Bài toán tăng học phí và công bằng trong giáo dục đại học - Bài 3: Chất lượng có tăng theo học phí?

Với mức học phí hiện nay, nói chung, các trường công lập đều khó khăn trong việc duy trì và phát triển đội ngũ, tăng cường trang thiết bị cơ sở vật chất, cũng như cải tiến chương trình đào tạo. Do vậy, việc xã hội hóa phát triển nguồn lực bằng nhiều cách, trong đó có việc tăng học phí là tất yếu. Thế nhưng, liệu có phải học phí cao sẽ giải quyết được ngay bài toán chất lượng giáo dục đại học (ĐH), hay cần phải có một giải pháp tổng thể kèm theo để đạt được mục tiêu như kỳ vọng?  
Sinh viên ngành y khoa Trường ĐH Y Dược TPHCM trong giờ học thực hành
Sinh viên ngành y khoa Trường ĐH Y Dược TPHCM trong giờ học thực hành

Lối đi tất yếu  

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhìn nhận: “Trên thế giới, có thể có phương thức các trường buộc phải tự chủ tài chính cao, cũng có quốc gia mà ở đó, trường được nhà nước cấp kinh phí tốt, tất cả tùy thuộc chính sách tài lực, thuế má… Nhìn vào thực tế ở Việt Nam, việc tăng học phí là khó tránh khỏi, nếu muốn duy trì và cải tiến chất lượng thực sự. Học phí của các trường đại học công lập hiện nay, nếu so sánh với các ĐH tư thục, với các trường nước ngoài (gần nhất là ở Đông Nam Á), hoặc so với học phí của các bậc học thấp hơn ở Việt Nam thì học phí ĐH nhìn chung là tương đối thấp. Các trường ĐH công lập, muốn bảo đảm chất lượng đầu ra trong bối cảnh tăng cường tự chủ về mặt tài chính, trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư, cần theo nguyên tắc xác định học phí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. 

Tất nhiên, việc này cần có lộ trình và tuân thủ theo quy định của pháp luật, cần có trách nhiệm và sự nỗ lực không chỉ của các trường, mà còn cả của cấp quản lý cao hơn. Mặt khác, việc cấp học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính cũng đã có quy định, các trường cần tuân thủ, thậm chí sáng tạo thêm, nhằm vừa có được tài lực, đồng thời thu hút hoặc bảo đảm cơ hội cho những người học có năng lực tốt vào học tại trường. Học phí cao hơn, nhưng việc hỗ trợ cũng sẽ cao hơn tương ứng, ý tưởng là hướng tới công bằng xã hội chứ không phải cào bằng đối với người học. Cần có hệ thống ngân hàng giúp người học được vay tiền để trang trải học phí, sẽ trả sau khi ra trường làm việc.  

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo quốc gia, nhìn nhận, ai cũng hiểu rằng, học phí giáo dục ĐH thấp gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và cho chính nhà trường. Chúng ta không thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao với chi phí thấp được. Vì với nguồn lực tài chính eo hẹp, lại muốn nhiều người được đi học và chất lượng được đảm bảo là bất khả thi. Với học phí quá thấp, nhà trường sẽ khó có điều kiện thu hút, trả lương cho đội ngũ giảng viên, giữ chân họ đóng góp cho nhà trường. Học phí thấp dẫn tới quy mô phải tăng để lấy số lượng bù cho chất lượng và sản phẩm, có thể không đáp ứng yêu cầu người sử dụng. Những lĩnh vực như y khoa, giáo dục, luật và nhiều lĩnh vực khác chất lượng sinh viên tốt nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với xã hội. Học phí còn có vai trò là công cụ điều tiết lại thị phần đào tạo. Trường nào và ngành nào lấy học phí cao thì người học sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ ở những nơi có học phí thấp, chưa cần quan tâm đến chất lượng miễn là có mảnh bằng để đi làm nghề. “Một số nghiên cứu cho rằng, học phí quá thấp ở các trường công lập tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa trường công và trường tư, cùng với việc người học xem nhẹ trách nhiệm, nghĩa vụ học tập của mình. Chi phí thấp nên người ta có xu hướng không tiếc những khoản tiền nhỏ nhoi như mớ rau, con cá mua ngoài chợ”, TS Hoàng Ngọc Vinh ví von. 

Đâu chỉ đơn thuần học phí cao 

Với trường công lập đã tự chủ hoàn toàn (chi thường xuyên và cả đầu tư xây dựng cơ bản) nhưng học phí vẫn theo khung Nghị định 86, GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Trong trường hợp của trường tôi, với mức học phí hiện nay, về cơ bản là đủ để trang trải chi phí (gần 16 triệu đồng/sinh viên/năm) mà vẫn bảo đảm được chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu xã hội “nếu” quản lý hiệu quả, công bằng và loại bỏ được lãng phí dưới mọi hình thức (chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang được Đảng và Nhà nước đẩy mạnh thực hiện). Tuy có hơi chật vật vì phải tự trang trải cả nợ vay đầu tư. Tôi phải dùng chữ “nếu”, vì nó cực kỳ quan trọng. Không quản lý hiệu quả và kiên định chống lãng phí, thì chỉ nội việc “chia chác nhau một cách hợp pháp, đúng quy chế” cũng đã hết tiền tích lũy. Còn đâu mà đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao thu nhập để tuyển thầy giỏi và thay đổi phương pháp giảng dạy...”.

Một khi có được chữ “nếu” trên, mức học phí của Nghị định 86 đủ bảo đảm chi phí đào tạo, nhất là đối với những trường công đã được nhà nước đầu tư sẵn từ bao nhiêu năm trước, đến nay về mặt bằng, xây giảng đường, trang bị phòng thí nghiệm, thiết bị, tuyển, đào tạo đội ngũ nhân sự, đã có thương hiệu xã hội... “Trường tôi hoàn toàn không có những điều kiện này ngay từ ban đầu, phải tự lo mọi thứ bằng nguồn tự tích lũy, mà còn làm được, thì tại sao các ĐH công lập tự chủ khác có sự đầu tư sẵn như thế trong 30, 40 năm qua, lại không làm được?” - GS Lê Vinh Danh nêu vấn đề.

Mặc dầu vậy, GS Lê Vinh Danh lại cho rằng, cần hiểu minh bạch “về cơ bản là đủ” không có nghĩa đó là cái đủ để bảo đảm sự phát triển bền vững về giáo dục và khoa học -  công nghệ cho một ĐH tự chủ. ĐH tự chủ từng bước phải tự lo cho mình toàn bộ, kể cả chi đầu tư chứ không phải chỉ chi thường xuyên. Chi thường xuyên tự chủ thì dễ, nhưng chi đầu tư để liên tục thay đổi trang thiết bị, phòng thí nghiệm, công cụ - dụng cụ đã cũ hoặc lạc hậu đến mức không còn phù hợp để giảng dạy kiến thức mới. Còn trang thiết bị “hạng nặng”, chuyên sâu để mở rộng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ một cách có hệ thống, nhằm tạo được trường phái nghiên cứu, tiến đến có những thành tựu lớn tầm quốc tế, đào tạo ra những con người tinh hoa, thiên tài... thì mức học phí như Nghị định 86 không bao giờ đủ. Nói ngắn gọn, mức phí này chỉ đủ để trang trải cho hoạt động giáo dục và khoa học - công nghệ mức độ cơ bản. Chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo từ mức phí này chỉ có thể đáp ứng tốt nhu cầu hiện tại của xã hội. Đòi hỏi hơn nữa không thể được! 

Theo PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM, trong khi ngân sách nhà nước chưa thể choàng gánh nổi thì hãy huy động nguồn lực xã hội. Cái đích mà chúng ta muốn nhắm đến, không chỉ là dẫn đầu cả nước về đào tạo ngành y, mà phải hướng đến cạnh tranh nguồn nhân lực y tế với thế giới. Nếu chi phí đào tạo quá thấp thì chất lượng đào tạo không thể theo kịp với thay đổi của thế giới. Đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, chương trình mới, phương pháp giảng dạy mới mà học phí thấp thì không có cách nào làm được… 

Tin cùng chuyên mục