
Bên cạnh các loại tư liệu, hiện vật về văn tự Hán Nôm đã được tìm thấy như đoạn kinh, câu thơ, bài văn bằng chữ Hán, chữ Nôm được khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ cũng như được ghi trên giấy, lụa, các nhà khoa học còn tìm thấy loại văn tự này trên vũ khí, vật dụng, công cụ sản xuất, đồ gốm sứ, tiền đồng…

Bìa quyển sách Ấn chương Việt Nam.
Tuy nhiên, trong số các loại hiện vật lưu giữ các tư liệu lịch sử có một loại mang tính chất khá đặc thù, đó là các ấn chương hay còn gọi là ấn triệu (con dấu). Cuốn sách nghiên cứu mới Ấn chương Việt Nam của tác giả Nguyễn Công Việt do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện (NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 2005) đã hé mở một phần mảng đề tài đầy hấp dẫn xoay quanh các con dấu.
Tập trung vào các ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, trong đó không chỉ có các con dấu mà bao gồm cả những văn bản , văn khắc có in hình con dấu. Những con dấu đã để lại trong lịch sử những nét riêng, đó có thể là dấu của một vị quan quan trọng của triều đình nhưng cũng có thể là dấu văn kiện của một quan lại nhỏ tại địa phương. Qua các ấn chương, các văn kiện mang ấn chương, tác giả đã giúp người đọc nhìn thấy một mảng khác của lịch sử, từ đó hiểu thêm về lịch sử dân tộc.
Là một bộ môn nghiên cứu lịch sử đã được nhiều nước quan tâm từ rất lâu, ngành ấn chương học tại Việt Nam vẫn còn đang đi những bước đầu tiên. Bộ sách Ấn chương Việt Nam đang được hy vọng sẽ là khởi đầu cho bộ môn ấn chương học tại Việt Nam.
Lê Tường Vân