Anh tìm đồng minh ngăn cản ảnh hưởng của Nga

Ngày 21-12, Anh và Ba Lan đã ký kết Hiệp ước Quốc phòng mới trong bối cảnh mối quan hệ giữa Anh và Nga đang rạn nứt và London đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Warsaw trước khi chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3-2019.
Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 21-12, tại Ba Lan
Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 21-12, tại Ba Lan

Hiệp ước được ký kết chỉ một ngày trước khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tới Mátxcơva.

Dấu mốc quan trọng giữa Anh - Ba Lan

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 21-12, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, hiệp ước mới là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng vốn đã rất được chú trọng giữa hai quốc gia. Đây là hiệp ước thứ hai mà Chính phủ Anh ký kết với một quốc gia thành viên EU, sau khi ký hiệp ước với Pháp, và là bằng chứng rõ ràng nhất thể hiện mối gắn kết giữa hai nước.

Hiệp ước mới quy định các lĩnh vực hợp tác gồm đào tạo, chia sẻ thông tin và quốc phòng giữa hai quốc gia đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí sẽ đẩy mạnh hợp tác nhằm ứng phó với những thách thức an ninh thông tin mới nảy sinh trong khu vực thông qua các chiến dịch thông tin chiến lược chung. Theo BBC, Thủ tướng May cũng công bố viện trợ một khoản tiền 5 triệu bảng Anh cho kế hoạch chung Anh - Ba Lan nhằm chống lại “nhiễu loạn thông tin và tin tức” của Nga trong khu vực.

Cũng trong dịp này, Thủ tướng May đã công bố thành lập Hội đồng Kinh tế Anh - Ba Lan. Đây là diễn đàn để hai bên giải quyết các rào cản thương mại song phương còn tồn tại trong khi Anh chuẩn bị rời EU. Đây cũng là thể chế kinh tế chung đầu tiên mà Anh thiết lập tại châu Âu.

Thủ tướng Anh bày tỏ mong muốn đảm bảo hơn một triệu công dân Ba Lan được ở lại Anh sau khi nước này rời EU. Bên cạnh đó, bà May cũng cho rằng các vấn đề hiến pháp trước hết cần phải là một vấn đề của riêng các nước. Đây là phản ứng của Thủ tướng Anh về việc EU có hành động phản đối Ba Lan do những cải cách hiến pháp của Warsaw.

Những rạn nứt với Mátxcơva

Quan hệ giữa Anh và Nga trở nên căng thẳng sau khi London hưởng ứng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Mối quan hệ tiếp tục bị phủ bóng đen do lập trường đối lập của hai bên trong cuộc xung đột ở Syria, đặc biệt sau khi Nga đưa quân hỗ trợ quân đội Syria theo yêu cầu của chính quyền Damacus năm 2015.

Ông Johnson là Ngoại trưởng Anh đầu tiên thăm Nga trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, theo kế hoạch, ông Johnson sẽ không có cuộc gặp nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo giới quan sát, Hiệp ước Quốc phòng vừa ký kết với Ba Lan như một lời cảnh báo mà London muốn gửi đến Mátxcơva trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh.

Trước đó, trong báo cáo thường niên 2016 - 2017 được công bố hôm 20-12, Cơ quan Tình báo Nội địa (MI5), Cơ quan Tình báo mật (SIS) và Trụ sở Thông tin liên lạc Chính phủ (GCHQ - cơ quan tình báo điện tử) đã nhấn mạnh, Nga là một trong những nước gây quan ngại cho họ.

Bộ 3 cơ quan tình báo của nước này đã coi Nga là mối đe dọa an ninh lớn, song nhất trí cần duy trì những giới hạn liên lạc với Mátxcơva (được áp dụng tại Anh sau cái chết của cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko hồi năm 2016). Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng Anh và Nga có nhiều lĩnh vực tình báo và lợi ích an ninh chung, nhất là trong vấn đề chống khủng bố tại Syria.

Trả lời phỏng vấn trong chuyến thăm tới Ba Lan ngày 21-12, Thủ tướng May cho biết nước này và Ba Lan quan ngại về các nỗ lực của Nga nhằm vũ trang hóa thông tin. Theo giới quan sát, hiện chưa rõ quan hệ đồng minh quân sự mới của Anh và Ba Lan, hai nước đều là thành viên trong NATO, sẽ được triển khai cụ thể ra sao.

Tuy nhiên, hiệp ước quân sự giữa hai nước này là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga trong bối cảnh Anh và Ba Lan đều rất tích cực trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Nga đối với các nước thành viên vùng Baltic trong khối quân sự NATO.

Tin cùng chuyên mục