Bài toán khó của các nền kinh tế châu Á

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định bơm 600 tỷ USD vào thị trường, dự báo dòng vốn USD sẽ ồ ạt tràn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, giải pháp phù hợp về lãi suất ngân hàng và các chính sách đi kèm tại khu vực này càng trở nên quan trọng hơn.

So với lãi suất của Nhật Bản, EU và Mỹ, lãi suất ngân hàng tại nhiều nền kinh tế châu Á rất cao. Do đó đồng USD chảy vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương là điều đương nhiên. Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình ở châu Á sẽ tăng từ 3,3% lên 4% vào năm 2011.

Hiện tại, một số nền kinh tế tăng lãi suất để đương đầu với lạm phát. Trung Quốc vừa tăng 0,25% lãi suất và siết chặt hoạt động cho vay giữa lúc chỉ số giá tiêu dùng của nước này đang tăng mạnh nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia cũng vừa nâng lãi suất. Tại Hàn Quốc, tốc độ tăng giá tiêu dùng lớn hơn tốc độ tăng lãi suất. Trong tháng 10, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tại đây là 4,1% so với cùng kỳ năm 2009. Nguyên nhân là do một số mặt hàng tăng giá, nhất là kim chi, món ăn truyền thống của nước này.

Tuy nhiên, tăng lãi suất là con dao hai lưỡi, nó có thể hạn chế lạm phát nhưng sẽ không kích thích tăng trưởng kinh tế và đặc biệt sẽ thu hút thêm dòng vốn USD từ bên ngoài. Nhiều nền kinh tế tại châu Á rất ngại nâng lãi suất vì lo ngại đồng tiền lên giá, gây hại cho hoạt động xuất khẩu vốn là động lực phát triển kinh tế. Đồng baht của Thái Lan từ đầu năm tới nay tăng giá 12% so với USD. Indonesia đã can thiệp nhằm giảm giá đồng rupiah, tăng dự trữ USD của nước này lên 26 tỷ USD.

Để tiếp tục kiềm giữ đồng tiền ở mức giá thấp, nhiều ngân hàng trung ương châu Á thu vào USD, tăng dự trữ đồng tiền này. Từ đầu năm đến nay, 12 nền kinh tế lớn nhất châu Á đã tích lũy 480 tỷ USD dự trữ, gần một nửa trong số này từ Trung Quốc. Nhưng giữ giá trị đồng tiền ở mức thấp sẽ làm cho dầu thô và các mặt hàng chủ lực nhập khẩu trở nên đắt đỏ, tăng áp lực lên giá tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, giải pháp này sắp tới xem ra khó có thể trụ nổi trước quả bom tấn “600 tỷ USD”.

Ngoài ra, do dòng USD chuẩn bị tràn vào châu Á, nhiều nước lo ngại khả năng tái diễn tình trạng “bong bóng” bất động sản. Các nhà kinh tế dự báo sau khi Mỹ bơm 600 tỷ USD, lượng USD tràn vào châu Á-Thái Bình Dương sẽ làm tăng giá cổ phiếu và giá bất động sản tại đây. Điều nguy hiểm là vốn vào nhanh cũng sẽ rút ra ào ạt tương tự thời kỳ giữa năm 1990 sau đó đưa đến khủng hoảng tài chính năm 1997. Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, đặc khu Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore đã điều chỉnh nhiều chính sách hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản và siết chặt đầu vào của dòng vốn USD nhằm ngăn chặn nguy cơ bong bóng.

Quỹ Tiền tệ quốc tế hồi tháng 10 kêu gọi các nước châu Á-Thái Bình Dương ngừng các gói kích thích kinh tế để giảm áp lực lên thị trường bất động sản. Có thể nói sẽ là bài toán khó với các nền kinh tế châu Á khi vừa kiềm chế lạm phát, vừa tăng kim ngạch xuất khẩu lại vừa tránh nguy cơ bong bóng bất động sản. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục