Những cột mốc sống trên biển
Mặc sóng gió đại dương, mặc khó khăn, gian khổ, những người lính Nhà giàn DK1 vẫn ngày đêm kiên cường trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió. 26 năm qua, họ vẫn thầm lặng hy sinh tuổi thanh xuân và hạnh phúc riêng để mỗi nhà giàn mãi là thế đứng Việt Nam trên thềm lục địa.
Kíp trực đầu tiên
Nói đến thế hệ đầu tiên ra Nhà giàn DK1, phải nhắc đến thượng tá Nguyễn Văn Nam với 33 tuổi quân và 25 năm liên tục ở DK1. Sĩ quan Nam đi hầu hết các nhà giàn, nhưng những năm tháng đầu tiên sống trên Nhà giàn Phúc Tần 3 cùng 13 đồng đội thì không thể nào quên.
Tháng 7-1989, với quân hàm đại úy, anh Nam được điều về khung quản lý DK1 (thuộc Lữ đoàn 171) để nhận nhiệm vụ Lô trưởng Lô Phúc Tần 3 (tức DK1/3) và chỉ huy 13 cán bộ, chiến sĩ lên tàu ra Nhà giàn Phúc Tần 3. Đây là kíp trực đầu tiên. Sau 3 ngày đêm “ngụp lặn” trong sóng gió, tàu HQ - 727 đưa 14 cán bộ chiến sĩ đến bãi cạn Phúc Tần. Do tàu không có xuồng nên tất cả phải nhảy xuống biển bơi vào nhà giàn. Để trấn an tinh thần bộ đội, đại úy Nam buộc một đầu dây thừng vào bụng rồi nhảy xuống biển bơi vào nhà giàn trước. Sau đó, tàu và nhà giàn kết nối bằng một sợi dây ấy, 13 chiến sĩ còn lại nhảy xuống biển lần bám theo sợi dây bơi vào.
Sau khi lên nhà giàn an toàn, cuộc mưu sinh trên sóng bắt đầu. Thời điểm ấy bộ đội chưa có khái niệm trồng rau xanh, câu cá biển là gì. Cơm nấu bằng bếp dầu mazut, thức ăn là thịt hộp đem ra từ đất liền. Cả nhà giàn chỉ có hai bồn dự trữ chừng hơn 10m3 nước ngọt. Không ti-vi, không báo chí, phương tiện nắm thông tin duy nhất là chiếc đài Véc - 206 của Liên Xô, nhưng lúc bắt được sóng, lúc không. Tối lại thắp đèn dầu viết thư. Nỗi nhớ đất liền canh cánh trong lòng và trong phút giây ấy, anh em ngồi trên lan can nhà giàn hướng mắt về phía chân trời. Tiếng đàn ghi ta cũng bập bùng để khuây nỗi nhớ đất liền da diết trong tâm can.
Dưới cái nắng và gió gào thét rát mặt giữa đại dương, 14 cán bộ chiến sĩ vừa gồng mình đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, vừa trực chiến không cho tàu lạ xâm phạm vùng biển được giao quản lý. “Gian khổ về vật chất như thiếu nước ngọt, rau xanh đã là cùng cực, nhưng khổ hơn là nỗi nhớ đất liền luôn cào xé trong lòng. Lúc đó chưa có điện thoại như bây giờ, nên mọi thông tin về đất liền phải viết thư. Lúc đó cũng chưa có quy định 2 tháng tàu thay trực một lần nên mọi chuyện đều mịt mờ. Vợ ốm, con đau, bố mẹ qua đời cũng không biết liền được. Không đủ nước tắm, suốt ngày đêm anh em chỉ mặc mỗi quần lót nên ai cũng đen nhẻm”, thượng tá Nam nhớ lại.
Chiến sĩ nhà giàn vững vàng tay súng
Vững vàng tay súng
Từ tháng 7-2009, lần đầu kỷ niệm 20 năm thành lập Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (gọi tắt DK1), các nhà giàn mới được đông đảo người dân biết đến.
Sau khi được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ - chiến sĩ ở các nhà giàn đã nhận được nhiều tình cảm, vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước. Trong đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM là đơn vị đầu tiên quan tâm đặc biệt đến đời sống ngoài biển và hậu phương của các chiến sĩ. Hàng trăm tấn hàng, quà gửi tới các nhà giàn, hàng ngàn lá thư của các em học sinh, người dân, nghệ sĩ thành phố mang tên Bác gửi tới nhà giàn.
Nếu từ năm 2009 về trước, các nhà giàn không có điện thắp sáng thì nay 100% nhà giàn đã có ánh sáng từ pin năng lượng mặt trời. Tối đến anh em quây quần bên nhau xem ti-vi, nắm thông tin từ đất liền, gọi điện về cho người thân, thăm hỏi gia đình, vợ con… Chỉ giản dị vậy thôi, nhưng đối với họ là niềm hạnh phúc.
Mặc dù hiện nay đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên 15 nhà giàn DK1 đã được cải thiện nhiều so với trước, nhưng không phải đã hết khó khăn, gian khổ. Những cán bộ, chiến sĩ khoác “áo vằn cánh sóng” ở nhà giàn thế hệ đầu tiên, đến thế hệ nhà giàn thứ hai vẫn hàng ngày phải chia nhau từng ca nước ngọt. Tắm “theo kế hoạch” tuần 2 lần, mỗi lần một xô nước nhỏ. Nước vo gạo dùng để rửa mặt; nước rửa cá, rửa rau dồn lại tưới rau. Gọi là trồng được rau xanh, nhưng cũng chỉ đủ nấu canh loãng ngày hai bữa để có chất xơ. Đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, thời gian ở nhà giàn từ 8 tháng đến 1 năm mới được vào đất liền, còn chiến sĩ công tác hết thời gian tại ngũ. Hai tháng tàu từ đất liền ra tiếp tế lương thực thực phẩm một lần, đó là lúc những chiến sĩ trẻ ấm lòng nhất, vì nhận được quà gia đình và “ngửi” thấy mùi đất liền. Một năm được xem đoàn văn công ra biểu diễn một lần vào tháng 5 biển lặng, nhưng cũng đôi khi sóng to gió lớn, văn công không ra được, bộ đội nhà giàn ngồi quanh máy thông tin để được nghe hát qua bộ đàm.
Những gian khổ ấy, giờ đây đối với chiến sĩ DK1 đã trở thành bình thường, song cũng có những khó khăn không “đong đếm” được. Thượng úy Phạm Thành An có con gái đầu bị rò tủy bẩm sinh, mẹ ruột bị bại liệt nằm một chỗ suốt 13 năm. Mỗi lần gọi điện về nghe con gái khóc, anh chỉ biết nén lòng hứa với con biển lặng bố sẽ về. Ngày cầm quyết định ra nhà giàn, cũng là ngày con trai của thiếu tá Nguyễn Văn Tiên lên bàn mổ tim. Thương con, nhớ vợ nhưng anh vẫn nén lòng lên tàu đi làm nhiệm vụ, để rồi sau một năm chia xa, chen lẫn niềm vui đong đầy là những giọt nước mắt của ngày gặp lại. Để lại người vợ trẻ sau 2 tuần đám cưới, thiếu tá Lê Xuân Nam đi nhà giàn với bao niềm khắc khoải, và rồi sau 27 tháng quay về đất liền, con không nhận mặt cha. Anh Nam phải xưng “cậu với tớ” và “xin làm quen” dần với con gái bằng cách “độc” như vậy. Cơn bão cuồng phong ập đến lúc nửa đêm, sóng to gió lớn khiến trung úy Nguyễn Việt Dũng ở Nhà giàn DK1/11 không xuống được tàu để trở về đất liền làm đám cưới. Ở Thái Bình, đám cưới vẫn diễn ra nhưng chỉ có cô dâu. Một năm sau, hạnh phúc của họ mới ngập tràn trong vòng tay chờ đợi. Nước mắt hạnh phúc có cả mất mát đau thương.
Điểm tựa
Không thể không kể ra đây những vợ lính nhà giàn - những người đã âm thầm chịu đựng nỗi cô đơn, gánh vác gia đình, nuôi dạy con cái trong suốt thời gian các “phu quân” của họ trấn giữ ngoài khơi. Nếu không có họ, chắc hẳn một điều, những người lính DK1 không thể yên tâm công tác canh trời, bám biển.
Chị Nguyễn Thị Minh, vợ của thiếu tá Lê Hữu Toàn được biết đến như tấm gương vượt khó. Đám cưới chưa đầy tháng thì anh Toàn đi nhà giàn. Ngày chia tay chồng cũng là ngày chị Minh báo tin vui với chồng chị đã có thai. Trên cầu cảng Hải đội 812, với cặp mắt đỏ hoe, chị Minh chúc chồng lên đường thuận buồm xuôi gió. Anh Toàn sờ bụng vợ bảo: “Nếu con trai đặt tên là Thuận em nhé”. Trở lại đất liền sau 25 tháng làm bạn với nắng gió mặn mòi, cũng là ngày con anh tròn một tuổi. Đêm đầu tiên sau 752 ngày xa cách, dụi đầu vào vai chồng, chị Minh khóc vì quá thương anh. Chị hỏi chồng, sao lại đặt tên con Thuận. Anh Toàn bảo, vì ngày đi biển, em chúc anh đi thuận buồm xuôi gió, nên anh muốn đặt tên con là Thuận cho việc gì cũng thuận lợi, êm xuôi.
Chị Minh kể, có lần con trai Lê Hồng Thuận đi chơi bên hàng xóm về hỏi chị: “Mẹ ơi, sao nhà mình không có bố?”. Ôm con vào lòng, nuốt giọt nước mắt vào trong, chị nói: “Có chứ. Bố con đi xa, xa lắm. Rồi bố sẽ về”. Chị lấy ảnh cưới ra chỉ cho con xem: “Bố con đấy. Khi bố về sẽ đem cá kìm khô cho hai mẹ con mình thưởng thức”. Cháu Thuận lại hỏi: “Cá kìm khô là gì hở mẹ?”. Lúc đó chị Minh đã bật khóc ôm con trong lòng mà thao thức suốt đêm. “Tuy thiệt thòi nhưng vợ lính phải chấp nhận hy sinh. Anh ấy đi DK1, mình ở nhà cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để anh yên tâm bám biển”, chị Minh nói. Hiện chị Minh đang giữ chức Tiểu đội trưởng Tiểu đội CHX Trung đội Thông tin (thuộc Phòng Tham mưu Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân), còn anh Toàn vẫn công tác ở nhà giàn.
Khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh là thế, nhưng những người lính Nhà giàn DK1 vẫn ngày đêm vững vàng tay súng canh biển trời Tổ quốc. Ở giữa ngàn khơi sóng gió ấy, các anh là những “hoa thép” mang trong mình sứ mệnh của người lính thời bình và tình yêu cao hơn tất cả là dành cho Tổ quốc. Máu của những người đã ngã, mồ hôi của những người đang sống trên những nhà giàn đã hòa vào sóng biển mặn mòi.
MAI THẮNG
Thông tin liên quan:
>> Những cột mốc sống trên biển: Hải trình đầu tiên