Ngày 28-6, Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành vòng đàm phán thứ nhất nhằm ký kết hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự song phương, mở đường cho việc Tokyo chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ, nước đang có kế hoạch đến năm 2020 xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết 2 tập đoàn lớn của nước này là Toshiba và Hitachi sẽ xây dựng nhà máy hạt nhân cho Ấn Độ nếu như thỏa thuận được ký kết. Một trong những nội dung chính ở vòng đàm phán này là thảo luận cách thức ngăn chặn việc chuyển đổi công nghệ hạt nhân dân sự sang phục vụ mục đích quân sự.
Ấn Độ cùng với Pakistan đã bị chỉ trích gay gắt khi tiến hành thử hạt nhân trả đũa nhau vào năm 1998 và sau đó tuyên bố mình là 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong một thời gian dài, Ấn Độ bị từ chối chuyển giao công nghệ hạt nhân dân sự để xây nhà máy điện hạt nhân vì vụ thử hạt nhân năm 1998 cũng như từ chối ký kết Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, hiệp ước mà New Delhi cho rằng phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, sau đó khi New Delhi đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Mỹ và một số nước khác, các quốc gia có công nghệ hạt nhân dân sự đang chạy đua chào bán dự án nhà máy điện hạt nhân cho Ấn Độ, quốc gia đang khát điện hạt nhân hơn bao giờ hết để phục vụ tăng trưởng kinh tế đất nước.
H.NHI