Bình dị mà cao quý

Bài 1: Thoát tục nhưng không dứt “nợ đời”

Bài 1: Thoát tục nhưng không dứt “nợ đời”

(SGGP-12G).- Hơn 15 năm tự tay chăm sóc trẻ mồ côi bất hạnh, 11 năm gắn bó với việc chăm sóc bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, sư cô Thích Nữ Hạnh Bảo, ở nhà tình thương Diệu Giác (đường Trần Não, phường Bình An, quận 2, TPHCM) đã trở thành người mẹ của hàng trăm trẻ bất hạnh; người chị, em của hàng trăm bệnh nhân HIV. 

Người mẹ của trẻ bất hạnh

Bài 1: Thoát tục nhưng không dứt “nợ đời” ảnh 1

Sư cô Hạnh Bảo đang dạy chữ cho các trẻ mồ côi, bất hạnh tại nhà tình thương Diệu Giác

Khi chúng tôi vừa bước vào khuôn viên nhà tình thương Diệu Giác, bỗng nghe tiếng em nhỏ ở một lớp học thốt lên: “Đây là chữ gì hả má?”. Sau khi hỏi thăm mới biết, đó là tiếng hỏi bài của các em nhỏ ở lớp học tình thương do sư cô Hạnh Bảo đứng lớp. “Má” là cách gọi trìu mến hằng ngày của các em nhỏ tại nhà tình thương Diệu Giác dành cho sư cô Hạnh Bảo.

Sư cô Hạnh Bảo sinh ra ở Thừa Thiên - Huế, sau đó theo gia đình chuyển vào sống ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ngay từ những ngày học tiểu học, sư cô Hạnh Bảo được tiếp xúc và học tập với các sư cô ở chùa nên đã tạo ra trong cô sự thích thú với công việc của một người tu hành.

Năm 1980, khi đang còn theo học phổ thông, sư cô Hạnh Bảo bắt đầu xuất gia đi tu. Nhằm trang bị thêm những kiến thức về phật pháp, sau ngày tốt nghiệp phổ thông trung học, cô lại theo học lớp Phật học và thi đậu vào ngành xã hội học của Trường Đại học Mở TPHCM. Những kiến thức tích lũy sau 4 năm theo học đại học về chuyên ngành xã hội học đã giúp sư cô Hạnh Bảo bắt tay vào công việc chăm sóc cho những trẻ em mồ côi, bất hạnh tại nhà tình thương Diệu Giác tốt hơn.

Cháu Nguyên Châu, ở nhà tình thương Diệu Giác, hồn nhiên cho biết: “Được ở đây với “má” Hạnh Bảo, tụi con vui lắm. Má chăm sóc và coi tụi con hơn cả cha mẹ ruột của mình”. Ngoài công việc chăm sóc các cháu tại nhà tình thương này ra, trong những năm qua sư cô Hạnh Bảo còn là một người tham gia tích cực ở phòng tư vấn hỗ trợ cộng đồng do UBTƯMTTQ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) thực hiện trong việc giúp đỡ những trẻ em bất hạnh khác trên địa bàn TPHCM.

30 lần hiến máu cứu người

Người thì hiến đất, bỏ tiền làm đường; có người lại tự nguyện hằng ngày chăm sóc trẻ mồ côi, bất hạnh và vào bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân HIV giai đoạn cuối; thậm chí có người dù bị bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn cố vượt qua bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống và tạo dựng nghề nghiệp để giúp đỡ những người nghèo hơn mình… Họ là những tấm gương trong số hàng trăm tấm gương “Người tốt việc tốt” được UBMTTQ Việt Nam TPHCM tuyên dương vừa qua.

Tính đến nay, sư cô Hạnh Bảo đã có 30 lần tham gia hiến máu nhân đạo do địa phương và các tổ chức xã hội thực hiện. Ngoài ra, sư cô Hạnh Bảo còn trực tiếp liên hệ với một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM và để lại số điện thoại phòng khi có trường hợp bệnh nhân nào cần máu thì bệnh viện sẽ gọi trực tiếp.

Trong nhiều năm qua, sư cô Hạnh Bảo còn dành thời gian rảnh vào những ngày thứ bảy, chủ nhật để vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhiệt Đới… chăm sóc bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, dù biết rằng đây là một công việc rất khó khăn và nguy hiểm.

Khi hỏi về những kinh nghiệm trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân HIV, sư cô Hạnh Bảo chia sẻ: “Những người bị bệnh HIV giai đoạn cuối thường mang trong mình sự mặc cảm. Do đó, khi tiếp xúc với họ, ngoài việc đem giáo lý đức Phật ra để cảm hóa thì mình cần phải có sự ứng biến trong từng hoàn cảnh để làm sao thuyết phục được họ và phải luôn coi họ như là người anh, người chị và người em của chính mình”.

Rời mái nhà tình thương Diệu Giác, chúng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh các em nhỏ vui đùa trong tiếng gọi “má” thân thương dành cho sư cô Hạnh Bảo. Bất chợt, bật ra trong đầu chúng tôi lời hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”. 

Bài 2: Người làm đẹp từng ngõ hẻm

Đình Lý

Tin cùng chuyên mục