An Giang quyết liệt bảo vệ tính mạng, tài sản người dân vùng sạt lở

Ngày 17-2, thông tin từ UBND tỉnh An Giang, trước tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành đã khảo sát thực tế tại các địa phương trong tỉnh, đánh giá tình hình sạt lở, tìm ra các giải pháp khắc phục căn cơ, lâu dài. Trong đó, việc đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân vùng sạt lở là ưu tiên hàng đầu. 

Theo Sở TN-MT tỉnh An Giang, sở đã tiến hành khảo sát, đo đạc thực địa, hiệu chỉnh, tính toán và phân tích số liệu nội nghiệp tổng chiều dài 169.330m đối với các tuyến sông, kênh, rạch chính như: sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn...

Kết quả, có 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm. Số đoạn cảnh báo không tăng, không thay đổi về vị trí so với quan trắc trước nhưng có xu hướng tăng về chiều dài và gia tăng về mức độ nguy hiểm; xảy ra sạt lở nhiều hơn ở các sông, kênh, rạch nhỏ. Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 5 đoạn ở mức độ bình thường.

Do đó, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần thường xuyên theo dõi, cảnh báo người dân, thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại các khu vực, đoạn cua cong; cắm biển báo cảnh báo khu vực sạt lở; có kế hoạch đề xuất nạo vét khơi thông chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở, di dời người dân khỏi nơi xung yếu... 

Năm 2019, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra 46 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 3.470m (trong đó có 4 căn nhà sụp hoàn toàn và 1 căn bị sụp một phần xuống sông), ảnh hưởng đến 146 căn nhà phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Ước thiệt hại về đất khoảng 32,68 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục