Bài 2: Nỗ lực tìm lối ra

Đứng trước không ít khó khăn, thử thách đặt ra từ nhu cầu thực tế, trong khi chờ đợi những chính sách đổi mới căn cơ hơn từ trung ương, chính quyền TPHCM cùng các quận, huyện trên địa bàn đã nỗ lực và linh hoạt áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, gỡ khó cho các chủ đầu tư. Qua đó góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng trường học và giữ chân đội ngũ giáo viên.  
Bài 2: Nỗ lực tìm lối ra

TP Hồ Chí Minh: Gian nan giáo dục mầm non

Đứng trước không ít khó khăn, thử thách đặt ra từ nhu cầu thực tế, trong khi chờ đợi những chính sách đổi mới căn cơ hơn từ trung ương, chính quyền TPHCM cùng các quận, huyện trên địa bàn đã nỗ lực và linh hoạt áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, gỡ khó cho các chủ đầu tư. Qua đó góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng trường học và giữ chân đội ngũ giáo viên.  

Linh hoạt ứng biến

Trước yêu cầu cấp thiết về bổ sung xây dựng trường lớp, bà Lê Thị Kim Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết, quận đã rà soát tất cả công trình xây dựng chung cư trên địa bàn, kêu gọi chủ đầu tư bố trí một phần diện tích công trình để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non. Ngoài ra, trong năm học 2014-2015, Phòng GD-ĐT quận đã chủ động phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường Trung cấp nghiệp vụ Nam Sài Gòn mở 3 lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 54 giáo viên, 97 nhân viên nuôi dưỡng và 101 cán bộ quản lý ở cả hai hệ thống trường mầm non công lập và ngoài công lập. Đối với chủ các nhóm lớp mầm non, điểm giữ trẻ tư thục, Liên đoàn Lao động quận cũng phối hợp với UBND 17 phường và Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức các lớp bồi dưỡng miễn phí về công tác phòng chống dịch bệnh, lớp trung cấp nấu ăn và sơ cấp bảo mẫu để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.

Tại quận 7, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, nhiều năm qua, địa phương đã kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận phương án chuyển đổi công năng một số khu nhà, công trình xây dựng đã được chủ đầu tư cam kết xây dựng trường học. Cụ thể, đối với những khu đất không đủ tiêu chuẩn xây dựng trường học hoặc chủ đầu tư không đủ điều kiện xây dựng trường theo quy chuẩn của Bộ GD-ĐT, địa phương sẽ chấp thuận phương án cho họ đóng góp bằng tài chính để UBND quận sử dụng số tiền này đầu tư xây trường học ở nơi khác đạt tiêu chuẩn về quy mô xây dựng. Ngược lại, TP sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chuyển đổi mục đích xây dựng khu đất của họ để phục vụ những hạng mục công trình khác. Đây là một trong những cách làm thể hiện sự linh hoạt của địa phương, vừa giúp tăng thêm nguồn lực xây dựng trường học vừa không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ đầu tư.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hứa Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 2 cho biết, xã hội hóa trước đây được hiểu là nhà nước giao hoàn toàn trách nhiệm xây dựng trường cho tư nhân. Nhưng đứng trước nhiều thay đổi từ thực tế, xã hội hóa hiện nay nên được hiểu là nhà nước và nhân dân cùng làm, tránh tình trạng xã hội hóa trên giấy, thiếu hấp dẫn các chủ đầu tư. Điển hình như với cơ chế mở, hợp tác theo hình thức “hai bên cùng có lợi”, trong năm 2014, UBND quận 2 đã phối hợp thành công với VietinBank xây dựng Trường Mầm non Vành Khuyên đóng trên địa bàn phường Bình Trưng Tây, có quy mô gồm 10 phòng học và một số phòng chức năng với tổng kinh phí xây dựng hơn 27 tỷ đồng. Chính nhờ cách làm này, hệ thống trường tư thục trên địa bàn quận phát triển mạnh và đều khắp ở các phường, góp phần giảm tải sĩ số trẻ ở các trường mầm non công lập.

Học sinh Trường mầm non Anh Đào (quận Gò Vấp) - một trong những trường mầm non vừa được xây mới, đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia.

Tăng cường chính sách đãi ngộ giáo viên

Ngày 14-6-2014, tại kỳ họp thứ 13 khóa VIII, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TP với nhiều chính sách được xem là bước ngoặt trong cuộc cải cách chất lượng hoạt động của bậc học này. Cụ thể, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc các cơ sở giáo dục mầm non công lập sẽ được hỗ trợ 25% tiền lương, riêng cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm, lớp giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi được hỗ trợ thêm 35% tiền lương. Đối với giáo viên mới ra trường, nếu được tuyển dụng sẽ nhận hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng (tương đương 1.150.000 đồng) trong năm đầu tiên công tác, hưởng thêm 70% lương cơ sở trong năm học thứ hai và 50% lương cơ sở trong năm thứ ba. Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, vui mừng cho biết ngay sau khi thông qua nghị quyết, từ tháng 9 đến hết tháng 12 -2014, địa phương đã chi hơn 2,3 tỷ đồng hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên 19 trường mầm non trên địa bàn quận. Dự kiến trong năm 2015 sẽ có thêm 7,5 tỷ đồng hỗ trợ cho lực lượng này.

Riêng ở quận 2, ngoài khoản hỗ trợ 25% lương cơ bản theo quy định chung của TP, tất cả giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca (phường Cát Lái), đơn vị duy nhất được chọn tham gia thí điểm “Đề án nuôi giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi” do UBND TP ban hành, còn được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/người/tháng, lấy từ nguồn quỹ khuyến học của địa phương. Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Lệ Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết đây là khoản tiền địa phương hỗ trợ nhằm động viên các cô không bỏ trường, bám trụ công tác. Do trường tọa lạc trên nền đất khu dân cư mới, hiện mới có hơn chục hộ dân sinh sống, giao thông không thuận lợi nên hiện mới phủ kín học sinh ở 8 lớp học trên tổng quy mô xây dựng 16 lớp. Một giáo viên đang công tác ở đây cho biết: “200.000 đồng/người/tháng tuy không phải số tiền lớn nhưng qua đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, giúp chúng tôi thêm vững lòng và yên tâm công tác".

THU TÂM

>> Bài 1: Khó chồng khó

Tin cùng chuyên mục