Áp lực học tập và những hệ lụy ở trẻ

Hội chứng sợ đến trường
Áp lực học tập và những hệ lụy ở trẻ

Trẻ kêu khóc, than đau bụng hay nhức đầu mỗi buổi sáng trước khi đi học, có thể xuất phát từ một vấn đề nào đó ở trường. Đa phần phụ huynh thường phớt lờ trước những phản kháng này. Một số trường hợp trẻ sẽ tự vượt qua được. Hoặc chúng sẽ trở thành những rối loạn tâm lý nghiêm trọng và hậu quả vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Áp lực học tập đè nặng lên tâm lý học sinh

Hội chứng sợ đến trường

Chị Nguyễn Thị Minh Thu (đường Nguyễn Văn Săng, quận Tân Phú, TPHCM) từng đưa con đi bác sĩ vì cháu liên tục kêu đau bụng, thậm chí nôn ói mỗi sáng trước khi đến trường. Ngoài ngày đầu tiên có mẹ ngồi ở lớp, những ngày sau cháu đều khóc bảo không muốn đi học. Càng về sau càng có thêm lý do như đau bụng, chóng mặt để xin nghỉ ở nhà. Chị chia sẻ: “Ở nhà cháu không phải đứa trẻ quá nhút nhát nên tôi cứ nghĩ do con lười không muốn đi học. Về sau, nghe cô giáo bảo bé thường nôn ói vào buổi sáng lúc vừa đến trường, tôi đưa con đi kiểm tra thì không phát hiện thấy bất thường gì về sức khỏe, trước khi đi học và ở nhà cũng không thấy xuất hiện hiện tượng này. Bác sĩ đề nghị chuyển cháu sang chuyên khoa điều trị tâm lý. Lúc đầu tôi cũng hơi khó chịu vì nghĩ con mình làm gì có vấn đề về tâm lý. Nhưng khi gặp bác sĩ, cháu đã chịu chia sẻ lý do tại sao không muốn đi học, điều mà bố mẹ có hỏi bao nhiêu lần cháu cũng không nói. Cũng vì con tôi trước khi vào học mẫu giáo, chủ yếu sống dưới quê với ông bà, khoảng cách giữa cháu với bố mẹ khá xa so với các trẻ khác, cộng thêm thay đổi môi trường sống và ở trường hay bị bạn bắt nạt, từng ấy đã tạo thành áp lực, khiến cháu phản ứng với việc đi học”.

Theo Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân, áp lực trong học tập, thi cử và sự kỳ vọng quá lớn từ bố mẹ, những mối quan hệ trong và ngoài nhà trường đều là những nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn tâm lý ở trẻ. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, trẻ sẽ gặp những vấn đề mà ở giai đoạn đó chúng cho rằng lớn lao, không thể vượt qua được và nếu phụ huynh không kịp thời phát hiện, những tổn thương tâm lý sẽ trở nên nghiêm trọng. Thạc sĩ Vũ Cẩm Vân cho biết: “Tôi từng gặp nhiều trường hợp trẻ bỏ nhà ra đi vì không được học sinh giỏi, làm mất tiền quỹ lớp, thậm chí bị bạn dọa nạt. Khi được hỏi vì sao không cầu cứu thầy cô, cha mẹ giúp đỡ, nhiều trẻ cho rằng nếu biết người lớn sẽ la mắng, trách phạt thêm, vì thế trẻ chọn cách nói dối hoặc trốn tránh”.

Đừng xem thường rối loạn tâm lý

Ở nước ta, hiểu biết của xã hội về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh còn nhiều hạn chế. Theo bác sĩ Thái Thanh Thủy, Khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhi đồng 2), đối với trẻ dưới 3 tuổi, rối loạn ngôn ngữ là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất. Ngoài ra, trẻ quá hiếu động, quấy đêm, chán ăn hoặc không biết nhai, thường cắn móng tay, tự nhổ tóc, sợ cả những vật bình thường... cũng là những triệu chứng rối loạn tâm lý. Không loại trừ trường hợp trẻ quá ngoan, ít khóc; khi người lớn trò chuyện không nhìn vào mắt, không có phản ứng, gương mặt không biểu cảm hay khi giao tiếp chỉ dùng tay (thường nhất là ngón trỏ), cũng có nguy cơ tâm lý không phát triển bình thường. Đa số cha mẹ thường nghĩ đó là những hành vi rất bình thường ở trẻ nhỏ nên lơ là với việc điều trị. Hoặc đối với trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, các bậc cha mẹ cũng chỉ nghĩ do trẻ chậm nói và chờ đến lúc trẻ biết nói, do đó trẻ không được điều trị kịp thời và nếu không được điều trị thì 50% trẻ sẽ bị chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển tâm thần vận động, thậm chí mắc những bệnh tâm thần nặng hơn. Trẻ em nam có nguy cơ bị rối loạn tâm lý cao gấp 3-4 lần trẻ nữ.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Xuân Điệp, ở độ tuổi 10-16, có đến 19,46% học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Rối loạn tâm lý cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử. Những lý do khiến trẻ tìm đến cái chết có thể với chúng ta là chuyện vặt, nhưng đối với trẻ là cả một bờ vực khủng khiếp. Nhiều người cho rằng, việc áp lực học tập khiến trẻ hóa rồ vì “quá tải”. Tuy nhiên, việc thiếu kỹ năng sống và liên kết của gia đình là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những tổn thương tâm lý nặng nề. Từ những rối loạn tâm lý trẻ sẽ có những phán ứng và các xử lý lệch lạc, khiến vấn đề trở nên khó kiểm soát. Thêm vào đó, đa phần trẻ thường có xu hướng tìm đến sự giúp đỡ từ bạn bè hoặc người ngoài, thay vì gia đình hay thầy cô giáo.

Bên cạnh việc cân bằng giữa việc học và các hoạt động khác, giữa kỳ vọng của phụ huynh và khả năng của con trẻ, phụ huynh hãy liên lạc thường xuyên với thầy cô chủ nhiệm để biết thêm về tình hình học tập và những hành vi của con ở trường. Bên cạnh đó, ở nhà nên dành thời gian trò chuyện, chủ động chia sẻ với con, để khi trẻ gặp bất cứ vấn đề gì, gia đình vẫn là nơi trẻ nghĩ đến đầu tiên khi cần đến sự giúp đỡ.

Như Ý

Tin cùng chuyên mục