Trên thực tế, để đảm bảo an toàn trong sản xuất, nhiều DN trên địa bàn TPHCM đã chủ động có các phương án an toàn sức khỏe cho người lao động và hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Chủ động phòng dịch bệnh
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam đưa ra quyết định để nhân viên làm việc tại nhà thay cho việc hàng ngày phải đến công ty. Từ ngày 25-3, hơn 800 nhân viên Công ty Sanofi đã làm việc tại nhà. “Bảo đảm sự an toàn cho người lao động là ưu tiên hàng đầu của công ty. Hiện tại chỉ còn khoảng 500 người lao động làm việc trực tiếp ở các nhà máy, còn lại thì làm việc tại nhà. Khi làm việc ở nhà, chúng tôi đề nghị mỗi người lao động phải chọn cho mình nơi làm việc yên tĩnh, có giờ làm việc cụ thể và có sự kết nối tất cả nhân viên khác trong phòng ban.
Đặc biệt là hình thành thói quen làm việc nhóm qua Zalo, Viber để có thể tiếp cận nhanh chóng công việc được giao”, ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Sanofi, cho biết cách công ty vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa không làm gián đoạn sản xuất. Trước đó, công ty đã tổ chức một chương trình đào tạo trực tuyến làm việc hiệu quả qua online cho những nhân viên làm việc tại nhà. Riêng người lao động làm việc tại các nhà máy, Công ty Sanofi đưa ra tiêu chí nghiêm ngặt về việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn, bố trí lại khu vực ăn...
Nhằm hạn chế sự lây nhiễm dịch Covid-19, nhiều DN đã triển khai phương án phòng dịch bệnh, trong đó có sáng kiến lắp đặt vách ngăn tại bàn ăn và khu vực tập trung đông người. Hơn 2 tuần qua, người lao động Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, quận 9) cảm thấy an tâm khi ăn bữa cơm giữa ca tại bàn có vách ngăn. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết việc lắp đặt vách ngăn tại bàn ăn là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe người lao động trong mùa dịch bệnh. Theo đó, vách ngăn được làm bằng mica trong và được lắp đặt hợp lý tạo khoảng không rộng cho mỗi người khi ngồi ăn. Tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, người lao động cũng rất hài lòng và an tâm khi các bàn tại nhà ăn được thiết kế vách ngăn. Vách ngăn được sử dụng bằng khung kính giúp dễ vệ sinh và mọi người có thể nhìn thấy nhau để tạo sự gần gũi. Ngoài ra, khu vực xếp hàng lấy đồ ăn cũng được chia vạch an toàn để đảm bảo khoảng cách theo quy định.
Mời bác sĩ đến công ty khám bệnh
Trong công tác ứng phó, khắc phục tác động của dịch Covid-19, nhiều DN còn thành lập đội phản ứng nhanh để tăng cường kiểm tra mức độ an toàn cho người lao động.
Bên cạnh làm vách ngăn tại bàn ăn, bố trí cho nhân viên văn phòng làm việc tại nhà, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi) cũng thực hiện việc bắt buộc người lao động khai báo y tế hàng ngày qua online. Với nhân viên trực tiếp sản xuất tại nhà máy, công ty bắt buộc 100% phải đeo khẩu trang và thực hiện đo thân nhiệt hàng ngày từ cổng vào. Khi xếp hàng đo thân nhiệt hay lấy thức ăn tại nhà ăn, người lao động đều giữ giãn cách 2m. Để đảm bảo an toàn cho người lao động, các xe đưa đón nhân viên đến nhà máy cũng giảm 50% số người so với trước đây.
Những ngày qua, người lao động Công ty cổ phần In số 7 (Khu công nghiệp Tân Tạo) cảm thấy an tâm khi đến xưởng làm việc, bởi công ty thực hiện rất nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngoài tiến hành họp online, tăng chi phí bữa ăn trưa để thêm dinh dưỡng cho người lao động, giãn cách giờ ăn trưa để hạn chế tụ tập đông người, bố trí công việc hợp lý tại mọi vị trí để giữ khoảng cách theo quy định, thì công ty còn mời bác sĩ đến để khám và tư vấn sức khỏe cho người lao động (mỗi tuần 3 ngày, mỗi ngày 2 tiếng). “Khi có thắc mắc về tình trạng sức khỏe của mình, người lao động có thể trực tiếp đến gặp bác sĩ để được khám sàng lọc, tư vấn cách điều trị. Phía công ty sẽ hỗ trợ chi phí. Đây là cách công ty chăm lo cũng như ổn định tâm lý người lao động khi phải đến xưởng làm việc trong lúc có dịch bệnh”, ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty In số 7, chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, cho biết hiện có hơn 640 DN đang hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19. Hiện nay, chỉ những DN có chỉ số rủi ro lây nhiễm thấp, an toàn mới được sản xuất. Theo đó, chưa có DN nào tự đánh giá mức độ rủi ro trên 50%. Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM đã thành lập đoàn để kiểm tra, đánh giá lại. “Đến nay, hầu hết DN đều thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, làm vách ngăn bàn ăn, giữ khoảng cách khi ăn và làm việc. Đối với ca làm việc ban đêm, phải có bộ phận giám sát chặt chẽ công tác phòng dịch”, ông Tuấn chia sẻ. |