Vừa qua, vụ việc bé gái 4 tuổi ở Đắk Lắk bị 3 bạn học cùng lớp xông vào đánh, cào cấu đến rách mặt, dùng chân đạp vào bụng và ấn đầu vô tường khiến em hoảng loạn, không dám đến trường đã khiến cộng đồng giật mình về thái độ thờ ơ cũng như công tác quản lý lỏng lẻo của các cô giáo ở Trường Mẫu giáo Hoa Ly (xã DliêYa, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk).
Bởi theo tường trình của những người có trách nhiệm, do trong lúc đang quản lớp, cô giáo chủ nhiệm bỏ lên văn phòng nộp hồ sơ nên không có mặt kịp thời can ngăn vụ việc. Giải thích này sẽ được cho là hợp lý nếu ở các bậc học lớn hơn, học sinh đã có đủ khả năng tự bảo vệ hoặc trốn chạy trước hành động xấu. Song đáng nói ở đây là vụ việc xảy ra ở một trường mẫu giáo, nơi chỉ cần giáo viên có một chút sơ sẩy cũng đủ ảnh hưởng đến an toàn, thậm chí tính mạng học sinh.
Nhưng không phải chờ đến khi vụ việc xảy ra, nhiều phụ huynh có con đang học mẫu giáo đã bày tỏ lo lắng trước những sơ suất đang diễn ra hàng ngày tại các trường mầm non. Chị Nguyễn Tâm, phụ huynh có con đang học một trường mầm non tư thục ở quận Gò Vấp, cho biết lớp con chị học chỉ có 16 học sinh, 3 cô chăm sóc, như vậy trung bình mỗi cô đảm nhiệm 5 trẻ. Tuy từ đầu năm học đến nay chưa xảy ra sự cố gì đáng tiếc, nhưng điều khiến chị lo lắng là mỗi khi con bệnh, dù ở nhà bé sụt sịt, biếng ăn, đêm ngủ ho rất nhiều nhưng mỗi chiều đón con ở trường, cô giáo đều tươi cười thông báo con chị rất khỏe mạnh, ăn hết một bát cơm to. Bé bị té trầy chân chảy máu trong giờ ra chơi buổi sáng, đến chiều mẹ đón chỗ té vẫn còn nguyên bùn đất vì cô không biết để dẫn bé đi rửa vết thương. Khi giặt đồ cho con, chị thấy quần áo vẫn lấm lem nước mũi, hỏi con vì sao chảy mũi không nhờ cô lau giúp thì cậu con trai 3 tuổi hồn nhiên trả lời: “Vì cô bận trang điểm nên con không dám gọi”.
Trường tư thục sĩ số ít đã vậy, đối với trường công lập, sĩ số thường dao động trong khoản 40 - 55 học sinh/lớp với 2 cô giáo, chỉ cần một phút lơ đễnh, nguy cơ các bé bị té, bị bạn học đánh rất dễ xảy ra. Ngay một số biểu hiện nhỏ nhặt của cô như mang giày cao gót, đến lớp với đôi mắt thâm quầng hoặc húng hắng ho, phụ huynh lo lắm nhưng vẫn phải “bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên tâm lý “chạy đua quà tặng” cho các cô nhân các dịp lễ, tết của phụ huynh, với hy vọng con mình được cô để mắt nhiều hơn một chút, bớt nguy cơ không an toàn.
Rất nhiều người đã nói nghề giáo viên mầm non có những đặc tính và yêu cầu rất khác so với giáo viên ở các bậc học khác. Bởi chỉ cần một chút vô ý, học sinh có thể phải trả giá đắt. Nếu không đến lớp với tình yêu thương thật sự, lòng kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm, giáo viên sẽ không thể làm tốt công việc của mình. Điều này cũng lý giải vì sao đây là bậc học có mối quan hệ giáo viên - phụ huynh chặt chẽ nhất, nhưng cũng là bậc học xảy ra nhiều sự việc đau lòng, những tâm sự “không biết tỏ cùng ai” của phụ huynh nhất.
Để khắc phục tình trạng đó, rất mong những người đang hoặc sẽ dấn thân vào con đường này đến với nghề bằng cái tâm trong sáng, đừng vì một số lợi ích nhất thời làm vấy bẩn môi trường vốn hồn nhiên, trong sáng. Xin đừng đổ lỗi cho áp lực, vất vả, bởi không có việc nào không đòi hỏi áp lực. Chỉ là, khi trách nhiệm song hành cùng yêu thương, lo lắng, cố gắng càng phải nhiều hơn...
THANH THU