Ảnh hưởng của núi lửa ở Iceland: Tranh cãi quanh lệnh cấm bay

Ngày 19-4, giới chức hàng không Anh tuyên bố vẫn duy trì lệnh cấm bay cho đến ít nhất là 0 giờ ngày 20-4 sau khi các cảnh báo tro bụi từ núi lửa tại sông băng Eyjafjallajokull ở Iceland vẫn còn nguy cơ đe dọa an toàn bay trên không phận nước Anh.
Ảnh hưởng của núi lửa ở Iceland: Tranh cãi quanh lệnh cấm bay

* Các chuyến bay thử nghiệm an toàn

Ngày 19-4, giới chức hàng không Anh tuyên bố vẫn duy trì lệnh cấm bay cho đến ít nhất là 0 giờ ngày 20-4 sau khi các cảnh báo tro bụi từ núi lửa tại sông băng Eyjafjallajokull ở Iceland vẫn còn nguy cơ đe dọa an toàn bay trên không phận nước Anh.

Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết sẽ điều các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia băng qua kênh đào eo biển Manche đến các vùng biển nước ngoài để đưa về nước những công dân của nước này còn mắc kẹt ở đó.

Hành khách bị hoãn chuyến bay tại một sân bay ở New York (Mỹ).

Hành khách bị hoãn chuyến bay tại một sân bay ở New York (Mỹ).

Tuyên bố của giới chức hàng không Anh được đưa ra trong bối cảnh bộ trưởng giao thông của các nước trong khu vực cùng ngày tiến hành một cuộc họp trực tuyến để bàn giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng hàng không hiện nay. Trong khi đó, Hiệp hội các hãng hàng không châu Âu đề nghị các chính phủ đánh giá lại ngay lập tức lệnh hạn chế bay trong bối cảnh lệnh trên gần như biến không phận châu Âu thành “vùng cấm bay”.

Hiệp hội cho biết lệnh hạn chế bay này đang tàn phá ngành công nghiệp hàng không thế giới và khiến dư luận nghi ngờ tính thỏa đáng của quyết định hạn chế bay. Tổ chức đại diện cho 30 hãng hàng không lớn của châu Âu đề nghị cho phép các hãng hàng không tự quyết định tái khởi động những tuyến bay không nguy hiểm vì một số hãng đang có nguy cơ phá sản vì lệnh trên, và đây cũng là nhu cầu của hành khách.

Họ gia tăng áp lực lên chính phủ sau khi kết quả sơ bộ của các chuyến bay thử nghiệm do Hà Lan và Áo vừa tiến hành cho thấy ảnh hưởng của tro bụi tới hoạt động của máy bay không thực sự nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, ảnh hưởng của tro bụi từ núi lửa Eyjafjallajokull đối với các hoạt động không lưu còn kéo dài trong ít nhất một tuần nữa. Các chuyến bay thử nghiệm vừa tiến hành an toàn, song điều đó không có nghĩa là các chuyến bay bình thường có thể được nối lại ngay lập tức. Cơ quan Khí tượng Anh cho rằng bụi tro núi lửa chứa bột đá và thủy tinh khi lọt vào động cơ máy bay có thể khiến động cơ ngừng hoạt động.

Ngoài ra, bụi tro có thể khiến hành khách khó thở và làm hư hại hệ thống điều khiển điện tử trên máy bay.

Bất chấp những quan ngại về mức độ an toàn của các chuyến bay, ngày 19-4, một số sân bay ở châu Âu bắt đầu mở cửa lại, chuẩn bị cho một số chuyến bay có giới hạn. Trước đó Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố nếu dự báo thời tiết xác định bầu trời châu Âu quang đãng, giao thông hàng không của lục địa này có thể nối lại khoảng 50% các chuyến bay.

Tại Áo, chính quyền nước này đã mở cửa không phận bay, mặc dù các chuyến bay vẫn chưa được nối lại. Phần Lan cũng mở cửa sân bay Tampere và Turku nhưng vẫn đóng cửa sân bay Helsinki. Chính phủ các nước Anh, Đức và Hà Lan tuyên bố vẫn đóng cửa không phận.

Theo thống kê của Hội đồng các sân bay quốc tế, trong 4 ngày qua (từ 15 đến 18-4) đã có khoảng 63.000 chuyến bay tại châu Âu bị hủy bỏ, trong đó riêng ngày 18-4 có tới 20.000 chuyến.

Trong khi đó, các nhà địa chất Iceland dự báo đợt phun trào này có thể chấm dứt trong vòng vài giờ hoặc vài ngày tới. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo núi lửa Katla gần đó cũng đang có dấu hiệu phun trào. Đây là một trong hai núi lửa hoạt động tích cực nhất ở Iceland với 17 lần phun trào kể từ năm 1000 sau Công nguyên.

X.Hạnh

Tin cùng chuyên mục