không chỉ được giám sát cấp dưới mà còn cả cấp trên”. Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bảnh góp thêm: “Có quy định đảng viên và tổ chức Đảng cấp dưới được quyền giám sát cấp trên, mới hạn chế những “vùng cấm” trong Đảng”.

Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Thành ủy TPHCM Lê Thị Út chưa thông lắm và cho rằng, có điều gì trái với quy định trong công tác kiểm tra và không phù hợp với thực tế. Theo đồng chí, “Điều lệ Đảng đã có quy định đảng viên được quyền chất vấn tổ chức Đảng rồi, thì không nên quy định thêm quyền gì nữa – dễ dẫn đến trao quá nhiều quyền cho đảng viên, trong khi khả năng thực hiện lại có hạn. Mặt khác, bản thân đảng viên đã chịu sự giám sát của pháp luật, của MTTQ và các tổ chức xã hội rồi, nên không cần thiết phải trao thêm chức năng giám sát cho chính đảng viên nữa”.

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Vậy giám sát thì giám sát cái gì? Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo 6 (2), Thành ủy TPHCM Kiều Ngọc Trạc, nói ngay: “Giám sát – trước hết là giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế hoạch và sử dụng tài chính, tài sản của Đảng và Nhà nước; giám sát công tác tổ chức, cán bộ, việc thực thi pháp luật; giám sát các chủ trương, chính sách của Đảng được đến với dân tới đâu. Qua giám sát mới thấy được trình độ, năng lực của cán bộ, đảng viên và ai, tổ chức nào làm sai để còn biết mà xử lý. Còn đối tượng giám sát thì chỉ nên quy định đối với đảng viên và tổ chức Đảng cấp dưới vì cấp dưới là cấp thi hành, không lẽ lại đi kiểm tra, giám sát lại cấp trên? Mỗi cấp nếu làm tốt chức năng giám sát ở cấp của mình, đã là tốt lắm rồi, đặt thêm giám sát cả cấp trên nữa sẽ rất khó thực hiện”.

  • Cơ chế nào để thực thi quyền giám sát?

Nhiều đại biểu cho biết, một số cấp ủy địa phương hiện nay chưa thực sự coi trọng công tác kiểm tra, chưa có những quy định rõ ràng về cung cấp, trao đổi thông tin để UBKT các cấp thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng Vũ Công Tiến, “hướng dẫn thực hiện chức năng giám sát nếu không có cơ chế rõ ràng, cũng sẽ rất khó thực hiện vì từ trước đến nay, UBKT các cấp và có nhiều nơi – ngay cả cấp ủy không có điều kiện thâm nhập và nắm được tình hình tại các ngành, lĩnh vực phức tạp như: nhà đất, tài chính, doanh nghiệp…

Do vậy, muốn giám sát đạt hiệu quả, nhất thiết phải có cơ chế, trong đó quyền được thông tin là yêu cầu quan trọng để UBKT các cấp thực thi quyền giám sát của mình”. Nói về tầm quan trọng của thông tin để thực hiện chức năng giám sát, đồng chí Kiều Ngọc Trạc đưa ra dẫn chứng về câu chuyện đầu tư 34 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường đi bộ Đồng Khởi ở TPHCM cách nay vài năm.

Khi biết dự án này sắp được triển khai, Ban Chỉ đạo 6 (2) đã đề nghị xem lại tính hiệu quả vì không thể bỏ ra một số tiền quá lớn để biến một con đường dài chưa đầy 1 cây số với nhiều phương tiện đang lưu thông – thành tuyến đường chỉ dành cho người đi bộ. Đây là sự lãng phí và không cần thiết. Kiến nghị này được “lắng nghe” và dự án bị ngưng ngay lại. Sau đó có thêm vài công trình nữa có giá trị đầu tư 70, 80 tỷ đồng cũng được kiểm tra lại và thu hồi đầu tư vì quá tốn kém mà hiệu quả lại thấp. Từ thực tế trên, đồng chí kết luận: “Để giám sát được tốt, phải có phương thức và cách làm cụ thể, trong đó quyền được thông tin và cơ chế giám sát có ý nghĩa quyết định đến nội dung và chất lượng giám sát của từng cấp”.

Theo đồng chí Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, “Đảng thực hiện công việc giám sát ngay trong tổ chức của mình có tính kế thừa chức năng giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội khác, nhưng lại mang một đặc thù riêng, không thể chồng chéo, lẫn lộn được. Khi thực hiện chức năng giám sát, sẽ tạo điều kiện cho UBKT và cán bộ kiểm tra các cấp thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Vấn đề còn lại là, UBKT và cấp ủy các cấp cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền để làm đúng, để thực thi quyền giám sát ngay trong mỗi đơn vị, tổ chức – thể hiện được yêu cầu nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và sớm phát hiện, hạn chế những sai phạm trong đảng viên và tổ chức Đảng”. 

PHẠM HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục