ASEAN tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19

Mặc dù nền kinh tế của các nước thành viên ASEAN đang sụt giảm vì dịch Covid-19 song cùng với nhiều nước trên thế giới, các nước trong khối đang tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đặt mục tiêu về đích sớm

Singapore, nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN, là một trong những nước đầu tiên trong khối bắt đầu chương trình tiêm phòng Covid-19 vào cuối tháng 12-2020 và dự kiến cũng là nước đầu tiên có đủ vaccine cho toàn bộ người dân trước tháng 9-2021.

Chính phủ Malaysia thông báo sẽ hoàn tất chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 vào tháng 2-2022 với 80% trong tổng dân số 32 triệu người được tiêm phòng. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Muhyiddin Yassin nêu rõ, trong giai đoạn đầu từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, Malaysia sẽ tiêm phòng cho 500.000 nhân viên làm việc ở tuyến đầu, tiếp đó khoảng 9,4 triệu người có nguy cơ cao sẽ được tiêm phòng từ tháng 4 đến tháng 8. Trong giai đoạn 3 và giai đoạn cuối cùng kéo dài đến tháng 2-2022, sẽ có hơn 16 triệu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng. 

Tại Thái Lan, mặc dù đạt thỏa thuận nhập 2 triệu liều vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) trước tháng 4-2021 cho nhân viên y tế, nước này hiện phải trông chờ vào phiên bản vaccine AstraZeneca-Oxford (Anh) được sản xuất trong nước để triển khai chương trình tiêm chủng diện rộng. Thái Lan đã đặt mua thêm 35 triệu liều vaccine từ AstraZeneca, song vẫn chưa ký hợp đồng với hãng. Chiến lược tiêm phòng của Thái Lan hiện phụ thuộc phần lớn vào nhà sản xuất nội địa Siam Bioscience. 

ASEAN tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 ảnh 1 Nhân viên y tế Singapore được tiêm vaccine ngừa Covid-19

Từ giữa tháng 1, Indonesia đã chính thức triển khai giai đoạn 1 của chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí phòng Covid-19 cho các nhân viên y tế và công chức với 3 triệu liều vaccine CoronaVac do hãng Sinovac cung cấp. Số liệu cập nhật của Chính phủ Indonesia cho thấy, đã có gần 800.000 người được tiêm mũi đầu tiên. Theo giới chức nước này, 25 triệu liều vaccine khác dự kiến sẽ được sản xuất vào cuối tháng 3 tới với các nguyên liệu do Sinovac cung cấp. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 trong tổng số 270 triệu người trong vòng 15 tháng.

Theo The ASEAN Post, Philippines đang đàm phán để mua 178 triệu liều vaccine, đủ để tiêm chủng cho 92 triệu người. 

Viện trợ vaccine

Quốc gia có dân số ít nhất ASEAN là Brunei hiện đang nghiên cứu mua nhiều loại vaccine khác nhau, bao gồm cả những loại vaccine từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và “chưa từ chối bất kỳ loại vaccine nào” như lời ông Mohd Isham, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Trong khi đó, Lào cho đến nay thông báo chỉ có 45 ca nhiễm Covid-19 và đã tiêm vaccine cho nhóm cán bộ tuyến đầu với liều đầu tiên vào cuối tháng 11 và mũi thứ hai vào ngày 22-12. Chương trình tiêm chủng được đưa ra sau khi Trung Quốc cung cấp 2.000 liều vaccine Sinopharm. Nga cũng đã cung cấp cho nước này 500 liều vaccine Sputnik V. Myanmar cũng đã khởi động chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 trên khắp đất nước vào ngày 27-1. Chương trình bắt đầu với các nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu của đất nước.

Tại Campuchia, trang thông tin Fresh News của nước này đưa tin, 600.000 liều vaccine Covid-19 do Trung Quốc viện trợ đã được chuyển đến Campuchia ngày 7-2. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ cung cấp 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho Campuchia. Trong giai đoạn đầu, 300.000 liều sẽ được bàn giao cho Bộ Y tế và 300.000 liều còn lại bàn giao cho Bộ Quốc phòng. Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo, quốc gia này sẽ triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 từ ngày 10-2 sau khi tiếp nhận lô vaccine đầu tiên của hãng Sinopharm (Trung Quốc).

Tuần trước, AstraZeneca đã ký một thỏa thuận cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine trong nửa đầu năm nay để tiêm trong nước. Hơn nữa, vaccine Nanocovax được phát triển đầu tiên trong nước đã được thử nghiệm trên người từ giữa tháng 12-2020. Nanocovax được coi là an toàn nhưng hiệu quả còn chờ đánh giá cuối cùng.

Tin cùng chuyên mục