
Ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị cho ngành giáo dục nước ta “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt” để “trong một thời gian không xa đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”. Thực hiện lời Bác dạy, rất nhiều tài năng trẻ VN đã được phát hiện, bồi dưỡng và khẳng định qua các thành tích cao tại các cuộc thi Olympic quốc tế. Vậy nhưng...
Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã đặc biệt chú ý đến ngành toán: “Nhiều ngành khác thường phải bạc đầu mới thành bác học. Toán học không cần phải bạc đầu đâu, ta có thể đi nhanh”. Và, cố Thủ tướng chỉ ra phương hướng cụ thể: “Nếu trong tất cả các trẻ em vào trường phổ thông, từ cấp một lên cấp hai, ta có cách gì phát hiện được phần lớn và đừng bỏ sót những em có năng khiếu đặc biệt, rồi ta có cách dạy (...) nâng đỡ cho các em phát huy tài năng của các em, thì trong một thời gian không xa, ta có thể có những nhà toán học trẻ tuổi có triển vọng ghê gớm. Đối với ngành toán, phải làm như vậy mới kịp người ta”.

GS Trịnh Xuân Thuận (trái, Đại học Virginia) và GS Phạm Xuân Yêm (phải, Đại học Paris 7) trò chuyện với GS Đàm Thanh Sơn (đứng giữa, Đại học Washington, vốn là một học sinh chuyên toán) tại cuộc gặp gỡ Việt Nam ở Hà Nội năm 2000.
Từ năm 1961 đến nay – kể cả trong những năm chiến tranh ác liệt, hằng năm, ngành giáo dục nước ta vẫn đều đặn mở các kỳ thi chọn học sinh giỏi từ cơ sở đến toàn miền Bắc, rồi toàn quốc (sau ngày thống nhất đất nước). Hàng nghìn học sinh giỏi đã được phát hiện và tuyển chọn.
Năm học 1965-1966, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đi đầu trong việc mở các lớp phổ thông chuyên toán và các tiến sĩ toán học Phan Đức Chính, Hoàng Hữu Đường, Lê Đình Thịnh... đã trực tiếp giảng dạy cho các học sinh đặc biệt này.
Tiếp sau Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi Đại học Sư phạm Vinh lần lượt mở các lớp phổ thông chuyên toán. Sau này, một số trường phổ thông ở các tỉnh, thành phố như Chu Văn An, Trưng Vương (Hà Nội), Lê Hồng Phong (Nam Định), Lam Sơn (Thanh Hóa), Phan Bội Châu (Nghệ An)... cũng mở các lớp chuyên, không chỉ về môn toán, mà cả về các môn học khác như văn, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngoại ngữ...
Từ sau ngày thống nhất đất nước, các lớp chuyên đã được mở tại nhiều trường đại học và trung học ở TPHCM và ở nhiều tỉnh, thành phố miền Nam.
Olympic Toán Quốc tế (International Mathematical Olympiad – IMO) đầu tiên được tổ chức tại Bukharest (Romania) vào mùa hè năm 1959. Tuy nhiên, phải đến năm 1974 nước ta mới bắt đầu dự IMO 16 tại Berlin (CHDC Đức). Đoàn của VN có 5 học sinh dự thi thì 4 đoạt huy chương: 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng.
30 năm qua, nước ta gần như liên tục dự IMO, giành được hàng trăm huy chương vàng, bạc, đồng, thường được xếp hạng đồng đội (không chính thức) từ thứ 8 đến thứ 12, có năm xếp thứ 4 trong khoảng 100 nước, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và Nga.
Học sinh VN cũng dự các olympic quốc tế về các môn khoa học tự nhiên khác như vật lý, tin học, hóa học, sinh học, và đạt kết quả cao, kể cả huy chương vàng. Điều đó chứng tỏ, ở những trường phổ thông tiêu biểu, các thầy giáo, cô giáo ta đã đào tạo được những học sinh đạt trình độ cao quốc tế. Những học sinh này hoàn toàn có đủ trình độ để được tuyển chọn vào học các trường đại học lớn trên thế giới như Lomonosov (Nga), Harvard, MIT, Stanford (Mỹ), Oxford, Cambridge (Anh), Polytechnique, école Normale Supérieure (Pháp),...
Tất nhiên, đó chưa phải là kết quả đại trà của ngành giáo dục phổ thông nước ta. Nhưng dù sao nhà trường tiểu học, trung học của ta cũng không đến nỗi thua kém các nước trong khu vực.
Vấn đề hiện nay là: nâng cao chất lượng giáo dục đại học và trên đại học. Hầu hết các học sinh chuyên toán ở nước ta, về sau, trở thành những nhà khoa học có tên tuổi, đều được đào tạo tại các đại học lớn ở nước ngoài, rồi bảo vệ luận án tiến sĩ, tiến sĩ khoa học cũng ở nước ngoài.
Biết tôi vẫn giữ mối quan hệ gắn bó với nhiều học sinh từng đoạt giải toán quốc gia, quốc tế, nhiều người thường nêu câu hỏi: Đâu rồi những học sinh giỏi toán “ngày xưa”? Phải nói thật, ở nước ta, chưa có một cơ quan nào theo dõi những tài năng trẻ đó, để biết rõ họ hiện đang ở đâu, làm gì, đang được sử dụng và đãi ngộ ra sao. Ta đã cố gắng phát hiện và tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng – nhất là trong nhà trường phổ thông – nhưng chưa quan tâm đúng mức đến khâu sử dụng và đãi ngộ người tài, nhất là người tài trẻ tuổi.
Theo chỗ tôi biết, hàng nghìn học sinh phổ thông chuyên toán ở các trường đại học lớn như Tổng hợp Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh, về sau, đã trở thành tiến sĩ, hàng trăm người trở thành tiến sĩ khoa học, phó giáo sư, giáo sư. Nếu các bạn đi cùng tôi đến các cơ quan khoa học trong nước, ở đâu cũng sẽ “đụng đầu” với những học sinh chuyên toán cũ!
HÀM CHÂU