
Đại hội Đảng cấp cơ sở ở 3 đơn vị điểm gồm phường 9 (quận 3) và 2 xã Phước Hiệp, Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) của TPHCM nhiệm kỳ 2005-2010 vừa diễn ra đã tập trung bàn đến nhiều vấn đề: chuyện làm ăn, giải quyết việc làm, trách nhiệm của cán bộ phường, vai trò tổ chức Đảng khi lo việc dân.… Việc dân, đó cũng chính là việc Đảng ở đại hội Đảng các cấp.
Nghị quyết Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Các vấn đề lớn về dân sinh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi được đại hội đưa ra thảo luận khá sôi nổi. Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo (XĐGN), đã có gần 800 hộ được đưa ra khỏi diện nghèo, tuy nhiên vẫn còn 345 hộ theo tiêu chí mới.
Đồng chí Nguyễn Thị Ảnh, Bí thư Chi bộ ấp 3 nói: “Cách làm XĐGN của chúng ta trong những năm qua còn thiếu bền vững vì chỉ dựa vào nguồn lực bên ngoài là chính, chưa có những mô hình làm ăn theo hướng hợp tác hóa, chuyên môn hóa và hỗ trợ vốn sản xuất trực tiếp cho người nghèo.

Bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ phường 9, quận 3.
Việc phát triển con bò sữa cũng chỉ mới dừng lại ở việc nuôi “lẻ” tại từng hộ gia đình. Nếu phát triển theo mô hình sản xuất tập trung sẽ không chỉ thu hút được vốn, kỹ thuật, thị trường mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, trong đó người nghèo cũng được tham gia”.
Về chỉ tiêu nâng số lượng bò sữa từ 6.000 con hiện nay lên 9.000 con trong nhiệm kỳ tới, nhiều ý kiến cho rằng, để con bò sữa trở thành chiến lược trong cơ cấu nông nghiệp, nhất thiết phải tính toán lại con số thực tế còn bao nhiêu hộ dân nuôi bò sữa và đang gặp khó khăn gì, từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Gẳng (Chi bộ ấp 9), giá sữa đang xuống, chỉ còn hơn 2.000 đồng/kg, trong khi đó giá cỏ, hèm, lúa lại tăng cao khiến cho nhiều hộ thu hẹp chăn nuôi để chuyển sang hướng khác. Diện tích đất phát triển nguồn cỏ cũng phải tính lại, vì một con bò sữa cần đến 5 cao đất (500m2)/năm.
Trung bình 1ha chỉ đủ cho 20 con, như vậy với chỉ tiêu 9.000 con bò sữa, xã sẽ mất bao nhiêu đất trồng cỏ, trong khi nghị quyết đại hội chỉ xác định diện tích 270 ha?”. Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Bí thư Chi bộ ấp 6, bức xúc: “Trong khi chúng ta đang thiếu đất cho phát triển “một con, một cây” thì có không ít trường hợp người từ nơi khác đến mua đất của người dân xong bỏ đó không canh tác, làm cho sâu bọ phát triển, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội phát sinh.
Để thực hiện đúng cơ cấu phát triển, vấn đề đất đai phải là nội dung trọng tâm không chỉ ở xã, mà các cơ quan chức năng của huyện phải “nhảy vào” mới giải quyết được một cách triệt để”.
Đối với xã Phước Hiệp (Củ Chi), mục tiêu của nhiệm kỳ tới vẫn là chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công- nông nghiệp, bởi xã đang trong quá trình đô thị hóa nên diện tích trồng lúa ngày một giảm dần. Mục tiêu chính của xã là làm sao chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp.
Trong đó, xã nhấn mạnh vào những cây, con mà năm qua sản xuất đạt hiệu quả cao với chỉ tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ là: 130 ha bắp lai, 2 ha hoa kiểng, 10 ha rau sạch và phát triển 2.300 con bò. Đảng viên Võ Văn Phần cho biết, việc trồng cây kiểng ở xã tuy mới vừa tự phát, nhưng nếu xã tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, tạo điều kiện cho nhân dân tham quan học tập ở các nơi làm tốt thì sẽ phát triển, tạo nguồn thu đáng kể.
Đồng chí Phần đề nghị, xã nên thành lập Ban chỉ đạo các tổ trồng trọt, chăn nuôi làm cầu nối, kết hợp 3 nhà (nhà nông, nhà khoa học và nhà nước) để hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con làm ăn, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Công khai hóa Nghị quyết của Đảng đến người dân
Mục tiêu đến năm 2010 của Đảng bộ xã Phước Hiệp là xây dựng 24km đường giao thông nông thôn và lắp mới 150 bóng đèn, ước khoảng 20 tỷ đồng, trong đó vận động sức dân 2 tỷ đồng, ngân sách xã 1 tỷ đồng, phần còn lại đề nghị cấp trên hỗ trợ.
Để phát huy sức dân đóng góp 2 tỷ đồng thực hiện các công trình dân sinh trên địa bàn, đảng viên Võ Trí Viễn góp ý: việc đầu tiên nhất là phải mở rộng công khai, dân chủ trong dân. Để làm được điều đó, phải xây dựng một hệ thống chính trị ấp, tổ nhân dân thật vững mạnh, trong đó chú trọng nhất vẫn là vai trò cầu nối của từng đảng viên. Đồng chí đề nghị, mỗi đảng viên tùy theo sức khỏe của mình, phụ trách 2-3 hộ dân lân cận để tuyên truyền vận động dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bí thư chi bộ ấp 4, xã Tân Thạnh Đông Nguyễn Văn Đặc đi ngay vào vấn đề về dân chủ và công khai. Đồng chí đưa ra dẫn chứng: hàng tháng Đảng ủy xã chỉ nắm tình hình của các chi bộ qua kỳ họp giao ban, chứ ít khi xuống tận dưới ấp kiểm tra xem việc thực hiện nghị quyết tháng đó tới đâu, người dân hiện nay đang quan tâm gì…
Chính vì vậy, như ông nói: “Nhiệm kỳ qua có chi bộ làm rất tốt lại không được khen; ngược lại không ít chi bộ chỉ biết báo cáo hay thì luôn được khen. Để khen đúng, phải đi từ thực tế đưa nghị quyết của Đảng đến với người dân; những phản ánh, bức xúc của dân phải được thể hiện trong nghị quyết của Đảng”.
Từ kết quả của 37 chỉ tiêu mà đại hội biểu quyết thông qua, nhiều đảng viên kiến nghị phải có nghị quyết chuyên đề của từng lĩnh vực. Trước khi xây dựng nghị quyết, phải công khai đến dân để người dân góp ý. “Muốn kiểm tra xem nghị quyết được thực hiện đến đâu, qua dân, chúng ta cũng sẽ biết được hết”- một đảng viên khẳng định.
Ở phường 9 (quận 3), đại biểu Nguyễn Văn Xê đặt vấn đề: “Tại sao chuyện gì của Đảng cũng bí mật. Đảng bộ bàn chuyện dân thì phải cho dân biết chứ ? Đại hội cần thảo luận sâu hơn về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở”. Theo ông, ở phường 9, “dân biết, dân làm” thực hiện khá tốt, nhưng “dân bàn, dân kiểm tra” lại quá yếu. Dân không bàn làm sao dân hiểu, và một khi dân không hiểu dễ xảy ra khiếu kiện. Dân không kiểm tra thì tiêu cực dễ phát sinh, làm mất cán bộ.
Bài học “sát mà không sâu”
“Cần nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm nhận ra thiếu sót để cùng nhau khắc phục. Tôi cho rằng bài học lớn nhất chúng ta cần rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua là đoàn kết nội bộ và phát huy dân chủ trong Đảng”- đại biểu Nguyễn Văn Xê (Hội Cựu chiến binh phường 9) bức xúc.
Ông khẳng định có tình trạng mất đoàn kết nội bộ, bằng mặt không bằng lòng, thiếu tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong suốt 2 nhiệm kỳ qua, từ đó làm giảm vai trò, vị trí của cấp ủy Đảng và buông lỏng quản lý nhà nước”.
Ở phường 9 này, hầu như ai cũng biết chuyện “làm ăn” của mấy cán bộ chủ chốt phường 9 trong năm 2003, đó là việc “mấy ông này” đã chuyển từ đất công do phường khai thác thành đất tư do tư nhân khai thác, rồi lấy tiền đền bù để lập quỹ hoạt động phong trào.
Chưa hết, họ còn “đồng tình đưa tiêu cực phí cho cán bộ nhân viên phụ trách của Công ty Dịch vụ công ích quận 3 để nhận tiền đền bù”.
Bí thư Đảng ủy phường 9 Nguyễn Thanh Việt thừa nhận: “Khuyết điểm của Đảng ủy trong việc này là chủ quan, đơn giản, có phần đặt nặng lợi ích cục bộ, nên đã thông qua một chủ trương khi chưa có đầy đủ thông tin đảm bảo tính pháp lý. Đây là bài học sâu sắc về công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ và phát huy dân chủ nội bộ cho nhiệm kỳ tới của Đảng bộ”.
Thêm một bài học được đại biểu Hồ Văn Chính (chi bộ khu phố 5) chỉ ra, đó là tình trạng chỉ đạo từ bàn giấy, nặng về hội họp nên không sâu sát tình hình thực tế hoặc “sát mà không sâu”. Có đại biểu dẫn chứng: nói là đi thực tế, nhưng mấy chú cán bộ phường chỉ xuống tới khu phố, nghe tổ trưởng tổ dân phố nói thôi thì cũng khó biết hết sự thật và như thế không thể nắm được mọi ngóc ngách trong tâm tư, suy nghĩ của người dân.
Ở cơ sở, Đảng ủy, chính quyền không phải bàn chuyện vĩ mô, mà là giải quyết những công việc cụ thể, kể cả những việc rất nhỏ nhưng liên quan đến số đông người dân. “Trụ sở ngân hàng trên đường Kỳ Đồng làm vỉa hè dốc quá, người đi bộ vấp té và phải đi xuống lòng đường, sao phường không can thiệp ?
Vì sao người ta có thể biến mặt bằng của câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa của các hộ dân ở chung cư Kỳ Đồng thành bãi giữ xe thu tiền? Dân kêu nhiều rồi mà chẳng ai thấu cả. Đấy là chuyện của Đảng, của chính quyền cơ sở”.
Đại biểu Nguyễn Văn Xê dẫn lời của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Hội nghị Thành ủy: “ Cán bộ hãy tập thói quen chịu khó nghe dân nói, kể cả những điều trái tai, khó nghe”.
NHÓM PVCT
Kinh nghiệm chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng cấp cơ sở |