ASEAN sẵn sàng giải quyết vấn đề giá lương thực tăng cao

ASEAN sẵn sàng giải quyết vấn đề giá lương thực tăng cao
  • Myanmar đồng ý tham gia nhóm nước xuất khẩu gạo

Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan vừa cho biết ASEAN sẵn sàng giải quyết vấn đề giá lương thực tăng cao bằng cách thực hiện một số biện pháp, trong đó có việc tăng cường cơ chế an ninh lương thực hiện nay.

ASEAN sẵn sàng giải quyết vấn đề giá lương thực tăng cao ảnh 1

Thu hoạch lúa ở miền Trung Thái Lan.

Ông Pitsuwan cam kết ngoài việc giải quyết vấn đề giá lương thực tăng cao, ASEAN còn đảm bảo nguồn cung lúa gạo thỏa đáng trong thời gian dài để ngăn ngừa bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với các nền kinh tế trong khối này. Số liệu của Hệ thống Thông tin an ninh lương thực ASEAN (AFSIS) cho thấy tổng sản lượng lúa của ASEAN đã tăng đều đặn từ 120,7 triệu tấn năm 1993 lên 178,8 triệu tấn năm 2006, đủ cung cấp lương thực cho người dân của khối này cũng như nhân dân trên thế giới.

Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej ngày 30-4 cho biết nước này đồng ý trên nguyên tắc thành lập nhóm nước sản xuất lúa gạo kiểu như khối OPEC về dầu gồm Myanmar, Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Thủ tướng Thái Lan đã mời Myanmar tham gia khối này nhân dịp Thủ tướng Myanmar Thein Sein thăm Thái Lan mặc dù Myanmar hiện không phải là nước xuất khẩu gạo. Myanmar đã đồng ý lời mời. Trước đó, các nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã đồng ý tham gia nhóm này.

Nhóm nước xuất khẩu gạo có nhiệm vụ điều tiết giá gạo trên toàn thế giới trước tình hình giá lương thực thế giới tăng mạnh. Thái Lan và Việt Nam là hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Năm 2007, Thái Lan xuất khẩu 9,5 triệu tấn và cho biết sẽ không cắt giảm sản lượng gạo xuất khẩu trong năm nay. Tuy nhiên, gần đây, nước này đã phải mở cửa kho lương thực để xuất thêm 2,1 triệu tấn nhằm giảm bớt căng thẳng về lương thực trong nước.

Trong khi đó, đối phó với tình hình giá gạo không ngừng tăng cao, Tổng thống Philippines Gloria Arroyo vừa đưa ra lời kêu gọi người dân nước này hãy sử dụng thêm khoai và các loại ngũ cốc khác làm lương thực. Philippines là một trong các quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Hiện người dân trên đảo Cebu, miền Trung, đã bắt đầu dùng khoai lang để giúp kéo dài nguồn gạo dự trữ. Đây cũng là cách Philippines đã từng làm trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II để duy trì nguồn gạo dự trữ. Chính phủ cũng đang tính đến việc cấp “thẻ mua gạo” cho người nghèo để có thể mua được gạo ưu đãi của chính phủ.

Ch.H. – Km. (Theo AFP)

Tại Mỹ, ngày 30-4, Đại sứ nước ta tại Mỹ Lê Công Phụng, Chủ tịch đương nhiệm nhóm Đại sứ các nước ASEAN tại thủ đô

Washington, đã chủ trì cuộc họp thường kỳ để trao đổi tình hình hoạt động đối ngoại cũng như một số hoạt động của nhóm các nước ASEAN tại Mỹ. Tại cuộc họp này, đại sứ các nước ASEAN đã nhất trí rằng các thành viên ASEAN nên tiếp tục tăng cường các mối quan hệ hợp tác để xây dựng khối mạnh hơn cả về kinh tế, chính trị và nâng cao vai trò của khối trên trường quốc tế. Đại sứ một số nước đề nghị các quốc gia xuất khẩu gạo như Việt Nam và Thái Lan nên có những ưu tiên cho các nước trong khối có nhu cầu nhập khẩu gạo nhằm thể hiện tình đoàn kết trong khối cũng như giúp các nước đó vượt qua nguy cơ khủng hoảng lương thực.

H.Q. (Theo CNA, TTXVN)

Tin cùng chuyên mục