“Tăng lực” cho quá trình hội nhập

ANZ trở thành cổ đông chiến lược của Sacombank

ANZ trở thành cổ đông chiến lược của Sacombank

Ngày 8-8-2005, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã công bố: Ngân hàng Úc và Newzeland (ANZ) là cổ đông chiến lược của Sacombank sau khi ký kết hợp đồng đầu tư vốn cổ phần. Theo đó ANZ sẽ nắm giữ 10% vốn cổ phần của Sacombank với tổng đầu tư khoảng 27 triệu USD.

Như vậy với khoản đầu tư của ANZ, vốn điều lệ của Sacombank tăng lên 1.250 tỷ đồng. Dịp này, phóng viên báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank.

- PV:
- Thưa ông, tiêu chí nào trong việc lựa chọn cổ đông chiến lược của Sacombank?

- Ông ĐẶNG VĂN THÀNH: Trong định hướng chiến lược của Sacombank về giải pháp phát triển năng lực tài chính từ cổ đông nước ngoài, nhà nước cho phép tỷ lệ tham gia cổ phần của nước ngoài là 30% thì trước đó Sacombank đã kêu gọi đầu tư gần 20% từ hai quỹ: Công ty Tài chính quốc tế (IFC- sở hữu 8%) và Công ty Tài chính Dragon Capital của Anh (9%).

ANZ trở thành cổ đông chiến lược của Sacombank ảnh 1

Ông Đặng Văn Thành.

Năm 2005 Sacombank quyết định chọn một đối tác chiến lược phù hợp là một ngân hàng nước ngoài nhằm tận dụng ưu thế đôi bên để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thực tế cho thấy một ngân hàng nội địa muốn tìm hiểu, nghiên cứu rút kinh nghiệm về công tác quản lý, điều hành… của các ngân hàng nước ngoài thì ít nhất cũng phải mất 5 năm.

Ngược lại các ngân hàng nước ngoài cũng phải mất 5 năm để đưa ra chiến lược kinh doanh ở thị trường nội địa. Vì vậy vào thời điểm này nếu ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài hợp tác với nhau thì “đi tắt đón đầu” 10 năm.

Chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ của các ngân hàng nước ngoài trong tiến trình chuẩn hóa hoạt động ngân hàng.

Đã có 4 ngân hàng nước ngoài muốn đầu tư vào Sacombank nhưng qua quá trình đàm phán chúng tôi chọn ANZ mặc dù ANZ trả giá thấp hơn 2 ngân hàng khác. Tiêu chí của Sacombank là sự quan tâm của ANZ về nền kinh tế và ngành ngân hàng Việt Nam.

Tiếp đó là giữa Sacombank và ANZ đã có đồng quan điểm về chiến lược phát triển. Hiện chương trình hỗ trợ kỹ thuật của ANZ rất phù hợp với Sacombank và thực tế ANZ đã từng có 3 năm liên kết với Sacombank trong lĩnh vực thẻ.

- Về chương trình hỗ trợ kỹ thuật, ANZ sẽ giúp gì cho Sacombank và ngược lại?

ANZ trở thành cổ đông chiến lược của Sacombank ảnh 2

Hoạt động giao dịch tại Sacombank.

- ANZ sẽ hỗ trợ cho Sacombank trong các lĩnh vực: đào tạo miễn phí nguồn nhân lực, dịch vụ ngân hàng bán lẻ (đặc biệt là dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ), quản trị rủi ro và kinh nghiệm trong công tác quản trị điều hành.

Ngay sau lễ ký kết, từ ngày 12 đến 24 - 8 Sacombank sẽ cử một đoàn công tác sang Úc để tiếp nhận ngay chương trình hỗ trợ kỹ thuật. Đồng thời ANZ cũng sẽ cử 3 chuyên gia thường trú tại Sacombank để hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ.

Quan hệ hợp tác giữa ANZ và Sacombank sẽ tạo ra một cơ hội phát triển mới cho cả hai bên dựa trên nền tảng kênh phân phối rộng khắp của Sacombank và khả năng của ANZ trong lĩnh vực quản trị rủi ro, các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và công nghệ.

- Thêm cổ đông nước ngoài, Sacombank có bị áp lực trong công tác điều hành và Sacombank đã chuẩn bị việc này như thế nào?

- Chúng tôi đã từng có 2 cổ đông nước ngoài nên có kinh nghiệm trong quản trị điều hành. Điều khoản trong hợp đồng rất rõ và quan điểm hai bên không cách xa lắm. Mục đích cuối cùng vẫn là đưa hoạt động của Sacombank mang tính chất bền vững, chuẩn hóa và phù hợp thông lệ quốc tế.

Việc có một thành viên có tỷ trọng vốn lớn như ANZ vào hội đồng quản trị ngân hàng là một thuận lợi lớn và Sacombank rất trân trọng điều này. Nó không là áp lực mà là cộng lực cho ngân hàng.

- Chiến lược của Sacom-bank trong thời gian tới là gì?

- Trước tiên chúng tôi căn cứ vào những thuận lợi hiện tại cộng với chương trình hỗ trợ kỹ thuật của ANZ để đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ và dịch vụ ngân hàng mới. Trong hoạt động kinh doanh, chúng tôi sẽ chuyển mạnh, dành 60% trên tổng dư nợ để phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sacombank sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động, chú trọng đặc biệt đến việc phát triển sản phẩm thẻ và các dịch vụ liên quan. Hiện nay Sacombank đã đầu tư 4 triệu USD cho việc ứng dụng hệ thống corebanking. Đây là chương trình IT hiện đại nhất, quản lý tất cả mọi hoạt động của Sacombank trong toàn hệ thống.

Chúng tôi dự tính vào năm 2008 Sacombank có mặt ở Campuchia, Lào và Trung Quốc và năm 2010 có mặt tại thị trường Mỹ. Năm 2006 sẽ là bước chuẩn bị đầu tiên, thăm dò thị trường và chắc chắn ANZ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho Sacombank trong việc thành lập đề án, khảo sát thị trường… khi mở văn phòng đại diện hay chi nhánh tại nước ngoài.

- Xin cảm ơn ông. 

THANH - NGHI

Tin cùng chuyên mục