Việc ồ ạt đưa khách Nga vào thị trường Việt Nam sẽ gặp những rủi ro đã được cảnh báo. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt mà cả nhà quản lý đến các đơn vị kinh doanh du lịch “quên” đi bài toán lâu dài.
Điêu đứng
Từ thời điểm này đến tháng tư năm sau là mùa cao điểm của khách Nga đến miền Trung, nhưng những ngày này trên các địa bàn du lịch như Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết lại vắng bóng khách Nga đến lạ kỳ. Các chuyến bay chở khách Nga đến Việt Nam cũng giảm hẳn. Sân bay quốc tế Cam Ranh là sân bay đầu mối thực hiện các chuyến bay thẳng đưa khách du lịch từ Nga sang Việt Nam. Hiện mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt khách Nga đi và đến sân bay, trong đó khách của hãng lữ hành Pegas Touristik (hãng lớn nhất đưa khách Nga sang Việt Nam) đang có chiều hướng giảm khoảng 800 lượt/ngày.
Theo thống kê của Sở VH-TT-DL Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay khách Nga đến đây khoảng 200.000 lượt khách, vẫn tăng 25-30%. Tuy nhiên, phản ánh từ các doanh nghiệp chuyên đưa khách Nga đến Việt Nam cho thấy, thời gian tới lượng khách Nga sẽ giảm và giảm rất mạnh. Đại diện Công ty Du lịch Long Phú (Khánh Hòa) cho biết, 85% khách nước ngoài đến tham quan đảo Khỉ, suối Hoa Lan của đơn vị này trong những năm gần đây là khách Nga. Dự kiến năm 2014, mỗi ngày công ty này đón 500 khách Nga nhưng thực tế hiện chỉ đạt khoảng 250 khách/ngày.
Còn tại Bình Thuận, lượng khách Nga đến đây tham quan đang giảm mạnh khiến nhiều hãng du lịch điêu đứng. Một chủ resort tại Khu du lịch Mũi Né phản ánh, từ 3 tháng nay, mặc dù đang vào mùa cao điểm nhưng khách Nga đến đây thưa thớt, giảm hơn 50% so với trước đây.
Khách Nga thời cao điểm đến du lịch tại miền Trung (ảnh chụp tại Khánh Hòa).
Khách truyền thống cũng tụt dốc
Du khách các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc được xem là những thị trường khách truyền thống của du lịch Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung, nhưng lượng khách truyền thống đang giảm 25% - 40% trong năm 2014. Ở các khách sạn trên địa bàn Nha Trang, số lượng khách truyền thống đến đây giảm 20% - 30%. Tuy những tháng đầu năm, công suất phòng các khách sạn hoạt động khá vì lượng khách Nga chưa sụt giảm nhiều, nhưng đến thời điểm cuối năm các khách sạn kêu trời vì công suất phòng hoạt động khoảng 50% so với trước. Tại Khánh Hòa, từ khi khách Nga vào đây, các hãng lữ hành đã ký hợp đồng với nhiều khách sạn “bao thầu” đến 70% công suất phòng cho khách Nga. Khi khách sạn đầy khách Nga, họ chăm chút cho đối tượng khách này mà quên đi những khách Tây Âu, Bắc Mỹ nên đối tượng khách này chuyển hướng sang nước khác.
Một số nhà hàng nổi tiếng tại Nha Trang cho biết thêm, văn hóa ăn - uống của khách Nga bị khách nhiều nước khác phàn nàn. Chủ nhà hàng Nhật Phong (Nha Trang) tâm sự: “Nhà hàng phục vụ tất cả các khách du lịch quốc tế, nhưng thực tế khách Nga không mở hầu bao như các khách quốc tế khác. Đã vậy, mỗi khi vào quán, khách Nga có thói quen uống rượu say xỉn, ồn ào nên nhiều khách quốc tế không hài lòng, bỏ đi nơi khác và ít lui tới nhà hàng”. Một cán bộ làm du lịch Khánh Hòa phân tích: Về mặt bằng chung Người Nga đúng là giàu có, nhưng lượng khách giàu có đi du lịch ngày mỗi ít, thay vào đó là tầng lớp có thu nhập trung bình nên chi tiêu cũng giảm hơn.
Thiếu bền vững
Hãng lữ hành đưa khách Nga đến Việt Nam lớn nhất hiện nay là Pegas Touristik. Để cứu vãn tình hình khách Nga giảm sút, hãng này đã giảm đến 50% giá tour, nhưng lượng khách đặt tour vẫn giảm. Còn hãng lữ hành Anex tour, tuy không giảm giá tour nhưng hãng đã thực hiện chính sách bù lỗ nên lợi nhuận thu về giảm khoảng 40% so với trước. Theo Anex, thì đến hết tháng 12 này, lượng khách Nga đặt tour giảm 60% so với trước. Nếu đồng rúp của Nga tiếp tục rớt giá, hãng du lịch phải ngừng việc đưa khách Nga đến Việt Nam nói chung và Nha Trang nói riêng. Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc khách Nga tăng ồ ạt và đột ngột giảm, đến cả việc mất khách truyền thống đã bộc lộ những dấu hiệu phát triển không bền vững. “Khách quốc tế có sự tăng trưởng cao là điều tốt, nhưng chúng ta cần quan tâm phát triển, mở rộng các thị trường khách du lịch truyền thống lâu nay như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc. Bởi định hướng phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa là chú trọng chất lượng khách”, ông Hải nói.
Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, nhìn nhận đây là hậu quả của một thời gian dài chúng ta quá lệ thuộc vào dòng khách Nga mà không lường hết những rủi ro. Còn ông Lê Xuân Thơm, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hải Đăng (Nha Trang) cho biết, việc sụt giảm thị trường khách Nga và khách truyền thống là “cái chết” được báo trước, nhưng không ai đứng ra lo. “Việc độc tôn khách Nga đã khiến thị trường khách Tây Âu, Bắc Mỹ không có chỗ đứng”, ông Thơm nhận định.
VĂN NGỌC