Thí điểm chương trình THPT phân ban

Bài 2: Đang lặp lại vết đổ?

Bài 2: Đang lặp lại vết đổ?

Không chỉ có những bất cập về nội dung, thực tế thí điểm chương trình THPT phân ban ở 11 tỉnh, thành trong cả nước đang gặp phải những khó khăn về giáo viên, cơ sở vật chất, do vậy Quốc hội đã đồng ý lùi thời gian triển khai đại trà chậm lại 2 năm để Bộ GD-ĐT có điều kiện nghiên cứu, chuẩn bị kỹ hơn. Năm học 2006 – 2007, thời điểm phân ban đại trà đang đến gần. Nếu những vướng mắc từ khâu biên soạn sách cho đến dạy thí điểm chưa được rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc thì một lần nữa, sự thất bại của chương trình sẽ là “một cái chết được báo trước”.

  • Biên soạn SGK: “Gọt chân cho vừa giày”

Trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhóm tác giả viết sách toán cho chương trình phân ban đã làm tất cả các thành viên của đoàn bất ngờ vì những bộc bạch: Năm 2002, chúng tôi được Bộ GD-ĐT mời ra chủ biên bộ sách toán. Khi ấy, chúng tôi có hỏi, cơ sở khoa học để phân ra thành 2 ban dựa vào đâu?

Bài 2: Đang lặp lại vết đổ? ảnh 1

Bộ cho biết: Cái này Quốc hội đã quyết rồi, chúng ta phải thực hiện… Môn toán phân tiết như thế nào đều đã được quyết định, tác giả viết sách không được bàn. Dựa trên chương trình đã được soạn thảo sẵn, chúng tôi chỉ viết nội dung trong 3 tháng, toàn bộ thời gian còn lại là dành cho các thủ tục khác. Bộ nói trọng tâm của đổi mới lần này là đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng chúng tôi nhận định là chương trình nặng, ngay sau khi viết xong sách cũng đã thấy điều này.

Theo các tác giả, quy trình soạn SGK ngược và bất hợp lý ở chỗ: Viện Chiến lược và chương trình thiết kế chương trình, nhóm viết sách lại là những người khác, còn phân phối tiết học lại là Vụ Giáo dục phổ thông. Do vậy, học kỳ 1 năm học này mới xảy ra tình trạng dở khóc dở cười ở đề thi môn lịch sử và môn toán khi cho lộn đề ở nội dung học kỳ 2.

Ông Nguyễn Thiện Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi khẳng định: Viết sách hiện nay giống như may quần, làm giày cho khách mà không đo kích cỡ. Đến khi may xong mới bắt đầu thử, nếu không vừa thì phải gọt lại cho vừa. Hậu quả của chương trình tham lam, nặng nề này là thầy và trò đều phải chịu trận.

  • Và những điều trông thấy

Những bất cập của chương trình đã được Bộ GD-ĐT thừa nhận: “Biểu hiện quá tải trong nội dung các môn chính của ban, nội dung dàn trải và sơ lược trong các môn chéo ban, trình độ chuẩn trong chương trình môn học của các ban khác nhau chưa được làm rõ, có sự sai lệch giữa thiết kế mục tiêu và nội dung dạy học của các ban với thực tiễn xã hội”. Những nhận xét trên còn khá chung chung, trong khi đó, các chuyên gia giáo dục, GV dạy phân ban lại khá bức xúc và lo lắng về nội dung chương trình PB đang thí điểm.

Đối với môn toán, TS Hồ Thiệu Hùng (Viện Nghiên cứu Giáo dục) nêu ra những ưu điểm: Nội dung các phần được thiết kế theo một logic chặt chẽ, bảo đảm tính khoa học và sư phạm. Tuy nhiên, tính phân hóa chưa thật rõ nét nếu đối chiếu sách của 2 ban. Tỉ lệ giống nhau về nội dung “cứng” và “mềm” lên đến hơn 90% (Bộ GD-ĐT quy định tỉ lệ này là 20% - PV).

Cách viết SGK như hiện nay khiến cho HS thấy môn toán trở nên xa lạ với đời sống thường ngày, các đề toán chỉ do thầy và người viết sách nghĩ ra chứ không có trong đời sống. Cách viết vẫn còn nặng tính hàn lâm. Lẽ ra nên thu lượm nhiều bài toán từ thực tế đời sống hàng ngày đưa ra làm ví dụ minh họa, giải bài tập.

Bộ sách đại số và giải tích thí điểm lớp 11 của cả 2 ban có thiếu sót rõ nhất là chưa đáp ứng được nguyên tắc thứ tư trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chưa coi trọng tính thực tiễn “học đi đôi với hành”, đặc biệt là chưa “góp phần đổi mới hình thức và phương pháp dạy học…”.

Ở môn ngữ văn, lấy ví dụ qua việc phân tích mục “kết quả cần đạt” ở 3 kiểu bài khác nhau: bài Độc tiểu thanh ký, bài Nguyễn Du và bài Romeo và Juliet, TS Phạm Thị Ly cho rằng các nhà biên soạn vẫn tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu nhận thức về kiến thức hơn là yêu cầu về giáo dục cảm xúc, phát triển tâm hồn và cá tính, trong lúc cái thứ hai mới là bản chất và là lý do tồn tại của môn ngữ văn trong nhà trường.

Và như thế, thầy và trò được đặt trong tư thế phải chấp nhận “chân lý” đã được cài đặt sẵn, đi ngược lại nguyên lý của giáo dục hiện đại được xây dựng trên tinh thần giáo dục kỹ năng sống, giáo dục làm người, giáo dục khả năng sáng tạo hơn là giáo dục tri thức.

Ths Lê Thị Lan Anh, tổ trưởng tổ văn Trường Trung học Thực hành của ĐHSP cho rằng chương trình còn nặng, người biên soạn còn tham, chưa giảm tải, nhất là ban khoa học tự nhiên. Để trở thành bộ SGK đại trà, bộ sách ngữ văn cần được chỉnh sửa chí ít cũng ở mức nhất định xét trên 3 phương diện: tính phân ban, tính tích hợp và tính thực hành.

Về môn giáo dục công dân, nhóm tác giả TS Mai Ngọc Luông, Ths Đào Thị Vân Anh, Ths Nguyễn Ngọc Tài (Viện Nghiên cứu Giáo dục) khẳng định nội dung chương trình, SGK thiếu tính sư phạm, tính khoa học, chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục, chưa đảm bảo tính hệ thống, tính chỉnh thể và yêu cầu kế thừa, hoàn chỉnh phát triển trong học vấn phổ thông. Các bộ môn khác như lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ, hóa… đều quá tải và được đề nghị phải điều chỉnh chương trình và SGK.

  • Chỉnh sửa như thế nào?

Với 64,8% ý kiến được lấy từ các cuộc trưng cầu ý kiến đề nghị phải điều chỉnh chương trình, 65,9% đề nghị điều chỉnh SGK, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra 3 phương án điều chỉnh chương trình phân ban trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh. Trong đó, bộ nghiêng về phương án phân 2 ban ở lớp 10 và 11, đến lớp 12 phân thành 4 ban. Phương án này vừa đảm bảo phân hóa sâu và triệt để ở lớp cuối cấp, vừa tránh sự “sụp đổ” của chương trình phân ban hiện hành. HS đang học thí điểm sẽ tiếp tục lộ trình phân ban khi học lớp 12.

Hiện nay rất nhiều người vẫn không đồng tình với chương trình phân ban đang được thí điểm. Chương trình này cần phải điều chỉnh mới có thể áp dụng. Nhiều ý kiến không đồng tình với cả 3 phương án bộ đưa ra và đặt câu hỏi: Tại sao không có phương án thứ 4? Đó là phương án phân ban theo chương trình tự chọn đáp ứng yêu cầu hướng nghiệp đa dạng của HS và đang được nhiều nước trên thế giới chọn lựa.

Nhiều nhà khoa học, nhà giáo đề nghị bộ cần xác định rõ mục tiêu bộ môn để có một chương trình chuẩn thích hợp. Vấn đề giảm tải đặc biệt cần coi trọng, nếu không giải quyết được vấn đề này sớm, ngành GD-ĐT vẫn tiếp tục đẩy đại đa số HS đi học thêm.

Điều này cho thấy, một khi Bộ GD-ĐT còn chưa có câu trả lời xác đáng như băn khoăn của TS Lê Thị Thanh Thảo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đặt ra: “Phân ban như thế nào? Số ban cần thiết là bao nhiêu? Số ban đã đủ đại diện cho số HS điển hình chưa? Các mục tiêu phân ban đề ra có phù hợp với yêu cầu người học, với yêu cầu định hướng nghề nghiệp tương lai của nhóm HS tương ứng hay không và trong thực tế, chương trình, SGK có đại diện các mục tiêu ấy hay không?” thì tốt hơn cả là không nên tiếp tục chỉnh sửa một cách không cơ bản, gượng ép rồi đưa ra áp dụng đại trà.

HỒNG LIÊN

Bài 1: Thầy và trò cùng… “đánh vật”

Tin cùng chuyên mục