Âm vang chiến thắng Tua Hai


Trong tiến trình chiến tranh cách mạng, thắng lợi của trận tiến công căn cứ Tua Hai tháng 1-1960 đã vượt xa tầm vóc của một trận đánh, trở thành phát pháo lệnh mở đầu cho phong trào Đồng khởi ở Nam Bộ, cổ vũ quần chúng nhân dân vùng dậy đấu tranh.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại Tượng đài chiến thắng Tua Hai (xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh)
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại Tượng đài chiến thắng Tua Hai (xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh)

Đó còn là tiền đề cho những trận thắng lớn của quân và dân ta ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đã 60 năm trôi qua, cùng với thời gian ngày càng làm sáng rõ, sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Tua Hai.

“Phát pháo lệnh” mở đầu phong trào Đồng Khởi  

Sau năm 1954, Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiến hành cuộc chiến tranh một phía ngày càng ác liệt, chúng lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại đồng bào mà không cần xét xử; chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” đã đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Trong bối cảnh đó, tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã đề ra nhiệm vụ, đường lối cách mạng chung của cả nước và đường lối cách mạng miền Nam, khẳng định lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Hội nghị cán bộ quân sự miền Đông Nam bộ đã quyết định chọn căn cứ Tua Hai là mục tiêu tấn công nhằm giáng cho địch đòn bất ngờ, làm xoay chuyển tình thế phòng thủ của địch, cổ vũ phong trào Đồng Khởi trong toàn miền.

Phương án tác chiến được xác định gồm 4 mũi, trận đánh phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, bất ngờ, khai thác tối đa những sơ hở của địch, vô hiệu hóa bộ phận chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn địch, đồng thời chia cắt không cho các đơn vị địch tiếp cận với kho vũ khí của chúng bằng bất cứ giá nào; kịp thời chiếm lĩnh kho vũ khí và vận chuyển về căn cứ của ta. Tham gia trận đánh là 3 đại đội bộ binh, một đại đội đặc công, bộ đội Tây Ninh, dân quân du kích, có sự hỗ trợ mang tính quyết định của chi bộ Đảng mật trong căn cứ Tua Hai của Tỉnh ủy Tây Ninh; lực lượng dân công hỏa tuyến, tải thương, tải đạn… Chúng ta cũng cơ động, nghi binh đánh chi khu và huyện lỵ Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) để thu hút địch.

Rạng sáng 26-1-1960 (29 Tết) lệnh tiến công căn cứ Tua Hai bắt đầu với 4 mũi tiến công. Trước sức mạnh bất ngờ bằng bộc phá, lựu đạn, thủ pháo và bộ binh, địch ở vào thế hoảng loạn, không kịp đối phó và tan rã sau 3 giờ bị tấn công. Kết quả, ta tiêu diệt Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, làm tiêu hao Tiểu đoàn 3; bắt sống và giáo dục, thả tại chỗ hơn 500 tù binh, thu hơn 1.000 súng đạn các loại, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh; ta hy sinh 7 người.

Theo Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trận tiến công căn cứ Tua Hai của quân và dân Tây Ninh là “phát pháo lệnh”, đã mở đầu phong trào Đồng Khởi ở miền Nam năm 1960, đồng thời là lần tiến công quân sự lớn nhất, đầu tiên của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mở màn cho những chiến công tiếp theo

Ông Lê Văn Thành (81 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), cựu binh tham gia trận đánh Tua Hai, xúc động kể lại: “Tôi cùng nhiều đồng đội tham gia trận tiến công lúc 21 tuổi và vết thương đầu tiên mất nhiều máu nhưng không hề run sợ, được đồng đội dìu ra phía sau căn cứ chăm sóc vết thương để tiếp tục chiến đấu giành thắng lợi sau này”.  

Ông Lê Chiến Thắng (83 tuổi, ngụ ấp Phước Lập, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) cũng là cựu binh của trận đánh, cho rằng chiến thắng này đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong toàn tỉnh Tây Ninh, khởi nguồn cho phong trào thanh niên tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang lan rộng, là nguồn cung cấp quân số cho lực lượng chủ lực các tỉnh, chủ lực miền. Nhiều trận đánh gỡ đồn bốt, đánh chi viện tạo thế cho lực lượng chính trị và binh vận phát huy tác dụng, tạo thế  tiến công của các lực lượng cách mạng trên toàn miền Nam, vùng giải phóng được mở rộng, cơ sở Đảng được khôi phục, lực lượng vũ trang các địa phương được xây dựng và trưởng thành, đưa cách mạng miền Nam vượt qua thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và giữ gìn lực lượng chuyển thẳng sang thế tiến công. 

Chính vì thế, trong các nghiên cứu khoa học quân sự sau này, giới nghiên cứu đánh giá thắng lợi trận tiến công Tua Hai đã vượt ra khỏi phạm vi một trận đánh thông thường, trở thành phát pháo lệnh cho phong trào Đồng Khởi của Tây Ninh và các tỉnh Nam bộ như Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang… đẩy quân địch vào thế bị động lúng túng, mở màn cho những chiến công tiếp theo, góp phần hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo đồng chí Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh, phát huy hào khí chiến thắng Tua Hai quân và dân Tây Ninh đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng. Nhờ chú trọng các giải pháp đột phá phát triển hạ tầng giao thông, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, phát triển du lịch và công nghệ thông tin nên năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,4% so với năm 2018, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (6,8%); toàn tỉnh có 11 khu cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 833 dự án, trong đó có 314 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký hơn 6,6 tỷ USD và gần 74.000 tỷ đồng. 

Tin cùng chuyên mục