
Ngày 4-9, Bộ Tư lệnh TPHCM, Quận ủy quận 3 tổ chức hội thảo “Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bàn Cờ” với sự tham dự của nhiều nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, tham dự hội thảo.
Vùng Bàn Cờ xưa vốn là nơi sình lầy, hoang vắng nằm trên địa bàn quận 3. Phần lớn cư dân nơi đây thuộc thành phần lao động nghèo từ các nơi về sinh sống. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vùng đất của những người lao động nghèo ấy, như cách miêu tả của nhà văn Trầm Hương: “Lại chính là nơi của những tấm lòng vàng, sẵn sàng đùm bọc, cưu mang cách mạng trong những ngày đêm trước của lịch sử. Nơi đây đã viết tên mình vào lịch sử với Bàn Cờ của thế trận lòng dân”.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo “Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bàn Cờ”. Ảnh: Việt Dũng
Căn cứ nội thành trong lòng địch
Trong ký ức của những nhân chứng lịch sử, vùng đất nhỏ bé mà gan góc này chính là căn cứ nội thành vững chắc nhất ngay trong lòng địch. Xứ ủy tồn tại ngay trước mắt kẻ thù và Bàn Cờ với xóm nghèo chi chít dọc ngang vẫn là nơi hoạt động của những cán bộ phụ vận như bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), bà Nguyễn Thị Thanh (Uyển Thanh), bà Đỗ Hữu Bích, bà Thái Thị Nhạn…
Ngày 13-2-1967, Tổ biệt động nội thành do đồng chí Tám Cứ làm tổ trưởng đã đặt súng cối 81 li tại số nhà 8/4 đường Vườn Chuối bắn vào Tổng hành dinh của tướng Westmoreland tại góc đường Nguyễn Du và Pasteur. Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ đã đưa tin: “Tổng hành dinh tướng Westmoreland bị súng cối bắn vào, đạn rơi đúng vào đoàn xe chở lính dù chạy qua làm 13 chết, 16 bị thương”. Kỳ tích ấy do người mẹ nhỏ bé Lâm Thị Ẩn quê Trảng Bàng, Tây Ninh thực hiện. Khi bà Ẩn chuyển vào Sài Gòn hoạt động đã ngụ tại số nhà 8/4 Vườn Chuối và táo bạo tiếp nhận số vũ khí gồm các bộ phận của khẩu cối 82 li, súng AK, súng ngắn, đạn cối cất giấu. Nhiều tháng ròng bà đã “ngồi trên đống lửa” để bảo vệ kho súng đạn. Sau này bà nhiều lần cho biết, nếu không có sự chở che của người dân xung quanh chắc chắn những kho vũ khí trong lòng Bàn Cờ đã không thể tồn tại. Anh hùng LLVT Võ Thị Tâm (nữ giao liên trinh sát dẫn đường đã có 3 lần nhận nhiệm vụ đưa lực lượng võ trang Phân khu 2 tấn công vào nội đô Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968) bình yên hoạt động giữa lòng Sài Gòn qua sự chở che của bà con chợ Vườn Chuối dù đã gây ra hàng loạt vụ “động trời”: Treo cờ mặt trận trên cột điện, in và rải 10.000 lá truyền đơn, gửi hơn 20 lá thư cảnh báo bọn ác ôn…
Những câu chuyện kể cảm động của các nhân chứng đan xen vào nhau với cùng một nội dung: “Nếu không có bà con Bàn Cờ chở che thì lịch sử đã ghi thêm rất nhiều cái tên liệt sĩ…”. Nhiều cán bộ cách mạng gắn bó với Bàn Cờ sau này trở thành những tên tuổi tỏa sáng vì lòng trung kiên, bất chấp nhà tù, cái chết. Những nhân chứng lịch sử góp mặt tại buổi hội thảo đều có cùng một mong mỏi, nhắn gửi: “Đừng bao giờ quên thế trận lòng dân, ngay trong những ngày hòa bình, xây dựng đất nước”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ các đại biểu tại hội thảo “Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bàn cờ”. Ảnh: Việt Dũng
Phong tặng danh hiệu cho những “người mẹ Bàn Cờ”
Tại hội thảo, các nhân chứng lịch sử đã trình bày nhiều tham luận với chứng cứ lịch sử rõ ràng, đánh giá cao tầm quan trọng của vùng lõm Bàn Cờ trong các cuộc đấu tranh kháng chiến, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ và đề nghị Nhà nước xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ vùng đất này. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Bí thư Quận ủy quận 3, chia sẻ: Gần 40 năm, chiến tranh đã đi qua, quận 3 vinh dự có 66 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và trong đó có 17 mẹ Việt Nam anh hùng ở khu Bàn Cờ. Những chữ “Người mẹ Bàn Cờ” đã trở thành danh từ chung cho tất cả các mẹ có tên và không tên khác tại “vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bàn Cờ”. Nhiều ngôi nhà đã trở thành điểm hẹn của nhiều thế hệ các chị, các em Bàn Cờ như nhà số 115 phường Bàn Cờ của mẹ Phạm Thị Thanh Chi; nhà số 664/7 Nguyễn Đình Chiểu của má Lợi Múi… là niềm tự hào của quận 3.
Sau ngày đất nước thống nhất, khu vực Bàn Cờ do Đảng bộ phường 3 quận 3 quản lý, đã tập trung lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng, chăm lo ổn định đời sống người dân. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh Trúc, Bí thư Đảng ủy phường, cho biết một trong những công tác quan trọng hàng đầu sau ngày giải phóng là khôi phục sản xuất. Dựa vào thế mạnh là thủ công mỹ nghệ, trên địa bàn đã hình thành các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn. Chợ Bàn Cờ cũng được quy hoạch lại, sắp xếp tiểu thương buôn bán có trật tự, nề nếp góp phần ổn định kinh tế bà con địa bàn. Sau năm 1975, Chi bộ phường Bàn Cờ chỉ có 4 đảng viên, đến năm 2013, Đảng bộ phường có 219 đảng viên. Hàng năm đều được công nhận tổ chức Đảng bộ trong sạch vững mạnh, 90% - 100% chi bộ được công nhận trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu, kém.
| |
HỒNG HIỆP