
Một khi đã tuyển dụng nhân sự vào các vị trí quan trọng, các doanh nghiệp (DN) cần phải hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ lý lịch, quá trình công tác của đối tượng và xác minh các nguyên nhân nghỉ việc, chuyển công tác để tránh tuyển các đối tượng phạm tội. Về phía các cơ quan hữu quan nên có sự kiểm tra, cân nhắc thật kỹ đối với các trường hợp đã từng tham gia thành lập DN trước đây, nhằm tránh việc lợi dụng thành lập DN để chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.
- Lơi lỏng trong quản lý DN: Hậu quả khôn lường
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 512 DN xuất nhập khẩu nợ 66 tỷ đồng tiền thuế đã không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan TPHCM cho biết, thủ đoạn mà các DN này thường áp dụng là lợi dụng các chính sách trong Luật Thuế xuất nhập khẩu (cho phép chậm nộp thuế 30 ngày kể từ khi ra thông báo thuế đối với các mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu, và 275 ngày đến 365 ngày đối với các loại hàng nhập khẩu dạng gia công…) để chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước, rồi sau đó trốn mất cùng các khoản nợ thuế mà lẽ ra họ phải nộp.
Đáng báo động nhất là các đối tượng tội phạm đã lợi dụng sự thông thoáng của Luật DN để xin phép thành lập DN, và ngay sau khi thành lập, các DN này đã nhập một lượng lớn hàng hóa trong khoảng thời gian được phép nợ thuế rồi bỏ trốn.
Trong Công văn số 26C15/P4 và 158C15/P4 của Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) gửi Cục Hải quan TPHCM trả lời kết quả về việc phối hợp truy tìm các chủ DN xuất nhập khẩu nợ thuế bỏ trốn (báo SGGP ngày 10-12 đã đưa tin) có nêu rất nhiều trường hợp mà thành viên chủ chốt của các DN này (chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc…), hiện đang đảm đương các chức vụ tương tự tại các DN mới.
Trong số đó có nhiều đối tượng vốn là chủ của các DN đang nợ thuế, sau khi bỏ trốn đã tìm đến địa chỉ khác để tiếp tục thành lập DN mới, và các DN mới này lại tiếp tục có những vi phạm nghiêm trọng về tài chính. Điển hình như sau khi trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh với số tiền nợ thuế 83,5 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Cúc, Giám đốc Công ty TNHH An Phú Cường đã sang làm giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-thương mại Thể thao Ánh Bình Minh.
Dưới sự điều hành của bà Cúc, thời gian qua, Công ty Ánh Bình Minh tiếp tục có những vi phạm về tài chính trong quá trình xây dựng các công trình thể thao, mà điển hình nổi bật là công trình xây dựng CLB Bơi lặn Phú Thọ (báo chí đã đưa tin rất nhiều trong thời gian qua).
Hay như, trường hợp ông Nguyễn Đức Mạc, nguyên là Giám đốc Công ty Liên Phát Thịnh (nợ trên 763 triệu đồng tiền thuế) nay là Giám đốc Công ty T&S; ông Phạm Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Hữu Quý (nợ 478 triệu đồng tiền thuế) nay là Giám đốc Công ty Xây dựng kinh doanh nhà Hiệp Phúc… Mặc dù ở DN mới, các vị giám đốc này hiện chưa gây ra sự cố, thế nhưng với “tiền sự” trốn thuế ở DN trước, ai dám đảm bảo là các đối tượng này sẽ tiếp tục không vi phạm khi hoạt động ở DN mới?
Đây cũng chính là lý do mà các ngành chức năng cần phải hết sức cẩn trọng khi cấp phép thành lập DN mới. Các cơ quan hữu quan nên có sự kiểm tra, cân nhắc thật kỹ đối với các trường hợp đã từng tham gia thành lập các DN trước đây, nhằm tránh việc lợi dụng việc liên tiếp thành lập DN để chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.
- Cẩn trọng khi tuyển dụng nhân sự bậc cao
Cũng theo kết luận điều tra của Tổng cục Cảnh sát, ngoài các đối tượng tìm đến địa chỉ khác để tiếp tục thành lập DN mới như đã nêu trên, còn có không ít các đối tượng trốn thuế lại được tuyển dụng vào các chức vụ quan trọng trong những DN lớn, khá nổi tiếng trên địa bàn TPHCM.
Điển hình nổi bật là trường hợp ông Kha Tôn Thủ, ngụ tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Năm 1995, ông Thủ cùng 2 thành viên khác thành lập Công ty TNHH Hoàn Thành (trụ sở tại 125 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận), thế nhưng chỉ sau một thời gian hoạt động, Công ty Hoàn Thành đã “biến mất” với số tiền nợ thuế lên đến 538 triệu đồng.
Điều đáng lưu ý là, ông Kha Tôn Thủ, không bao lâu sau đó lại được tuyển dụng vào vị trí Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế C&T. Trong văn bản gửi báo SGGP mới đây, Tổng Giám đốc Công ty C&T Trần Kim Chung giải thích: ông Kha Tôn Thủ không phải là thành viên sáng lập ra C&T, mà C&T chỉ tuyển dụng ông Kha Tôn Thủ vào vị trí phó giám đốc công ty mà thôi. Như vậy rõ ràng, mặc dù tuyển chọn nhân sự cho một vị trí hết sức quan trọng, nhưng C&T lại tỏ ra quá dễ dãi để rồi tuyển phải đối tượng trốn thuế.
Thực tế cho thấy, một số đối tượng khác còn được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Điển hình như ông Phạm Trọng Cường, nguyên là Giám đốc Công ty cổ phần Bảo Lâm Sơn (mất tích từ tháng 10-2002 với 43,7 triệu đồng tiền nợ thuế) hiện đang là cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh quận 10.
Quả đây là vấn đề hết sức nguy hiểm nếu như các đối tượng này tiếp tục “ngựa quen đường cũ”. Có thể nói, thực trạng quản lý DN và tuyển dụng nhân sự bậc cao hiện nay chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, nên rất dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Vì vậy, các DN cần phải xem đây là bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình tuyển dụng nhân sự bậc cao.
NGUYỄN THU TUYẾT