Bài 3: Bán lẻ - không còn “vùng cấm”

Theo tầm nhìn ASEAN 2020 (được rút ngắn vào năm 2015), mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là “xây dựng thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất” cho toàn khu vực. Cùng với việc thực hiện các cam kết trong WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương khác, năm 2015 thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ không còn những “vùng cấm” như trước, doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) sẽ bước vào cuộc cạnh tranh trực diện với những “người khổng lồ”.
Bài 3: Bán lẻ - không còn “vùng cấm”

Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội hay thách thức?

Theo tầm nhìn ASEAN 2020 (được rút ngắn vào năm 2015), mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là “xây dựng thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất” cho toàn khu vực. Cùng với việc thực hiện các cam kết trong WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương khác, năm 2015 thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ không còn những “vùng cấm” như trước, doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) sẽ bước vào cuộc cạnh tranh trực diện với những “người khổng lồ”.

Đủ mặt anh tài

Tròn 8 năm là thành viên của WTO, thị trường VN đã thu hút hầu hết các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và trong khu vực. Có thể kể đến Metro Cash & Carry (Đức), Big C (Pháp), Parkson (Malaysia), Circle (Mỹ), Lotte (Hàn Quốc), Aoen (Nhật), FairPrice (Singapore)…

Mới đây nhất có 2 “đại gia” hàng đầu của Thái Lan là Berli Jucker - BJC và Tập đoàn Central đã triển khai nhiều dự án tại VN. Mặc dù Wall Mart (tập đoàn phân phối lớn nhất thế giới) chưa chính thức hiện diện tại VN, nhưng theo một số nguồn tin, cách đây vài năm họ đã thực hiện các cuộc khảo sát, đánh giá thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào VN, vấn đề còn lại là thời gian.

Bên cạnh việc đầu tư các siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, còn có hàng loạt các cửa hàng tiện lợi. Đây mới thực sự là “miếng đất” màu mỡ của các nhà đầu tư. Có mặt tại VN vào giữa năm 2005, chuỗi cửa hàng Shop & Go (Singapore) đã trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích đứng đầu về quy mô với hơn 110 điểm và không ngừng mở rộng; tiếp đến là Circle K (Mỹ) đã có hơn 70 cửa hàng tại TPHCM. B’Mart (Thái Lan) là người đến sau nhưng do mua lại chuỗi cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) nên mức độ phủ sóng dày đặc với 96 cửa hàng. B’Mart dự kiến sẽ đạt con số 300 cửa hàng vào năm 2018.

Gần đây, Big C đã “lấn sân” vào mô hình cửa hàng tiện lợi với thương hiệu C-Express và hiện đã có hơn 10 cửa hàng. Thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng TPHCM hiện có khoảng 700 cửa hàng tiện lợi, trong đó khoảng 660 cửa hàng kinh doanh theo chuỗi.

Siêu thị Aeon tại quận Tân Phú. Ảnh: CAO THĂNG

Rõ ràng, các nhà đầu tư nhìn thấy ở VN một môi trường đầy tiềm năng với khả năng lợi nhuận cao. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bán lẻ của VN trung bình trong 5 năm qua là 21,2%, đạt 124 tỷ USD trong năm 2013. Riêng tại TPHCM, hệ thống hạ tầng thương mại cũng chưa phát triển đúng tầm, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và phân phối. TPHCM hiện có gần 10 triệu dân nhưng TP mới chỉ có 37 trung tâm thương mại (TTTM), 168 siêu thị, khoảng 723 cửa hàng tiện ích và 240 chợ truyền thống.

Theo tính toán, với quy mô dân số như TPHCM thì phải có 100 TTTM, 1.000 siêu thị và 10.000 cửa hàng tiện ích mới có thể đa dạng hóa các kênh phân phối nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân.

Điểm lại các DN trong nước “có máu mặt” trong ngành bán lẻ, chúng ta không khỏi giật mình. Tại VN, hiện chỉ có một vài DN, trong đó nổi bật là Saigon Co.op đang nắm trong tay 72 siêu thị Co.opMart, 86 cửa hàng Co.op Food, gần 200 cửa hàng Co.op, 1 đại siêu thị Co.opXtraPlus và 1 TTTM Sence City. Kế đến là Công ty Đông Hưng - chủ đầu tư chuỗi Citimart có 26 siêu thị; Công ty An Phong có 6 TTTM Maximark; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn có 2 siêu thị và 42 cửa hàng Satra Food; Công ty Nhất Nam với chuỗi siêu thị Fivimart; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có một số siêu thị và các cửa hàng Hapro…

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, đến nay đã có khoảng 10% các nhà bán lẻ nước ngoài hiện diện tại VN, trong đó có 40% số siêu thị là của các DN này. Dự báo con số này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đây vừa là cơ hội cho người tiêu dùng có nhiều trải nghiệm hơn trong mua sắm, còn các DN sẽ có dịp cọ xát với cạnh tranh nhưng nếu không tỉnh táo, các DN sẽ bị lép vế trước các “đối thủ” hùng mạnh.

Không còn “vùng cấm”!

Vì sao các DN bán lẻ nước ngoài lại tập trung đổ bộ vào thị trường VN? Câu trả lời thường là: Vì VN có tới hơn 90 triệu dân, trong đó 60% dân số trẻ tuổi có sức mua lớn và thị trường bán lẻ chưa phát triển đầy đủ, còn rất nhiều tiềm năng… Nhưng đằng sau sự hấp dẫn trên, VN đang thu hút nhà đầu tư ở nhiều khía cạnh khác.

Theo cam kết của VN khi gia nhập WTO, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được quyền phân phối tại VN kể từ ngày 1-1-2009 đối với 110/155 phân ngành trong ngành dịch vụ phân phối của WTO, bao gồm cả đại lý hoa hồng, bán buôn, bán lẻ, bán hàng đa cấp, nhượng quyền thương mại.

Thế nhưng, có một danh mục hàng hóa loại trừ mà vĩnh viễn các DN này không được tham gia phân phối trên lãnh thổ VN, đó là thuốc lá, xì gà, sách báo, tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý, đá quý, dược phẩm, thuốc nổ, xăng dầu, dầu thô, đường và gạo. Bên cạnh đó, một danh mục loại trừ có thời hạn đến ngày 11-1-2010 như xi măng, clinke, lốp (trừ lốp máy bay), giấy, sắt thép, thiết bị nghe nhìn, rượu và phân bón…

VN cũng đưa ra một số tiêu chí và cam kết công khai quy trình áp dụng kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Cụ thể, việc cấp phép cho các cơ sở bán lẻ, ngoài cơ sở thứ nhất của DN FDI sẽ được xem xét theo 3 tiêu chí khách quan, gồm “quy mô địa lý, số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trên địa bàn và sự ổn định của thị trường”. Sau đó, tại Thông tư số 09/2007 có bổ sung thêm 2 tiêu chí là “mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở thứ 2 và sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch của tỉnh, thành phố”.

Theo nhận định của các chuyên gia, với một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng như VN, việc sử dụng ENT như một công cụ thương mại hữu ích để bảo vệ ngành bán lẻ cũng như các DN còn non trẻ trong nước phát triển. Và đến nay, vẫn chưa có vụ kiện nào xảy ra liên quan đến việc lạm dụng ENT. Thậm chí, tại nhiều tỉnh, thành còn không màng đến ENT, thoải mái cấp phép cho các nhà bán lẻ nước ngoài. Người ta cũng chứng kiến các nhà bán lẻ trong nước cay đắng khi bị hất ra khỏi nhiều mặt bằng đắc địa ngay tại trung tâm các đô thị theo quy luật “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, hoàn toàn không có sự ủng hộ, nâng đỡ!

Gần đây, ngày 29-3-2014, VN tiếp tục nới lỏng điều kiện kinh doanh cho nhà bán lẻ nước ngoài. Theo đó, DN FDI được miễn ENT hoặc được miễn áp dụng quy định đối với một số mặt hàng không được phép phân phối như lúa gạo, đường, thuốc lá, sách báo… khi mở thêm cửa hàng bán lẻ với diện tích nhỏ hơn 500m².

Đáng lưu ý, VN cam kết không hạn chế về nguồn gốc các sản phẩm phân phối trong các cơ sở bán lẻ nước ngoài. Do đó, các cơ sở này có toàn quyền quyết định bán loại hàng hóa nào, nguồn gốc VN hay nước ngoài, tại các cửa hàng, siêu thị của mình. Bằng những điều này, các DN FDI đang nắm trong tay rất nhiều cơ hội để mở rộng mạng lưới kinh doanh tại VN.

Một chuyên gia thị trường từng chua chát nói rằng, không phải chờ đến năm 2009 VN mới mở cửa theo cam kết WTO, trên thực tế thị trường bán lẻ đã bị xuyên thủng bởi các DN FDI từ trước đó. Bằng chứng, năm 2008, VN đã cấp phép đơn lẻ (xét từng trường hợp) cho Tập đoàn Casino của Pháp vào VN với thương hiệu Big C; trước đó, năm 2002 cấp phép cho Metro Cash & Carry của Đức dưới hình thức 100% vốn nước ngoài…

Hội nhập kinh tế, đặc biệt là việc hình thành AEC sẽ không còn những “vùng cấm” cho hàng hóa và DN trong nước. Mở cửa thị trường, ai nắm giữ được hệ thống phân phối, người đó có quyền chi phối đến sản xuất. Vấn đề còn lại là chúng ta sẽ vận dụng các chính sách như thế nào để khai thác được cơ hội và hạn chế thấp nhất rủi ro, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng, cho các kênh phân phối hàng Việt? Câu hỏi này xin chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền.

THÚY HẢI

>> Nước chảy chỗ trũng

Tin cùng chuyên mục