Trong quá trình phát triển, nhiều nước châu Á, trong đó có Ấn Độ, phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong việc đền bù cho dân để giải tỏa mặt bằng. Để trở thành một trong những nền kinh tế quan trọng của thế giới, Ấn Độ đặt trọng tâm vào phát triển cơ sở hạ tầng với nhiều dự án đường cao tốc, cảng mới và đường sắt kết nối với nhau.
Cách đây 2 năm, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ lúc đó là Kamal Nath cam kết sẽ xây trung bình 19,5 km đường cao tốc mỗi ngày. Thế nhưng, sau khi phải chuyển chức vụ này cho người khác vào tháng 1 vừa qua vì các cáo buộc tham nhũng và quản lý kém, người ta mới hiểu rằng dưới sự điều hành của Nath, trong năm 2010, mỗi ngày Ấn Độ chỉ có thêm chưa đầy 7km đường cao tốc.
Mâu thuẫn giữa những người nông dân bị giải tỏa đất và quyền lợi của các nhà đầu tư xảy ra khắp nơi ở Ấn Độ. Cho đến nay, liên minh cầm quyền tại Ấn Độ vẫn chưa thống nhất được việc bổ sung và sửa đổi luật đất đai, vốn đã có từ thời Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh năm 1894. Trên bình diện quốc gia, trong khi nhiều nơi vẫn còn lúng túng với cách điều hành và phát triển kinh tế thì tại một số bang nghèo nhất của Ấn Độ, đã có nhiều hướng đi mới. Thực tế cho thấy, nếu những bang nghèo nhất của Ấn Độ có được người lãnh đạo có tư duy cải cách, sẽ giúp cải thiện tình trạng mất cân bằng trong phát triển giữa các vùng tại Ấn Độ. Người ta cũng đã nhớ đến ngài thủ hiến bang Bihar Nithish Kumar, người đã áp dụng hiệu quả các chính sách cải thiện các dịch vụ và trấn áp các hoạt động phạm pháp.
Hay như bang Uttar Pradesh, dự án xây dựng con đường cao tốc Yamuna nối với đền Taj Mahal và thủ đô New Delhi đã gặp phản ứng dữ dội của nông dân vì theo họ, giá đền bù quá thấp. Các cuộc biểu tình của nông dân còn dẫn tới phong tỏa cả công trình, đụng độ với cảnh sát. Cuối cùng, thủ hiến bang này, bà Mayawati đã quyết định nâng thêm tiền đền bù và trợ cấp cho các nông dân bị giải tỏa đất trong vòng 30 năm. Ngoài ra, nhiều nông dân còn được có phần trong các dự án nhà ở dọc theo con đường này và cả việc làm liên quan đến dự án.
Theo ông Himanshu, nhà khoa học xã hội tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, chính sách mới về đất của bang Uttar Pradesh nhìn nhận rằng nông dân cần phương kế sinh nhai cho tương lai, chứ không phải chỉ là một khoản đền bù, vì theo ông, “đất đai của nông dân không chỉ là tài sản đơn thuần mà còn là nguồn thu nhập của họ”. Theo người phát ngôn của bang này, đây là một trong những chính sách tự do nhất của Ấn Độ. Bởi vì, không chỉ đơn giản là đền bù mà còn tính đến sự tái tạo việc làm cho nông dân vì họ đã không còn phương tiện kiếm sống.
Theo tờ New York Times, bang Uttar Pradesh với 200 triệu dân là một trong những nơi nghèo nhất thế giới, lại bị tham nhũng hoành hành. Nếu như trước đây các chỉ trích nhắm vào thủ hiến Mayawati thì nay, trước cuộc bầu cử vào năm tới, để có thể tái đắc cử, ít ra bà cũng đã biết xoay chuyển tình thế để còn biết lo cho dân. Đây cũng được đánh giá là chính sách tính bước ngoặt trong lúc luật lệ vẫn còn nhiều bó buộc ở Ấn Độ.
Thụy Vũ